Những điều bạn cần biết về ĐIỀU TRỊ HOÁ CHẤT (Phần 2)

Đảm bảo an toàn ở nhà trong thời gian điều trị hoá chất

Việc điều trị hoá chất của bạn có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào?
Sau mỗi đợt (chu kỳ) chu kỳ điều trị, các thuốc hoá chất có thể ở lại trong cơ thể bạn cho đến 1 tuần sau mới được đào thải ra ngoài hoàn toàn. Nếu bạn đang được điều trị với phác đồ sử dụng hoá chất liên tục (thường là thuốc dạng viên uống), hoá chất sẽ hiện diện trong cơ thể bạn trong suốt thời gian điều trị.
Khi có mặt trong cơ thể, một hàm lượng nhỏ hoá chất có thể xuất hiện trong “dịch cơ thể” của bạn (nước tiểu, phân, chất nôn, máu, dịch âm đạo…). Để đảm bảo rằng những hóa chất này sẽ không ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người thân bên cạnh, chúng ta cần lưu ý:
– Biết được khoảng thời gian hoá chất còn tồn tại nhiều trong cơ thể
– Biết cách làm vệ sinh một cách an toàn các vật dụng (quần áo, khăn trải giường, gối…) bị dây dính các loại dịch cơ thể kể trên.
– Nếu bạn sử dụng hoá chất dạng viên uống: biết cách bảo quản, lưu trữ thuốc an toàn.
– Nếu bạn sử dụng hoá chất đường truyền tĩnh mạch tại nhà (bởi một máy/bơm tiêm truyền tự động): biết cách phải làm gì khi máy/bơm truyền gặp trục trặc.

Lưu ý: Người có thai hoặc đang cho con bú không nên tiếp xúc với các viên thuốc hoá chất cũng như các đồ vật nghi ngờ bị dây dính thuốc hoá chất.

Quan trọng!!!
Liên hệ ngay với bác sĩ hoặc điều dưỡng (y tá) của bạn ngay khi bạn gặp những hiện tượng sau:
– Sốt trên 38 độ
– Toát mồ hôi bất thường, cảm giác ớn lạnh, rét run
– Đau đầu ở mức độ trước đó bạn chưa gặp phải bao giờ
– Viêm họng, ho, cảm lạnh
– Phát ban trên da, đỏ da
– Vết mổ/vết thương hay khu vực đặt đường truyền thuốc sưng nề, tấy đỏ, đau
– Tiêu chảy nặng dần, không cải thiện
– Đau khi tiểu tiện, nghi ngờ có máu trong nước tiểu
– Rò rỉ dung dịch thuốc từ máy tiêm truyền.

Nếu không liên hệ được với bác sĩ hay điều dưỡng của bạn, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Những chỉ dẫn để đảm bảo tốt nhất an toàn trong thời gian điều trị hoá chất
Các thuốc hoá chất sau khi được đưa vào cơ thể, thường tồn tại trong bạn cho đến 7 ngày sau đấy. Vì vậy, bạn cần cẩn thận nhất trong khoảng thời gian này nhé!
Mang găng tay y tế (có thể mua ở các hiệu thuốc) khi làm vệ sinh cá nhân hay các vật dụng, có nguy cơ tiếp xúc với các dịch cơ thể và không quên rửa tay ngay sau đó.

Cần làm gì khi bạn cần sử dụng thuốc hoá chất trong thời gian ngoại trú tại nhà?
Với các thuốc hoá chất dạng viên uống
– Sử dụng thuốc đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách thức được bác sĩ điều trị đã chỉ dẫn.
– Bảo quản ở nơi chuyên biệt an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em và không để vật nuôi trong nhà có thể tiếp cận.
– Nếu bạn có vướng mắc gì trong việc uống thuốc, hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị của bạn.
– Tuyệt đối không nhai, bẻ hoặc xay thuốc trước khi có ý kiến của bác sĩ điều trị.
– Cần thông báo cho người nhà cùng tìm hiểu các chỉ dẫn an toàn trên nếu bạn cần giúp đỡ khi uống thuốc.
Với các thuốc hoá chất đường truyền tĩnh mạch (máy/bơm truyền tự động)
– Bác sĩ điều trị và điều dưỡng chăm sóc cho bạn sẽ hướng dẫn cho bạn cách thức máy truyền hoạt động và những sự cố thường gặp cũng như cách xử trí.
Nếu bạn còn có những thắc mắc, đừng ngần ngại trao đổi thêm với bác sĩ điều trị và điều dưỡng của bạn.

Tôi có thể ở gần, ôm hay chạm vào những người thân?
Điều đó hoàn toàn an toàn cho gia đình của bạn nếu chúng ta tuân thủ những chỉ dẫn an toàn phù hợp.


BSNT. Trần Trung Bách

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *