Ung Thư Học gửi đến bạn đọc bài viết tóm tắt những nội dung chính từ Hướng dẫn quốc tế về điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư của Hội Huyết khối và Đông máu Quốc tế (ISTH) năm 2016.
Farge D, Bounameaux H, Brenner B, Cajfinger F, Debourdeau P, Khorana AA, Pabinger I, Solymoss S, Douketis J, Kakkar A. Lancet Oncol. 2016 Oct;17(10):e452-e466. doi: 10.1016/S1470-2045(16)30369-2.
Phần 1: Điều trị tình trạng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư
A. Những khuyến cáo về điều trị ban đầu (trong 10 ngày đầu) tình trạng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư
1. Heparin trọng lượng phân tử thấp (Heparin TLPTT) được khuyến cáo ưu tiên lựa chọn cho điều trị ban đầu tình trạng huyết khối tĩnh mạch (HKTM) ở đối tượng bệnh nhân ung thư [Mức độ khuyến cáo – MĐKC 1B].
2. Fondaparinux và Heparin không phân mảnh (Heparin KPM) cũng có thể sử dụng trong điều trị bước đầu HKTM ở bệnh nhân ung thư [MĐKC 2D].
3. Điều trị tiêu huyết khối cần được cân nhắc kỹ trước khi chỉ định cho từng trường hợp cụ thể, cẩn trọng với các chống chỉ định liên quan đến bệnh ung thư và các điều trị bệnh ung thư đang thực hiện, đặc biệt với những trường hợp có nguy cơ chảy máu cáo (Ví dụ: di căn não…).
4. Can thiệp đặt màng lọc tĩnh mạch chủ có thể được xem xét cho những trường hợp tắc mạch phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu CÓ chống chỉ định với các thuốc chống đông, hoặc tắc mạch phổi tái diễn ngay trong thời gian điều trị chống đông tích cực. Bác sĩ điều trị cần kiểm tra đánh giá thường xuyên các chống chỉ định với liệu pháp chống đông để có thể bắt đầu sử dụng thuốc ngay khi có thể. Đặt màng lọc tĩnh mạch chủ không được chỉ định với mục đích dự phòng HKTM ở bệnh nhân ung thư.
B. Điều trị dài hạn tình trạng HKTM
1. Heparin TLPTT được khuyến cáo ưu tiên lựa chọn hơn các thuốc kháng vitamin K cho chỉ định điều trị duy trì (từ ngày thứ 10 đến 3 tháng) và điều trị dài hạn (trên 3 tháng) tình trạng HKTM ở bệnh nhân ung thư [MĐKC 1A].
2. Heparin TLPTT cần được duy trì tối thiểu 3 tháng trong điều trị HKTM ở bệnh nhân ung thư [MĐKC 1A].
3. Thuốc chống đông trực tiếp đường uống có thể là 1 lựa chọn thay thế trong điều trị dài hạn với những bệnh nhân có tình trạng bệnh ung thư ổn định, không đang trong thời gian điều trị hoá chất toàn thân [Ý kiến chuyên gia].
4. Sau 3-6 tháng điều trị, quyết định ngừng hay tiếp tục liệu pháp chống đông (Heparin TLPTT hay kháng vitamin K) dựa trên đánh giá trên từng cá thể cân đối giữa nguy cơ và lợi ích, mức độ dung nạp, nguyện vọng của người bệnh và tình trạng bệnh ung thư [Ý kiến chuyên gia].
C. Điều trị HKTM tái diễn ở bệnh nhân ung thư
Trong trường hợp HKTM tái diễn, 3 lựa chọn có thể xem xét gồm:
– Tăng liều Heparin TLPTT với những bệnh nhân đang điều trị Heparin TLPTT (tăng thêm 20-25% liều hiện tại)
– Ngừng chỉ định thuốc kháng vitamin K và sử dụng Heparin TLPTT với những bệnh nhân đang điều trị kháng vitamin K
– Đặt màng lọc tĩnh mạch chủ.
D. Điều trị huyết khối tại catheter tĩnh mạch trung tâm CÓ triệu chứng
1. Điều trị với thời gian tối thiểu 3 tháng được khuyến cáo cho những trường hợp huyết khối tại vị trí catheter tĩnh mạch trung tâm có triệu chứng; khi đó, Heparin TLPTT là phương án được ưu tiên lựa chọn. Các thuốc kháng vitamin K là 1 lựa chọn thay thế phù hợp [Ý kiến chuyên gia].
2. Catheter tĩnh mạch có thể tiếp tục được giữ lại nếu đảm bảo vẫn ở đúng vị trí, hoạt động tốt, không có nhiễm trùng và các triệu chứng cải thiện tốt với các liệu pháp chống đông [Ý kiến chuyên gia].
Đón xem phần 2: Các khuyến cáo về điều trị dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư.
Bản toàn văn: www.ungthuhoc.vn/tusachungthuhoc thư mục GUIDELINES