Vét hạch một cách hệ thống (LNE) không giúp cải thiện thời gian sống thêm không bệnh tiến triển (PFS) và thời gian sống thêm toàn bộ (OS) ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển, do đó không nên được thực hiện thường quy. Đây là kết luận dựa trên kết quả thử nghiệm có tên LION, được báo cáo tại hội nghị ASCO năm 2017 vừa qua.
“Đối với ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn tiến trển, mục tiêu hàng đầu của phẫu thuật là lấy hết tồn thương ung thư về mặt đại thể”, TS Philipp Harter, bệnh viện Kliniken Essen-Mitte (Đức) mở đầu bài trình bày về nghiên cứu LION tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) 2017. Một câu hỏi đặt ra cho các phẫu thuật viên, đó là nên hay không nên vét hạch một cách hệ thống cho những trường hợp không có dấu hiệu gợi ý di căn hạch trên chẩn đoán hình ảnh trước mổ và đánh giá trong mổ. Các nghiên cứu trước đó cho những kết luận khác nhau, chưa nhất quán liên quan tới vấn đề này.
Thử nghiệm LION được tiến hành trên 650 bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn tiến triển, được phẫu thuật giảm thiểu u tối đa kinh điển (Debulking Surgery. 650 BN được phân nhóm ngẫu nhiên được vét hạch chậu, cạnh động mạch chủ một cách hệ thống (323 BN) và nhóm không được vét hạch (324 BN). Cả 2 nhóm có sự tương đồng vể độ tuổi trung bình (60 tuổi), chỉ số toàn trạng ECOG 0 tại thời điểm ban đầu, hầu hết có độ mô học là 2-3.
Kết quả nghiên cứu:
Di căn hạch được xác định trên kết quả mô bệnh học sau mổ ở 55,7% số bệnh nhân trong nhóm có vét hạch hệ thống. Số lượng hạch vét được trung bình ở những bệnh nhân này là 57 (22 hạch cạnh động mạch chủ, 35 hạch chậu).
Những bệnh nhân được vét hạch hệ thống có thời gian phẫu thuật trung bình dài hơn 1 giờ và số lượng máu mất trong mổ nhiều hơn, đòi hỏi phải truyền máu sau mổ nhiều hơn nhóm còn lại một cách có ý nghĩa (P < 0,001). Bên cạnh đó, biến chứng nhiễm trùng hậu phẫu ở nhóm BN vét hạch hệ thống cũng nhiều hơn (P=0,03), và tỷ lệ tử vong trong vòng 60 ngày sau mổ cao hơn (3,1% so với 0.9%; P = 0,049).
Thêm vào đó, vét hạch hệ thống còn không đem lại sự khác biệt nào ở kết quả sống thêm. Tính chung cả 2 nhóm, trung vị thời gian PFS là 25,5 tháng và trung vị OS là 67,2 tháng, với tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 5 năm là 55,9%. Trung vị sống thêm toàn bộ ở nhóm có vét hạch là 65,5 tháng, so với 69,2 tháng ở nhóm không vét hạch, tỷ số HR = 1,057 (CI 95%: 0,833 – 1,341). Tương tự, trung vị sống thêm không bệnh tiến triển ở cả 2 nhóm là tương đương nhau, 25,5 tháng, với HR 1.106 (95% Cl, 0.915 – 1.338).
TS Harter kết luận “Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng vét hạch chậu và cạnh động mạch chủ một cách hệ thống ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển được đánh giá chưa di căn hạch trước – trong mổ không mang lại lợi ích và nên được hạn chế”.
Edited by: DR. BTT