Những điều bạn cần biết về ĐIỀU TRỊ HOÁ CHẤT (Phần 1)

Điều trị hoá chất là một trong những phương pháp điều trị ung thư căn bản hiện nay cùng với phẫu thuật, xạ trị và một số liệu pháp điều trị toàn thân khác như điều trị nội tiết, điều trị đích hay điều trị miễn dịch. Để mọi người, đặc biệt là người bệnh và gia đình bệnh nhân ung thư, có thể nhanh chóng nắm được những kiến thức cần thiết sẵn sàng để trải qua thời gian điều trị bệnh ung thư bằng hoá chất, UNG THƯ HỌC xin gửi đến quý bạn đọc bài viết Tổng hợp những điều bạn cần viết về ĐIỀU TRỊ HOÁ CHẤT dựa trên những câu hỏi, thắc mắc chúng tôi tiếp nhận được từ đa số bạn đọc qua chuyên mục TƯ VẤN.
1. Điều trị hoá chất là gì?
Điều trị hoá chất hay Hoá trị hay “Truyền/chạy hoá chất” theo cách dân gian thường gọi, muốn nói đến phương pháp điều trị bệnh ung thư bằng cách sử dụng các thuốc hoá chất.
Những dược chất hoá học này giúp điều trị bệnh ung thư bằng nhiều cách thức (cơ chế) khác nhau, tuy nhiên, phần lớn đều tập trung ở mục tiêu là quá trình phân chia (nhân lên) của các tế bào → Can thiệp vào quá trình này, gây ra những hỏng hóc (rối loạn) → Tế bào chết đi.

2. Điều trị hoá chất gây ra nhiều tác dụng phụ?
Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy rằng dựa trên những cơ chế này, các hoá chất không phân biệt được mà tác động lên cả tế bào ung thư cũng như các tế bào lành (khoẻ mạnh) của cơ thể. Đây là điểm hạn chế căn bản của phương pháp điều trị hoá chất biểu hiện bởi những tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn mà người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải (Như rụng tóc, viêm miệng, giảm bạch cầu, tiêu chảy…).
 3. Nếu như vậy, vì sao bác sĩ lại vẫn chỉ định phương án điều trị nhiều độc tính này cho người bệnh ung thư?

Các tế bào hoạt động phân chia càng mạnh, nhân lên càng nhanh, hoá chất càng có cơ hội phát huy tác dụng!

Các tế bào ung thư có một đặc điểm mang tính bản chấtkhả năng phân chia (tăng sinh hay nhân lên) mạnh mẽ vượt bậc hơn nhiều so với các tế bào lành của cơ thể → Các tế bào ung thư chịu tác động của hoá chất nhiều hơn hẳn đa số các tế bào lành trong cơ thể.
Các tế bào lành của cơ thể có khả năng tự hồi phục sau những tác động của thuốc hoá chất. Quá trình điều trị hoá chất được diễn ra với các đợt truyền/uống thuốc xen kẽ với thời gian nghỉ (không sử dụng hoá chất) phù hợp tạo điều kiện cho các tế bào lành của cơ thể phục hồi kịp thời, sẵn sàng cho đợt điều trị tiếp theo.
– Với phần lớn các tác dụng phụ/tác dụng không mong muốn của điều trị hoá chất, chúng ta đã có được những biện pháp ngăn ngừa, dự phòng không cho chúng xuất hiện hay kiểm soát và cải thiện có hiệu quả, đảm bảo được an toàn và chất lượng cuộc sống của người bệnh trong quá trình điều trị. Ví dụ: Các thuốc chống nôn, thuốc chống dị ứng, thuốc chống tiêu chảy…
– Và một cơ sở quan trọng không thể thiếu khi bác sĩ quyết định chỉ định có hay không điều trị hoá chất, sử dụng phác đồ, loại hoá chất nào cho 1 người bệnh ung thư cụ thể, đó là các dữ liệu, bằng chứng khoa học khách quan từ các nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị hoá chất trên một nhóm đông đảo những người có tình trạng bệnh tương tự.
4. Phác đồ hoá chất là gì?
Phác đồ hoá chất hay phác đồ hoá trị, cụm từ thường được các bác sĩ nói đến, có thể được hiểu giống như một “công thức” trong đó quy định:
– Sẽ sử dụng loại hoá chất nào?
Một (Phác đồ đơn chất) hay phối hợp nhiều loại hoá chất (Phác đồ đa hoá chất).
Hoá chất dạng truyền tĩnh mạch (“ven”, mạch máu) hay dạng viên uống → Điều trị hoá chất không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với “truyền hoá chất”!
– Liều lượng mỗi loại hoá chất ra sao?
Cùng một phác đồ nhưng điều trị hoá chất cho từng người bệnh cụ thể đều được tính toán liều lượng phù hợp riêng cho từng trường hợp dựa trên một số đặc điểm như: Chiều cao, cân nặng, chức năng gan – thận, tình trạng sức khoẻ tổng thể và các bệnh lý kèm theo của người bệnh.
– Cách sử dụng các loại hoá chất trong mỗi đợt điều trị như thế nào?
Cách thức pha thuốc hoá chất với dung dịch truyền phù hợp, tốc độ truyền nhanh hay chậm, thứ tự truyền các loại thuốc trong phác đồ hoá chất.
Cách thức người bệnh sử dụng các hoá chất dạng viên uống: Trong những ngày nào trong đợt điều trị, thời điểm uống thuốc trong ngày, trước hay sau bữa ăn đều được quy định rõ trong phác đồ điều trị.
– Khoảng thời gian nghỉ giữa 2 đợt điều trị tại bệnh viện hay còn gọi là “Chu kỳ” điều trị: 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần hoặc 4 tuần tuỳ theo từng loại phác đồ được lựa chọn. 
Như chúng ta đã có đề cập đến ở trên, đây là khoảng thời gian cần thiết cho các tế bào lành, hay nói cách khác, cho cơ thể người bệnh (Các tế bào gan, thận, các tế bào máu…) hồi phục trở lại sau những tác động của thuốc hoá chất trong đợt điều trị trước đó. Chính vì vậy, mức độ cũng như tốc độ phục hồi của mỗi cá thể người bệnh cũng sẽ là một cơ sở để bác sĩ điều trị cân nhắc điều chỉnh khoảng thời gian này dài – ngắn phù hợp hơn.
5. Vì sao người bệnh cần được điều trị hoá chất?
Thông thường, chỉ định điều trị hoá chất cho một trường hợp bệnh nhân cụ thể sẽ được các bác sĩ quyết định dựa trên:
Kết quả của hội chẩn tiểu ban ung thư: Thảo luận và thống nhất ý kiến giữa các bác sĩ ở các chuyên ngành sâu khác nhau có liên quan đến tình trạng bệnh lý của người bệnh, thường có bác sĩ nội khoa ung thư, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ xạ trị, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ dinh dưỡng…
Cân nhắc giữa Lợi ích và Nguy cơ của việc điều trị hoá chất đến kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đó, về cơ bản:
Mặt Lợi ích: Dựa trên các bằng chứng tin cậy từ các nghiên cứu chứng minh hiệu quả điều trị (Gồm các yếu tố như tỷ lệ khỏi bệnh sau 5 năm, thời gian sống được kéo dài thêm, thời gian kiểm soát được bệnh, hiệu quả cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh…) của cùng phác đồ hoá chất cho một số lượng đông đảo những người mắc bệnh tương đồng với người bệnh (Cùng bệnh ung thư, cùng giai đoạn, cùng thể giải phẫu bệnh…).
Mặt nguy cơ: Cũng dựa trên kết quả những nghiên cứu, bác sĩ dự đoán nguy cơ người bệnh sẽ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn khi điều trị phác đồ hoá chất và cân đối hài hoá với khả năng dung nạp (“chịu đựng”) của người bệnh (Thay đổi theo tuổi, giới, tình hình sức khoẻ toàn thân, tâm lý, các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường…).


Về khía cạnh chuyên môn, các bác sĩ sẽ quyết định chỉ định điều trị hoá chất cho người bệnh khi xem xét thấy rằng việc điều trị có nhiều cơ hội mang lại lợi ích cho người bệnh hơn nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ và khi bác sĩ có sẵn các biện pháp hữu hiệu giúp dự phòng, ngăn chặn và kiểm soát các mối nguy cơ này.
Điều trị hoá chất chỉ có thể bắt đầu sau khi bác sĩ giải thích đầy đủ cho người bệnh và gia đình hiểu rõ những lợi ích có thể đạt được và nguy cơ bất lợi của điều trị và gia đình, người bệnh cùng đạt được nhất trí, đồng thuận quyết định điều trị theo chiến lược bác sĩ đã đề ra.
CÒN TIẾP…


BSNT. Trần Trung Bách

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *