Battles in ONCO, “những cuộc chiến” trong ung thư học, Ungthuhoc.Vn sẽ cùng bạn đọc đến với các chủ đề tranh luận nóng bỏng hiện nay trong nghiên cứu cũng như thực hành lâm sàng ung thư. Lắng nghe những ý kiến tranh luận từ các chuyên gia, chúng ta có thể thu nhận được nhiều điều bổ ích, từ cách đưa ra những giả thuyết, nhận định đến cách lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.
Để bắt đầu cho loạt bài viết Battles in ONCO, Ungthuhoc.Vn lựa chọn chủ đề tranh luận “Phương án cắt buồng trứng tối ưu trong điều trị ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính ở những bệnh nhân chưa mãn kinh”.
Với ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính ở phụ nữ chưa mãn kinh, kết hợp thêm một trong các biện pháp “cắt buồng trứng” (ngoại khoa, nội khoa hay xạ trị) cùng với Tamoxifen hay thuốc ức chế aromatase, giúp cải thiện kết quả điều trị nội tiết bổ trợ sau phẫu thuật.
Kết luận trên được rút ra từ 2 thử nghiệm lâm sàng nổi bật trong những năm vừa qua: SOFT (Suppression of Ovarian Function Trial) và TEXT (Tamoxifen and EXemestane Trial).
Những hướng dẫn thực hành uy tín hiện nay, có thể kể đến như ASCO, NCCN và St. Gallen, đều có khuyến cáo về chỉ định này của “cắt buồng trứng”. Các phương pháp cắt buồng trứng được đề xuất bao gồm:
– Phẫu thuật cắt hai buồng trứng, thường được thực hiện qua nội soi ổ bụng, HOẶC:
– Cắt buồng trứng nội khoa: ức chế buồng trứng tạm thời, có thể hồi phục, sử dụng các thuốc đồng vận LHRH như goserelin hay leuprolide, HOẶC:
– Xạ trị hai buồng trứng với liều thông thường 20 Gy trong 10 buổi chiếu xạ.
Cho đến nay, khi chưa có đủ dữ kiện để khẳng định ưu thế của một biện pháp cắt buồng trứng nào so với các biện pháp còn lại về phương diện thời gian sống thêm không bệnh (DFS) và sống thêm toàn bộ (OS), một “cuộc chiến” đã xuất hiện giữa 2 luồng ý kiến: ủng hộ phương pháp cắt buồng trứng “tạm thời” bằng nội khoa và ủng hộ các phương pháp cắt buồng trứng “vĩnh viễn” bằng phẫu thuật hay xạ trị.
Các bạn sẽ đứng về phía nào trong cuộc chiến này?
Hãy cùng Ung Thư Học tìm hiểu xem các chuyên gia đã dựa trên những cơ sở nào để biện luận cho quan điểm của họ, hay cũng là một cách để hiểu rõ ưu – nhược điểm của mỗi phương pháp, từ đó, chúng ta cũng có thể đưa ra lập luận của riêng mình, “cân – đo – đong – đếm” và lựa chọn phương án tối ưu cho mỗi người bệnh cụ thể trên thực tế lâm sàng.
Chủ đề tiếp theo (dự kiến): Bevacizumab vs Cetuximab trong ung thư đại trực tràng