Hướng dẫn quốc tế về điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư (Phần 2)

Ung Thư Học gửi đến bạn đọc bài viết tóm tắt những nội dung chính từ Hướng dẫn quốc tế về điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư của Hội Huyết khối và Đông máu Quốc tế (ISTH) năm 2016.
Farge D, Bounameaux H, Brenner B, Cajfinger F, Debourdeau P, Khorana AA, Pabinger I, Solymoss S, Douketis J, Kakkar A. Lancet Oncol. 2016 Oct;17(10):e452-e466. doi: 10.1016/S1470-2045(16)30369-2.

Phần 2: Dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư


A. Dự phòng huyết khối tĩnh mạch cho bệnh nhân ung thư trải qua can thiệp phẫu thuật
1. Heparin trọng lượng phân tử thấp (Heparin TLPTT) 1 lần tiêm/ngày hoặc Heparin không phân mảnh (Heparin KPM) 3 lần tiêm/ngày là các lựa chọn được khuyến cáo trong dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau mổ ở những bệnh nhân ung thư. Liệu trình dự phòng nên bắt đầu từ 12 giờ đến 2 giờ TRƯỚC can thiệp và duy trì ít nhất từ 7 đến 10 ngày [Mức độ khuyến cáo – MĐKC 1A].
2. Chưa có cơ sở dữ liệu nào về khả năng sử dụng fondaparinux thay thế cho Heparin TLPTT trong chỉ định dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau mổ ở bệnh nhân ung thư [MĐKC 2C].
3. Heparin TLPTT được khuyến cáo sử dụng ở mức liều cao hơn trong dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau mổ ở bệnh nhân ung thư [MĐKC 1A].
4. Liệu trình dự phòng kéo dài (4 tuần) có thể xem xét cho những trường hợp sau phẫu thuật lớn có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch cao và nguy cơ chảy máu thấp [MĐKC 2B].
5. Việc sử dụng Heparin TLPTT trong dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật nội soi ổ bụng được khuyến cáo tương tự như sau phẫu thuật bụng mở [Ý kiến chuyên gia dựa trên đánh giá tương quan giữa nguy cơ chảy máu và lợi ích].
6. Các biện pháp dự phòng cơ học không được khuyến cáo sử dụng đơn độc ngoài trừ những trường hợp có chống chỉ định với phương pháp điều trị nội khoa [MĐKC 2C].
7. Can thiệp đặt màng lọc tĩnh mạch chủ không được khuyến cáo sử dụng [MĐKC 1A].


B. Dự phòng huyết khối tĩnh mạch cho những bệnh nhân đang điều trị toàn thân bệnh ung thư
1. Chỉ định dự phòng với Heparin TLPTT hay Heparin KPM hay fondaparinux được khuyến cáo cho những bệnh nhân ung thư nhập viện nội trú và giảm khả năng vận động [MĐKC 1B]. Trong tình huống này, các thuốc chống đông trực tiếp đường uống không được khuyến cáo trên thực hành thường quy [Ý kiến chuyên gia].
2. Ở những bệnh nhân đang điều trị hoá chất, chỉ định dự phòng một cách thường quy không được khuyến cáo [MĐKC 1B].
3. Dự phòng huyết khối tĩnh mạch bằng thuốc có thể được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư tuỵ tiến triển tại chỗ-tại vùng hay di căn xa có nguy cơ chảy máu thấp [MĐKC 1B].
4. Dự phòng huyết khối tĩnh mạch bằng thuốc có thể được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư phổi tiến triển tại chỗ-tại vùng hay di căn có nguy cơ chảy máu thấp [MĐKC 2B].
5. Với những bệnh nhân đa u tuỷ xương đang điều trị với các thuốc điều hoà miễn dịch (thalidomide và lenalidomide) kết hợp corticoid và/hoặc hoá trị (doxorubicin), dự phòng huyết khối tĩnh mạch được khuyến cáo thực hiện [MĐKC 1A]. Trong trường hợp này, các thuốc kháng vitamin K, Heparin TLPTT và aspirine liều thấp cho thấy sự tương đồng về hiệu quả dự phòng huyết khối tĩnh mạch [MĐKC 2C].
C. Dự phòng huyết khối tại catheter tĩnh mạch trung tâm
1. Dự phòng huyết khối tại catheter tĩnh mạch trung tâm bằng các thuốc chống đông không được khuyến cáo [MĐKC 1A].
2. Catheter nên được đặt ở bên phải, vào tĩnh mạch cảnh, đầu xa của catheter nằm ở ngang mức vị trí tĩnh mạch chủ trên đổ vào buồng nhĩ phải [MĐKC 1A].


Phần 3: Một số tình huống đặc biệt

1. Các khối u não không phải là chống chỉ định cho các liệu pháp chống đông trong điều trị huyết khối tĩnh mạch [MĐKC 2C].
2. Heparin TLPTT được khuyến cáo ưu tiên lựa chọn trong điều trị huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư có khối u não (nguyên phát hoặc thứ phát) [Ý kiến chuyên gia].
3. Dự phòng huyết khối tĩnh mạch với Heparin TLPTT hay Heparin KPM được khuyến cáo bắt đầu SAU MỔ với những can thiệp nội sọ [MĐKC 1A].
4. Dự phòng huyết khối tĩnh mạch bằng Heparin TLPTT hay Heparin KPM ở những bệnh nhân u não không có can thiệp ngoại khoa nội sọ không được khuyến cáo [MĐKC 1B].
5. Trong trường hợp suy thân nặng (Độ thanh thải Creatinine dưới 30mL/phút), Heparin KPM được hỗ trợ sớm bằng thuốc kháng vitamin K (từ ngày 1) hay Heparin TLPTT được điều chỉnh bới tỷ lệ yếu tố kháng Xa được khuyến cáo trong điều trị huyết khối tĩnh mạch [Ý kiến chuyên gia].
6. Trong trường hợp suy thân nặng (Độ thanh thải Creatinine dưới 30mL/phút), các biện pháp dự phòng cơ học có thể được sử dụng. Dự phòng bằng thuốc có thể xem xét trên từng trường hợp và Heparin KPM có thể được sử dụng [Ý kiến chuyên gia].
7. Với những trường hợp có tình trạng hạ tiểu cầu, các thuốc chống đông có thể được chỉ định với 100% liều trong điều trị huyết khối tĩnh mạch nếu số lượng tiểu cầu trên 50 G/l và không có các dấu hiệu xuất huyết. Với những bệnh nhân có số lượng tiểu cầu dưới 50 G/l, quyết định điều trị và liều thuốc chống đông được lựa chọn thận trọng cho từng trường hợp [Ý kiến chuyên gia].
8. Với những trường hợp hạ tiểu cầu mức độ trung bình, dự phòng huyết khối tĩnh mạch bằng thuốc có thể sử dụng khi số lượng tiểu cầu trên 80 G/l. Nếu số lượng tiểu cầu dưới 80 G/l, dự phòng bằng thuốc cần được thảo luận cho từng trường hợp cùng với sự theo dõi sát sao.
9. Với những bệnh nhân ung thư mang thai, điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch có thể xem xét áp dụng theo các khuyến cáo chung [Ý kiến chuyên gia].


BSNT. Trần Trung Bách

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *