Những nội dung chính
Ung thư (cancer) và đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ là những gánh nặng sức khỏe, kinh tế, xã hội mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ 21. Trong khi cả thế giới đang phải nổ lực hết sức để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do đại dịch gây ra, thì ung thư vẫn âm thầm gây ra cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Giữa hai vấn đề cùng bắt đầu bằng chữ “C” này có nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên.
1. Gánh nặng
Dịch bệnh và ung thư không những là hai vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho nhân loại, mà còn là gánh nặng lớn về kinh tế – xã hội.
Ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Theo WHO, ung thư chịu trách nhiệm cho cái chết của gần 10 triệu người trên thế giới trong năm 2018 [1]. Ung thư còn là gánh nặng kinh tế cho cả bệnh nhân và xã hội. Năm 2017, tại Hoa Kỳ, ung thư gây thiệt hại 1,8% GDP, con số này ở Châu Âu là 1,07%GDP [2].
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 là một thử thách vô cùng khó khăn mà loài người phải đối mặt. Tính đến ngày 1 tháng 9 năm 2021 đã có 219 triệu người mắc với hơn 4,5 triệu người chết trên toàn thế giới và không ngừng gia tăng. Việt Nam có hơn 501 nghìn người mắc với hơn 12 nghìn ca tử vong [3]. Thiệt hại về kinh tế – xã hội do dịch bệnh gây ra là không thể đong đếm. Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới có thể bị thiệt hại đến 22.000 tỷ đô la do đại dịch COVID-19, liên quan đến các chính sách phong tỏa, đóng cửa nền kinh tế để chống dịch của các quốc gia [4].
2. Căn nguyên
Nguyên nhân thực sự gây ung thư và nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đến nay vẫn chưa biết rõ.
Ung thư do một hoặc một số các tế bào của cơ thể phát triển không kiểm soát và lan rộng ra các phần khác của cơ thể. Chúng có thể phát triển từ bất cứ nơi nào trong cơ thể. Nhưng cho đến nay chúng ta chưa thể biết chính xác nguyên nhân tại sao ung thư phát triển ở người này nhưng không phát triển ở người khác.
Dịch bệnh COVID-19 được biết do virus SARS-CoV-2 gây ra. Nhưng sau gần 2 năm khởi phát những ca bệnh đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được biết rõ. Hiện nay có hai giả thuyết được lưu truyền rộng rãi: (1) virus có nguồn gốc tự nhiên; (2) virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Theo thời gian, việc chứng minh nguồn gốc của SARS-CoV-2 càng ngày càng trở nên khó khăn.
3. Sự phát triển của ung thư và SARS-CoV-2
Từ tế bào ban đầu, ung thư sử dụng chất dinh dưỡng của cơ thể để phân chia không ngừng, rồi di căn lan ra các phần khác của cơ thể. Virus, sau khi xâm nhập, sẽ sử dụng bộ máy tổng hợp cùng với các nguyên vật liệu của tế bào để nhân lên, rồi phá vỡ tế bào và lây nhiễm sang các tế bào khác.
Sau khi hình thành, tế bào ung thư nhân lên nhanh chóng nhờ những đặc tính bất thường của nó và di căn ra các phần khác của cơ thể. Sự hình thành các mạch máu tân tạo là bước đầu tiên của quá trình di căn, được thúc đẩy bởi các yếu tố phát triển tiết ra từ u. Bước thứ hai của quá trình di căn là tế bào ung thư tấn công vào chất nền ngoại bào và các tế bào khác. Tiếp theo, tế bào ung thư xâm nhập xuyên qua hàng rào chất nền ngoại bào, qua mạch máu tân tạo, để vào hệ thống tuần hoàn, đi đến vị trí thứ phát. Quá trình nhân lên của tế bào ung thư ở vị trí thứ phát (một môi trường xa lạ và thù địch với chúng) được thúc đẩy bởi các yếu tố tăng trưởng (growth factors).
SARS-CoV-2 không phải là sinh vật sống, do không có cấu trúc tế bào. Virus chỉ là một sợi RNA với khoảng 30.000 nucleotid được bao bọc trong lớp vỏ protein [5]. Trong khi đó, bộ gen của tế bào người có hơn 6 tỷ nucleotid, gấp 200.000 lần virus. Chính vì cấu trúc đơn giản của mình, nên virus dễ đột biến và cũng dễ dàng bị tiêu diệt bởi các chất sát trùng thông thường (như cồn, xà phòng, chlohexidin).
Mặc dù kích thước rất nhỏ, cấu tạo đơn giản, nhưng virus có thể tấn công tế bào người – một cỗ máy hoàn chỉnh và có kích thước lớn gấp hàng triệu lần. Bước đầu tiên, virus xâm nhập vào bên trong tế bào, nhờ protein gai ở màng virus để gắn kết với thụ thể men chuyển angiotensin 2 (ACE2) của tế bào vật chủ. Bước tiếp theo là quá trình sao chép thông tin di truyền chứa trong RNA của virus để tổng hợp các sợi RNA mới, cũng như các thành phần khác của virus, rồi lắp ráp thành các virus mới. Sau khi được lắp ráp hoàn chỉnh, virus được vận chuyển đến bề mặt tế bào trong các túi, được giải phóng ra khỏi tế bào và tiếp tục tấn công các tế bào khác.
ACE2 phân bố khắp cơ thể, như mũi, phổi, ruột non, thận, lớp nội mô của các mạch máu và cơ trơn động mạch. Sự phân bố rộng rãi của các thụ thể ACE2 có thể giải thích tác dụng đồng thời lên nhiều cơ quan khác nhau của SARS CoV-2. Biểu hiện ACE2 thấp hơn ở trẻ em so với người lớn là lý do tại sao COVID-19 ở trẻ em ít phổ biến hơn, biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn và tần suất lây truyền cũng thấp hơn [6].
4. Tốc độ lây lan của dịch bệnh và tốc độ nhân lên của tế bào ung thư
Vandamme và cộng sự đã sử dụng mô hình toán học để mô tả sự nhân lên của tế bào ung thư và sự lây nhiễm của SARS-CoV-2. Nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan giữa tốc độ nhân lên của tế bào ung thư và tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh [7].
Đối với dịch bênh, nghiên cứu ghi nhận nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên phụ thuộc vào sự tiếp xúc với virus trong không khí vượt qua ngưỡng nguy cơ lây nhiễm. Đối với ung thư, nguy cơ mắc ung thư cũng gia tăng theo tuổi và liều hấp thụ của các chất độc vượt quá ngưỡng nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, thời gian mắc có sự khác nhau giữa 2 nguyên nhân gây tử vong này: hàng năm đối với ung thư và hàng ngày đến hàng tuần đối với dịch bệnh.
Hình 5a cho thấy sự nhân lên của các tế bào ung thư và sự lây lan của dịch bệnh không phải lúc nào cũng đồng đều (với thời gian t đã được điều chỉnh, 5 ngày với dịch bệnh và 100-300 ngày với ung thư). Sau một khoảng thời gian không hoạt động, khối u có thể được kích hoạt để nhân lên nhanh chóng, được gọi là sự tăng trưởng bùng nổ (growth spurt). Điều tương tự cũng xảy ra với dịch bệnh. Tăng sinh mạch và phản ứng viêm là khởi nguồn cho sự bùng nổ của tế bào ung thư, trong khi sự suy yếu của các quy tắc chống dịch (5K, vaccin) có thể kích hoạt làn sóng thứ hai của dịch bệnh.
Hình 5b cho thấy sự lây nhiễm của dịch bệnh cũng như sự nhân lên của tế bào ung thư sẽ không ngừng nghỉ nếu không thực hiện các quy tắc chống dịch (với COVID-19) hoặc không điều trị (với ung thư).
Ước tính từ một người nhiễm virus, khi không thực hiện bất kỳ biện pháp chống dịch nào, có thể lây nhiễm cho 1000 người sau 1 tháng, 1 triệu người sau 2 tháng và 1 tỷ người chỉ sau 3 tháng [8].
5. Khả năng lẩn trốn hệ thống miễn dịch
Cơ thể người đã phát triển hệ thống miễn dịch nhiều lớp để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân ngoại lai cũng như các tế bào bất thường trong cơ thể. Tuy nhiên, tế bào ung thư và SARS-CoV-2 có nhiều cách khác nhau để thoát khỏi sự chống trả quyết liệt của cơ thể, nhờ đó chúng có thể tiếp tục nhân lên.
Ung thư lẩn tránh khỏi sự tấn công của hệ thống miễn dịch nhờ hai chiến lược: Trong giai đoạn đầu, các tế bào ung thư giảm biểu hiện kháng nguyên bề mặt, do đó tránh được sự nhận diện của tế bào lympho T. Trong khi ở giai đoạn sau, khối u phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm tiết ra từ u làm suy giảm phản ứng miễn dịch thích ứng (miễn dịch thu được), bằng cách ngăn chặn sự trưởng thành và chức năng của tế bào trình diện kháng nguyên (APC), cũng như gây ra các thay đổi trong chức năng và truyền tín hiệu của tế bào lympho T. Kết quả các nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa những thay đổi của hệ miễn dịch với tăng khả năng di căn của tế bào ung thư, giảm đáp ứng với liệu pháp miễn dịch và tiên lượng xấu [9].
Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào, trong giai đoạn ủ bệnh, các kháng nguyên trên bề mặt tế bào biểu hiện ở mức độ tối thiểu, nên hệ miễn dịch không thể nhận diện và tấn công virus. Quá trình này kéo dài vài ngày (2-4 ngày với biến thể Delta), trước khi virus chuyển sang trạng thái hoạt động và gây bệnh. Mặt khác, đột biến là một phần bình thường trong vòng đời của virus SARS-CoV-2, xảy ra trong quá trình virus nhân lên và lây nhiễm. Sự đột biến cho phép virus có thể thoát khỏi sự tấn công liên tục của hệ thống miễn dịch, cũng như làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccin [10].
6. Tăng D-dimer
Bình thường, D-dimer được tạo ra trong quá trình giáng hóa fibrin từ cục máu đông trong lòng mạch, có khi từ khoảng gian mạch. Vì vậy, khi nồng độ D-dimer trong máu tăng cao thường là chỉ dấu cho huyết khối trong lòng mạch.
Sự tấn công của SARS-CoV-2 vào tế bào nội mô mạch máu, nơi có mặt của thụ thể ACE2, kích hoạt giải phóng các cytokin viêm, làm tăng tính thấm thành mạch. Huyết tương thẩm thấu ra khoảng gian phế nang trong tình trạng gọi là “phổi ướt” (wet lung). Huyết tương, ngoài cytokin, còn chứa fibrinogen và thrombin. Các yếu tố đông máu này hình thành fibrin ở khoảng gian phế nang để tạo thành bộ khung cho các cytokin viêm thực hiện chức năng. Quá trình giáng hóa fibrin là cần thiết nhằm tạo sự thông thoáng cho khoảng gian phế nang và đảm bảo quá trình trao đổi khí đạt hiệu quả tối ưu. Sản phẩm của quá trình giáng hóa fibrin là D-dimer được tái hấp thu vào lòng mạch và được tìm thấy trong máu. Do vậy, tăng D-dimer trong trường hợp này có thể không phải là dấu hiệu cho sự hình thành cục máu đông trong lòng mạch. Tuy nhiên, sự gia tăng của D-dimer có tương quan với mức độ tổn thương phổi, do vậy là yếu tố tiên lượng xấu.
Trong ung thư, quá trình viêm xảy ra ở mô đệm, nơi tập trung nhiều mạch máu, đặc biệt là những mạch máu tân tạo để nuôi dưỡng u. Quá trình viêm cũng gây ra rò rỉ huyết tương chứa fibrinogen ra khoảng gian bào, hình thành các sợi fibrin ngoại mạch. Fibrin cũng là thành phần cấu trúc của mô đệm. Ở nồng độ thấp fibrin có thể thúc đẩy quá trình viêm, nhưng ở nồng độ cao lại ngăn chặn các tế bào viêm tiếp cận khối u. Plasminogen do khối u tiết ra sẽ giáng hóa fibrin nhanh chóng để tạo thành D-dimer. Những ung thư kháng với các liệu pháp điều trị và có tiên lượng kém thường có mối tương quan với tăng D-dimer trong máu [11].
7. Nguy cơ huyết khối
Thuyên tắc mạch phổi là nguyên nhân gây tử vong chính của những bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu. Bởi vì hơn một nửa bệnh nhân bị thuyên tắc phổi có cục máu đông đi kèm trong tĩnh mạch chi dưới. Tuy nhiên cục máu đông có thể phát triển trong mạch phổi mà không có huyết khối tĩnh mạch chi dưới, thường gặp ở những bệnh nhân ung thư và ở những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
SARS-CoV-2 và ung thư có thể hoạt hóa quá trình đông máu, gây nên tình trạng tăng đông, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể [12]. Yếu tố thúc đẩy sự hình thành huyết khối là mức độ ác tính trong ung thư hoặc mức độ viêm trong COVID-19 [11].
8. Thất bại của thuốc chống đông
Các nghiên cứu cho thấy thuốc chống đông dự phòng không đủ để ngăn ngừa huyết khối ở bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những trường hợp nguy kịch. Tình trạng thất bại của thuốc chống đông ở bệnh nhân ung thư cũng không hiếm gặp, đặc biệt là khi bệnh tiến triển và di căn.
Thuốc chống đông thường được sử dụng là heparin. Cơ chế tác dụng của heparin là gắn vào antithrombin (hay còn gọi là antithrombin III) làm tăng rõ rệt tác dụng chống đông của antithrombin. Tác dụng chống đông của heparin tức thời, tác dụng mạnh, không chỉ phụ thuộc vào nồng độ heparin, mà còn phụ thuộc vào antithrombin và các yếu tố đông máu khác. Trong khi đó, huyết khối được hình thành ở bệnh nhân COVID-19 là do quá trình viêm không kiểm soát được, và trong ung thư là do các cục máu đông ung thư, nên rất khó để heparin có thể dọn sạch. Hai quá trình sinh lý bệnh này không thể giảm thiểu bằng cách sử dụng thuốc chống đông [10].
9. Tiên lượng
Hạn chế kinh tế xã hội, trình độ giáo dục, lối sống, bệnh kèm theo, hạn chế trong tiếp cận y tế là những yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của cả ung thư và COVID-19 [13].
Các loại ung thư khác nhau có tiên lượng khác nhau. Ngay cả khi cùng một loại ung thư, cùng giai đoạn, cùng phương pháp điều trị và cùng các yếu tố khác, nhưng thời gian sống thêm của các bệnh nhân có thể không giống nhau.
Cùng bị nhiễm SARS-CoV-2, một số bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng lại có bệnh nhân gặp triệu chứng nặng, thậm chí nguy kịch. Một số giả thuyết được đưa ra. Những trường hợp nặng hay gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc bị phơi nhiễm bởi một số lượng lớn virus. Một số bệnh nhân do có tế bào biểu mô hô hấp thuận lợi cho quá trình nhân bản của virus, làm cho virus nhân lên nhanh hơn, tổn thương kèm theo nghiêm trọng hơn. Một số khác lại do hệ miễn dịch đáp ứng quá mức, không những tấn công tế bào chứa virus mà còn tấn công tế bào lành, gây tổn thương cho phổi và các cơ quan khác. Những trường hợp này gọi là bão cytokin và hay gặp ở người trẻ tuổi khỏe mạnh.
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống 5 năm ở người da đen thấp hơn người da trắng trong phần lớn các ung thư. Với Covid 19, khoảng 20% trường hợp mắc ở Hoa Kỳ xảy ra với người da đen, trong khi chỉ chiếm 13% dân số. 32% người Mỹ La tinh bị mắc bệnh trong khi chỉ chiếm 17% dân số [13].
10. Điều trị ung thư và chống dịch
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư, cũng như chống đại dịch COVID-19, đã được áp dụng, nhưng thật không may là không có phương pháp điều trị nào đặc hiệu.
Những khối u giai đoạn đầu, việc phẫu thuật cắt bỏ u là biện pháp triệt để, ngăn chặn ung thư tái phát và di căn. Điều này cũng giống như khi dịch bệnh bùng phát, nhưng khu trú ở Vũ Hán (Trung Quốc), các biện pháp phong tỏa, cách ly cực đoan tỏ ra có hiệu quả.
Nhưng khi khối u xâm lấn và di căn ra khắp nơi trong cơ thể, việc áp dụng các biện pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật, xạ trị, không những không thể kiểm soát được sự phát triển của tế bào ung thư, mà còn có thể làm tế bào ung thư lan nhanh hơn. Thời gian cho phẫu thuật, xạ trị cũng là khoảng thời gian quý báu bị đánh mất. Cơ hội cho bệnh nhân khỏi hoàn toàn ung thư ở giai đoạn di căn là rất hiếm. Vì vậy, bệnh nhân phải chấp nhận sống chung với ung thư trong khoảng thời gian còn lại. Lúc này, các biện pháp điều trị toàn thân (như hóa chất, nội tiết, đích) là cần thiết.
Hiện nay, dịch bệnh lây lan gần như tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, 62/63 tỉnh thành (trừ Cao Bằng) báo cáo có ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4. Tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam cũng giống như giai đoạn “di căn” của ung thư. Một số quốc gia nhận ra rằng chiến lược “zero-covid” với hy vọng đưa số ca mắc COVID-19 về 0 là không thực tế. Điều này cũng giống như hy vọng điều trị khỏi hoàn toàn ung thư ở giai đoạn di căn. Nhiều quốc gia phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh, mặc dù vaccin đã được tiêm trên 60% dân số (như Anh, Úc…).
Một số bệnh nhân chống lại ung thư theo những “tin đồn” cho rằng nhịn ăn, hay chế độ ăn kiêng để tế bào ung thư chết do thiếu dinh dưỡng. Những họ không biết rằng nhiều người trong số họ sẽ chết vì đói và suy kiệt trước khi chết vì ung thư.
Mạch máu là con đường chính để các tế bào ung thư di căn. Nhưng lưu ý rằng, sự lưu thông của hệ thống tuần hoàn là vô cùng cần thiết đối với cơ thể. Tất cả các tế bào trong cơ thể đều cần mạch máu để trao đổi chất. Những nơi nào tuần hoàn bị ứ trệ thì tế bào đó, cơ quan hay bộ phận đó sẽ chết.
Điều trị ung thư, cũng như chống dịch, cần có một chiến lược bài bản ngay từ đầu. Những sai lầm trong lựa chọn phương pháp điều trị ung thư, thậm chí sai lầm trong lựa chọn thứ tự các phương pháp, sẽ phải trả giá bằng tính mạng bệnh nhân. Còn những sai lầm trong cách thức chống dịch sẽ phải trả giá bằng vô số tính mạng.
BS. Lê Văn Thành – Bệnh viện K
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ferlay J, Soerjomataram I, Dikshit R, et al (2012). Cancer Incidence and Mortality Worldwide. Lyon, France., International Agency for Research on Cancer.
2. The American Cancer Society. (2020). The Economic Burden of Cancer. https://canceratlas.cancer.org/taking-action/economic-burden/.
3. Jonh Hopkins University, COVID-19 Dashbard. https://www.arcgis.com/apps/dashboards/bda7594740fd40299423467b48e9ecf6.
4. International Moneytary Fund, POLICY RESPONSES TO COVID-19. https://www.imf.org/en/Topics/imf-and-covid19/Policy-Responses-to-COVID-19.
5. Huang Y., Yang C., Xu X., et al. (2020). Structural and functional properties of SARS-CoV-2 spike protein: potential antivirus drug development for COVID-19. Acta Pharmacol Sin, 41(9), 1141–1149.
6. Dong Y., Mo X., Hu Y., et al. (2020). Epidemiology of COVID-19 Among Children in China. Pediatrics, 145(6), e20200702.
7. Vandamme L.K.J., de Hingh I.H.J.T., Fonseca J., et al. (2021). Similarities between pandemics and cancer in growth and risk models. Sci Rep, 11(1), 349.
8. Bar-On Y.M., Flamholz A., Phillips R., et al. (2020). SARS-CoV-2 (COVID-19) by the numbers. eLife, 9, e57309.
9. Rodríguez P.C., Zea A.H., and Ochoa A.C. (2003). Mechanisms of tumor evasion from the immune response. Cancer Chemother Biol Response Modif, 21, 351–364.
10. Clark S.A., Clark L.E., Pan J., et al. (2021). SARS-CoV-2 evolution in an immunocompromised host reveals shared neutralization escape mechanisms. Cell, 184(10), 2605-2617.e18.
11. Thachil J., Khorana A., and Carrier M. (2021). Similarities and perspectives on the two C’s—Cancer and COVID‐19. J Thromb Haemost, 19(5), 1161–1167.
12. Lowenstein C.J. and Solomon S.D. (2020). Severe COVID-19 Is a Microvascular Disease. Circulation, 142(17), 1609–1611.
13. Newman L.A., Winn R.A., and Carethers J.M. (2021). Similarities in Risk for COVID-19 and Cancer Disparities. Clin Cancer Res, 27(1), 24–27.
BS Thành chọn những chủ đề ấn tượng ghê 🙂