Questions In Onco | Những bí ẩn cần được khám phá trong ung thư học (Kỳ 1)

Bài viết “Những bí ẩn cần được khám phá trong ung thư học” dưới đây được Ung Thư Học .VN biên dịch từ loạt bài “150 câu hỏi trong nghiên cứu và lâm sàng ung thư học” nằm trong một chương trình nhằm khuyến khích nghiên cứu những vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực ung thư của Tạp chí Ung thư Trung Quốc (Chinese Journal of Cancer) bắt đầu từ năm 2017.

“Nothing in life is to be feared, it is only to be understood. Now is the time to understand more, so that we may fear less”. MARIE CURIE

Quý bạn đọc sẽ bắt gặp những câu hỏi lý thú, những giả thuyết xuất phát từ chính những điều gần gũi trên thực hành lâm sàng, khiến chúng ta cảm thấy quá đỗi quen thuộc. Nhưng động lực chính cho những nghiên cứu tầm cỡ gây tiếng vang lớn thường cũng chỉ bắt nguồn từ những quan sát đơn giản như vậy.
Ung Thư Học . VN trân trọng mời quý bạn đọc đến với loạt bài QUESTIONS IN ONCO với những câu hỏi đầu tiên:
Câu hỏi 1:

Vì sao ung thư biểu mô tuyến rất hiếm gặp ở ruột non?

Ung thư biểu mô tuyến là thể mô bệnh học chủ yếu của ung thư đường tiêu hoá, tuy nhiên, đặc điểm này chỉ đúng với dạ dày và đại trực tràng. Những ghi nhận về ung thư ruột non ở người chỉ ra một tỷ lệ gặp rất thấp của ung thư biểu mô tuyến. Ngay cả với những trường hợp ung thư bóng Vater (ung thư xuất phát từ bóng vater và biểu hiện bởi khối u tại tá tràng), tế bào ung thư cũng được chứng minh phù hợp hơn với nguồn gốc từ biểu mô đường mật hoặc ống tuỵ.
Những hiện tượng này khiến các nhà khoa học phải nghĩ đến giả thuyết: phải chăng, ở ruột non, chúng ta đang có một yếu tố bảo vệ nào đó ngăn cản các tế bào biểu mô biến đổi trở thành tế bào ung thư?

Như chúng ta đã biết, đột biến làm mất chứng năng gen APC (Adenomatous Polyposis coli) là một yếu tố quan trọng gây phát sinh ung thư đại trực tràng ở người. Nhưng thật thú vị, ở những chú chuột mang đột biến gen APC, tổn thương u tuyến và ung thư biểu mô tuyến lại được ghi nhận ở cả ruột non và đại tràng.
Rõ ràng, phải có một “vũ khí bí mật” nào đó giúp lớp biểu mô niêm mạc ruột non ở người có thể ngăn chặn sự phát sinh ung thư. Làm sáng tỏ cơ chế phân tử hay cấu trúc đứng đằng sau hiện tượng này có thể sẽ là cơ sở  quan trọng giúp chúng ta dự phòng hiệu quả ung thư biểu mô tuyến ở dạ dày và đại trực tràng và thậm chí cả ung thư biểu mô tuyến ở những cơ quan khác như phổi, tử cung, buồng trứng…
Submitter
Qingping Jiang.
Affiliation and email
Department of Pathology, Third Affiliated Hospital, Guangzhou Medical University, Guangzhou, Guangdong, P. R. China.
Jiangqp2003@126.com.
Câu hỏi 2:

Vì sao không phải tất cả mà chỉ một số rất ít trường hợp nhiễm HPV tiến triển thành ung thư cổ tử cung?

HPV đã được chứng minh là yếu tố bệnh sinh chủ yếu của ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, thực tế cũng đã cho thấy, hầu hết tình trạng nhiễm virus đều tự khỏi nhờ phản ứng miễn dịch của cơ thể, rất ít trường hợp nhiễm virus có thể kéo dài và gây phát sinh ung thư. Liệu có dấu hiệu nào cho chúng ta biết được trong những tế bào biểu mô cổ tử cung nhiễm HPV, tế bào nào đang trên con đường biến đổi thành tế bào ung thư, tế bào nào đang trên đường “đào thải” virus?


Quá trình tiến triển từ nhiễm HPV dai dẳng đến ung thư cổ tử cung trên lâm sàng thường cần đến hàng chục năm, mang đến cho chúng ta giai đoạn “cửa sổ” tuyệt vời để có thể dự phòng và điều trị bệnh kịp thời. Để nắm bắt triệt để cơ hội này, những tác động qua lại giữa HPV và tế bào ung thư cổ tử cung nhiễm HPV cần được nghiên cứu cặn kẽ.
Nếu có thể tìm được một hay những dấu ấn phân tử báo hiệu sự phát sinh ung thư cổ tử cung liên quan đến HPV, chúng ta sẽ xây dựng được một công cụ dự báo tối ưu hơn giúp xác định cụ thể trong những bệnh nhân nhiễm HPV, trường hợp nào đang có nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Những kiến thức thu được hứa hẹn sẽ thay đổi mạnh mẽ chương trình dự phòng ung thư cổ cung với vắc xin HPV và sàng lọc, vốn đang còn gây tranh cãi về những lợi ích mang lại và chi phí khổng lồ tiêu tốn đi mỗi năm.
Submitter
Hu Zheng.
Affiliation and email
The First Affiliated Hospital of Sun Yat-sen University, Guangzhou, Guangdong, P. R. China.
huzheng5@mail.sysu.edu.cn.
Câu hỏi 3:

Nhiễm virus có thể thúc đẩy ung thư phổi tái phát?

Cảm lạnh và cúm gây ra bởi virus là một bệnh lý hô hấp phổ biến. Một hiện tượng đáng chú ý, nhiều bệnh nhân ung thư phổi từng trải qua những đợt cảm cúm hay cảm lạnh trước khi phát hiện tình trạng tái phát. Một giả thuyết không rõ ràng về khả năng nhiễm virus có thể thúc đẩy ung thư phổi tái phát đã được đặt ra.
Trước đó, đã có những suy đoán về tác động của chức năng miễn dịch đến hiện tượng tái phát của ung thư phổi, dựa trên ghi nhận một số yếu tố miễn dịch liên quan đến khối u (như Interleukin 2, IL-6, IL-8) thường xuất hiện ở những bệnh nhân có tiên lượng xấu. Đặc biệt, IL-8  (hình dưới đây) đã được xác định có khả năng thúc đẩy tiến trình di căn trong nhiều bệnh ung thư ở người, trong đó bao gồm ung thư phổi.

Về lý thuyết, hiện tượng giải phóng các yếu tố miễn dịch liên quan đến khối u có thể được kích hoạt với tình trạng nhiễm virus. Cùng với việc các nghiên cứu dịch tễ ngày càng khẳng định mối tương quan chặt chẽ giữa tiền sử nhiễm virus và ung thư phổi tái phát, giả thuyết này không ngừng thôi thúc các nhà ung thư học tìm lời giải đáp. Những kết luận thu được sẽ là những cơ sở quan trọng giúp chúng ta tìm ra giải pháp ngăn chặn hữu hiệu ung thư phổi tái phát trở lại sau điều trị.


Nguồn:
The 150 most important questions in cancer research and clinical oncology series: questions 40–49. Chin J Cancer, 36.

BSNT. Trần Trung Bách

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *