Buồn nôn và nôn là những tác dụng phụ thường gặp trong quá trình điều trị bệnh ung thư bằng hóa chất. Nếu không được dự phòng và kiểm soát tốt, tình trạng này có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng:
– Người bệnh không thể ăn uống và đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt quan trọng vì đó sẽ là cơ sở giúp bệnh nhân có thể hồi phục sức khỏe sau khi truyền hóa chất, để sẵn sàng cho đợt điều trị tiếp theo. Tình trạng nôn kéo dài có thể gây ra rối loạn nước và điện giải, suy dinh dưỡng khiến bệnh nhân trở nên suy kiệt.
– Nếu bệnh nhân được bác sỹ chỉ định thuốc hóa chất đường uống trong phác đồ điều trị, buồn nôn và nôn khiến họ không thể uống được đầy đủ liều thuốc, thậm chí bỏ thuốc, do đó ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị bệnh.
Hiện này, điều trị chống buồn nôn, nôn ở bệnh nhân ung thư có nhiều tiến bộ với sự phối hợp nhiều thuốc chống nôn và ra đời của các loại thuốc chống nôn thế hệ mới đã giúp phòng và điều trị nôn có hiệu quả rất tốt ở đa số người bệnh
Những thời điểm bạn có thể buồn nôn và nôn trong quá trình điều trị hóa chất?
– Nôn cấp tính: có thể xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 giờ từ khi bắt đầu truyền hóa chất.
– Nôn muộn: xảy ra sau 24 giờ sau khi truyền hóa chất.
– Nếu dấu hiệu buồn nôn, nôn xuất hiện ngay từ trước khi truyền hóa chất, đó có thể liên quan đến yếu tố tâm lý của bạn quá lo lắng, ám ảnh bởi tình trạng nôn trong đợt điều trị trước đó.
Các hóa chất nào có thể gây nôn và buồn nôn?
Không phải tất cả các loại hóa chất đều có thể gây buồn nôn và nôn. Tùy thuộc vào nguy cơ gây nôn (cao – trung bình – thấp) của các loại thuốc sử dụng trong phác đồ hóa chất dành cho bạn, bác sỹ sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống nôn phù hợp, có thể giúp bạn ngăn cản hoàn toàn sự xuất hiện các tác dụng phụ này.
Những việc bạn có thể làm để dự phòng và giảm nhẹ Buồn nôn, Nôn trong quá trình điều trị hóa chất:
– Tuân thủ sử dụng các loại thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sỹ điều trị, KỂ CẢ khi chưa có dấu hiệu buồn nôn – nôn, vai trò của các thuốc này là ngăn ngừa các dấu hiệu đó khi chưa xuất hiện.
– Thông báo với bác sỹ điều trị hiệu quả của các loại thuốc chống nôn (không còn buồn nôn hay đỡ, giảm hay không thay đổi hay nặng hơn!) để bác sỹ có thể có những điều chỉnh thuốc thích hợp hơn cho bạn.
– Lựa chọn chế độ ăn phù hợp:
+ Chia nhỏ các bữa ăn: Thay vì 3 bữa ăn chính mỗi ngày, chuyển thành 5-6 bữa ăn nhỏ/ngày, không để cho bạn có cảm giác đói.
+ Có thể chọn các món ăn khô như lương khô, hạt điều, bánh mì… Không uống nước trong bữa ăn đặc biệt ở bữa ăn đầu tiên buổi sáng.
+ Nếu không thể ăn nhiều do có thể sẽ gây buồn nôn, nôn sau ăn, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm bổ dưỡng giàu năng lượng (các loại thịt trắng, thịt đỏ, hải sản…), tuy nhiên tránh các món ăn nhiều dầu, mỡ, nhiều mùi, các loại trứng, khoai … Những thức ăn khó tiêu sẽ khiến bạn cảm thấy ậm ạch, khó chịu ở bụng, kích thích cảm giác buồn nôn!
+ KHÔNG nên ăn các món ăn bạn yêu thích trong những thời gian có nguy cơ buồn nôn, nôn cao (những ngày đầu sau truyền hóa chất): Sẽ không còn là món khoái khẩu nữa khi bạn gắn liền nó với những lúc cảm thấy buồn nôn hay nôn sau khi ăn!
– Chú ý đảm bảo lượng nước uống hàng ngày, tối thiểu 2-3 lít/ngày. Bạn hãy trao đổi thêm với bác sỹ điều trị để có được chỉ dẫn phù hợp.
– Tuyệt đối tránh cà phê và thuốc lá.
– Không nằm nghỉ hay tập thể dục trong khoảng 2 giờ sau bữa ăn.
– Nếu bạn nôn, ngừng ăn. Sau khi ngừng nôn, giảm cảm giác buồn nôn, bạn có thể từ từ bắt đầu lại với việc uống một ít nước gừng, nước hoa quả, sữa đậu, nước gạo rang… Nếu dễ chịu hơn, sau đó bạn có thể sử dụng các món ăn mềm như cháo, bánh mì, chuối, thạch… trước khi trở lại với các món ăn bình thường.
Khi nào bạn cần đến bệnh viện ngay để được điều trị hỗ trợ?
– Buồn nôn, nôn mức độ nặng khiến bạn không thể ăn, uống được và mệt mỏi nhiều.
– Dấu hiệu nôn kèm theo đau đầu dữ dội, choáng ngất, mệt thỉu, tụt huyết áp là những dấu hiệu đáng ngại, cần thiết phải liên lạc ngay với bác sỹ điều trị và nhập viện.
– Buồn nôn, nôn đã dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ nhưng không cải thiện.
Biên soạn: BSNT. Trần Trung Bách