Rụng tóc do điều trị hóa chất – những điều bạn cần biết

Rụng tóc là một tác dụng  phụ thường gặp của điều trị hóa chất. Có khoảng 65% bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất gặp phải tình trạng rụng tóc. Dù hoàn toàn không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, rụng tóc vẫn thực sự là một “nỗi ám ảnh” đối với nhiều người bệnh ung thư trước khi quyết định điều trị hóa chất. Đây cũng là lý do khiến không ít người bệnh từ chối hay bỏ dở điều trị.

Rụng tóc thường bắt đầu sau truyền hóa chất 2 – 4 tuần và mất một vài tuần sau khi kết thúc điều trị để có thể mọc trở lại. Hiện tượng này có thể xuất hiện đột ngột và diễn biến rất nhanh, bạn có thể nhận thấy nhiều tóc rụng trên gối khi thức dậy, hay khi chải tóc, gội đầu. Hóa chất cũng sẽ dẫn đến rụng lông ở những vị trí khác như lông mi, lông mày, nách, vùng sinh dục.

Vì sao thuốc hóa chất có thể gây rụng tóc?

Thuốc hóa chất giúp tiêu diệt tế bào ung thư, thật không may, nó cũng tác động mạnh lên các tế bào khỏe mạnh bình thường của cơ thể bạn. Những tế bào phát triển càng nhanh càng nhạy cảm với hóa chất, có thể kể đến như niêm mạc miệng, niêm mạc ruột, các tế bào máu và cả những tế bào mầm ở chân tóc. Trong quá trình truyền hóa chất, các tế bào ở chân tóc bị tổn thương và chết đi, gây nên hiện tượng rụng tóc.

Có phải thuốc hóa chất nào cũng có thể gây rụng tóc?

Mức độ rụng tóc khác nhau phụ thuộc vào loại thuốc hóa chất và liều sử dụng. Không phải tất cả thuốc hóa chất đều gây rụng tóc. Một số thuốc có khả năng cao gây rụng tóc như:

Các thuốc điều trị nhắm trúng đích thường không gây rụng tóc, tuy nhiên cũng có thể làm tóc thay đổi, trở nên khô, đổi màu hoặc mảnh hơn bình thường.

Những điều bạn nên làm:

Hiện nay chưa có biện pháp nào hữu hiệu giúp ngăn chặn quá trình rụng tóc do điều trị hóa chất. Một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn hạn chế tác dụng phụ này, quan trọng hơn, nhằm chia sẻ với bạn một số cách để có thể đối diện và vượt qua những ảnh hưởng tâm lý do rụng tóc mang lại.

– Trao đổi với bác sỹ điều trị cho bạn về phác đồ hóa chất sẽ sử dụng và nguy cơ rụng tóc của nó. Điều này giúp bạn có thể chuẩn bị tâm lý tốt hơn để đối mặt.

– Một số lưu ý khi chăm sóc tóc trong quá trình điều trị:

+ Lựa chọn dầu gội đầu ít kích ứng, như loại dành cho trẻ em

+ Số lần gội đầu vừa đủ để cảm thấy thoải mái, không nên gội đầu quá nhiều và động tác quá mạnh

+ Để tóc khô tự nhiên, không sử dụng máy sấy tóc

+ Dùng lược mềm, răng thưa để tránh gây tổn thương tóc

+ Tránh các tác động thêm vào tóc như uốn, ép, nhuộm tóc trong quá trình điều trị

– Để hạn chế ảnh hưởng tâm lý do rụng tóc, bác sỹ có thể động viên một số bệnh nhân có nguy cơ rụng tóc cao chủ động cắt tóc ngắn, thậm chí cạo trọc và sử dụng tóc giả trước khi bắt đầu điều trị, bạn có thể cân nhắc lựa chọn cách này nếu cảm thấy phù hợp và nó giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

– Khi đã rụng tóc, bạn đừng quên chú ý chăm sóc da đầu, điều này rất quan trọng để tóc có thể phục hồi sau điều trị:

+ Bảo vệ da đầu bằng kem chống nắng hay đội mũ khi ra ngoài trời

+ Xoa bóp, mát xa nhẹ nhàng da đầu hàng ngày giúp giảm cảm giác tê bì, dị cảm sau khi rụng tóc

– Một vài tuần sau khi kết thúc điều trị, tóc của bạn sẽ bắt đầu mọc trở lại, một số lưu ý trong thời gian này:

+ Tóc lúc này có thể thay đổi so với ban đầu (màu sắc, xoăn…)

+ Hạn chế số lần gội đầu, 2 lần/tuần có thể phù hợp thời điểm này

+ Xoa bóp nhẹ nhàng da đầu để loại bỏ lớp da khô bong vảy

+ Không uốn, ép, sấy hay nhuộm tóc ít nhất 1 năm sau điều trị

BSNT. Trần Trung Bách

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *