Thiếu máu do điều trị hoá chất | Những điều bạn cần biết

“Thiếu máu” được dùng để mô tả tình trạng giảm số lượng các tế bào hồng cầu trong máu. Hồng cầu là những tế bào đóng vai trò “sống còn” với cơ thể chúng ta khi chúng thực hiện nhiệm vụ vận chuyển Oxy (dưỡng khí) đến các cơ quan bộ phận trong cơ thể, sau đó, đưa CO2 (sinh ra do hoạt động chuyển hoá của tế bào) đến phổi để được đào thải ra ngoài.
Như mọi người đã biết, các thuốc hoá chất giúp chúng ta tiêu diệt tế bào ung thư, tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có tác động “ngoài ý muốn” đến các tế bào khoẻ mạnh khác trong cơ thể, các tế bào ở những cơ quan “hay đổi mới” sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó có tuỷ xương (quá trình tạo “máu”: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu diễn ra liên tục) dẫn đến các hiện tượng như thiếu máu, giảm bạch cầu hay tiểu cầu, niêm mạc miệng và đường tiêu hoá (biểu hiện viêm, loét miệng, viêm ruột…)…
Hiện tượng thiếu máu ở những bệnh nhân ung thư còn có thể có nhiều nguyên nhân khác, chúng ta có thể kể đến như:

  • Mất máu liên quan đến phẫu thuật
  • Mất máu liên quan đến khối u (u dạ dày, thực quản, đại tràng…)
  • Thiếu nguyên liệu để tuỷ xương tạo máu như thiếu sắt, thiếu vitamin B12… thường liên quan đến tình trạng dinh dưỡng trong thời gian điều trị
  • Điều trị bằng tia xạ vào các vùng tuỷ xương tạo máu (xương chậu…) cũng có thể dẫn đến biểu hiện thiếu máu

Các biểu hiện của thiếu máu:

  • Cảm giác yếu, mệt mỏi
  • Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế nằm ngồi, đứng dậy
  • Cảm giác khó thở
  • Giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ

Khi nhận thấy những dấu hiệu trên, hãy luôn nhớ thông báo ngay cho bác sỹ điều trị!

Những điều bạn cần chú ý:
Thiếu máu và bổ sung sắt
Các thuốc bổ sung sắt sẽ được bác sĩ chỉ định cho bạn trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta có thể gặp tình trạng khó “dung nạp” thuốc, với các biểu hiện như kích thích gây buồn nôn hay táo bón. Để hạn chế các biểu hiện này cũng như giúp cho việc hấp thu sắt tốt nhất, bạn có thể thảo luận cùng bác sĩ về lựa chọn những sản phẩm dạng dịch lỏng (ống nước), viên nén, viên con nhộng tuỳ theo sở thích, bên cạnh đó, chú ý KHÔNG sử dụng thuốc sắt cùng với cà phê, trà (chè) hay sữa (sẽ làm giảm hấp thu sắt), ngược lại, các thức ăn, hoa quả nhiều vitamin C sẽ rất có ích cho bạn.
Thiếu máu và chế độ dinh dưỡng

Bạn có đang kiêng khem quá mức các loại thịt đỏ (bò, lợn…)?

Việc kiêng khem quá mức các loại thịt đỏ không chỉ có thể khiến bạn mất đi nguồn cung cấp sắt dồi dào dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu cho tuỷ xương có thể sản xuất đủ số lượng tế bào máu cần thiết. Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn thêm các loại thực phẩm giàu sắt khác như gia cầm, hải sản, cá.


Xem thêm bài viết: Chế độ dinh dưỡng trong thời gian điều trị hoá chất
Chú ý: khi thiếu máu đi kèm với tình trạng hạ bạch cầu, trước nguy cơ nhiễm trùng do suy giảm khả năng đề kháng, chúng ta sẽ cần lời khuyên của bác sỹ về chế độ ăn phù hợp, trong đó, có thể sẽ phải hạn chế những loại thực phẩm kể trên.
Xem thêm bài viết: Ăn gì khi hạ bạch cầu
Khi thiếu máu, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi là điều quan trọng bạn cần làm
Trong thời gian tình trạng thiếu máu chưa cải thiện, bạn nên hạn chế tối đa mức độ hoạt động, dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, thư giãn. Để tránh hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế đột ngột, từ tư thế nằm, bạn nên ngồi tại giường một lúc trước khi đứng dậy.
Khi tình trạng thiếu máu ở mức độ nặng (xác định tuỳ theo mức độ giảm huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong xét nghiệm máu, mức độ các triệu chứng lâm sàng của bạn), chỉ định truyền máu có thể được bác sĩ chỉ định giúp “nâng” nhanh số lượng hồng cầu trong máu của bạn, tuy nhiên, những lời khuyên trên đây, cùng với tư vấn trực tiếp từ bác sĩ điều trị, sẽ giúp bạn cải thiện và dự phòng thiếu máu trong thời gian sắp tới của liệu trình điều trị.

BSNT. Trần Trung Bách

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

2 comments

  1. Bùi thị ánh hà

    Xin chào bác sĩ.Bs cho e hỏi em bị ung thư đại tràng xích ma giai đoạn đầu 3.em đã mổ và cắt mang xông.hiện đang truyền mũi 1 nhưng truyền về tình trạng phân lỏng đi nhiều lần.bs kê thuốc uống nhưng bệnh vẫn ko thuyên giảm.giờ bs cho e lời khuyên ạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *