Sàng lọc là quá trình áp dụng một biện pháp kỹ thuật (trắc nghiệm) để phát hiện một bệnh ở thời kỳ sớm trong một cộng đồng mà bệnh đó chưa biểu hiện những triệu chứng lâm sàng dễ thấy.
Một ung thư được xem là lý tưởng cho việc sàng lọc khi giai đoạn tiền lâm sàng có thể phát hiện được của nó tồn tại khá lâu trước khi các triệu chứng xuất hiện và di căn xảy ra.
Sau đây là danh sách 7 ung thư mà nam giới phải biết vì có thể sàng lọc và phát hiện sớm:
1. Ung thư phổi
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.
Những người hút thuốc có nguy cơ ung thư phổi lớn nhất. Nguy cơ gia tăng ung thư phổi theo độ dài và số lượng thuốc thuốc lá hút.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy sàng lọc ung thư phổi bằng chụp Xquang phổi và tế bào học chất đờm (Đàm) có ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong. Nhưng chụp Xquang phổi định kỳ cho những người từ 55-75 tuổi và hút thuốc lá lâu năm góp phần phát hiện sớm các khối u phổi.
2. Ung thư gan nguyên phát.
Ung thư gan nguyên phát là loại ung thư thường gặp đứng thứ sáu trong các ung thư trên toàn cầu và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong của bệnh ung thư. Ung thư gan khó nhận biết sớm do triệu chứng nghèo nàn và người bệnh dễ chủ quan bỏ qua. Khi đã phát hiện thì đã tiến triển nặng, khó điều trị và tỷ lệ tử vong cao
Nguyên nhân chính gây ra ung thư gan là nhiễm virus viêm gan B, C, xơ gan rượu,…
Có thể phát hiện sớm các khối u gan nhỏ khi chưa biểu hiện triệu chứng bằng sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao với xét nghiệm Alpha Fetoprotein (AFP) trong huyết thanh và siêu âm định kỳ 3-6 tháng để phát hiện sớm những khối u trong gan.
3. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến nhất hiện nay. Dù nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm sẽ làm tăng tỉ lệ thành công cho quá trình chữa trị.
Cũng giống như các bệnh ung thư nói chung, ung thư dạ dày thường biểu hiện mơ hồ, có khi lẫn lộn với nhiều loại bệnh khác. Cho đến khi xuất hiện những dấu hiệu rõ nét thì cũng là lúc bệnh đã bắt đầu tiến triển nặng.
Các nước trên thế giới, đặc biệt Nhật Bản đã tiến hành sàng lọc ung thư dạ dày bằng nội soi dạ dày tá tràng định kỳ để phát hiện những tổn thương ác tính ở giai đoạn rất sớm.
Hạn chế của sàng lọc này là giá thành cao, nên chỉ áp dụng cho nhóm có nguy cơ cao (tuổi, yếu tố tiền sử gia đình, tiền sử viêm loét dạ dày mãn tính, viêm teo niêm mạc dạ dày, …).
4. Ung thư đại trực tràng
Hầu hết dấu hiệu sớm của bệnh ung thư đại trực tràng đều không được chú ý, dễ nhầm với các bệnh lý lành tính nên rất nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn, không thể cứu chữa.
Chiến lược sàng lọc nên nhằm vào các đối tượng có nguy cơ cao và tập trung vào độ tuổi 50-70 tuổi hoặc trước 50 tuổi nếu yếu tố nguy cơ gia đình.
Bao gồm:
+ Xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân (FOBT – Fecal occult blood test).
Phát hiện hoạt động Peroxidase của huyết cầu tố từ đó thể hiện có máu trong phân ở mức vi thể. Xét nghiệm dương tính giả do thức ăn và thuốc cũng có xảy ra.
+ Nội soi đại trực tràng:
Soi đại trực tràng được sử dụng như một xét nghiệm đơn độc hay kết hợp với FOBT trong công tác sàng lọc ung thư đại trực tràng.
Soi toàn bộ đại tràng có ưu điểm là độ nhạy và độ đặc hiệu cao và nhìn được toàn bộ khung đại tràng nhưng giá thành cao và có nguy cơ tai biến thủng ruột, do đó đã hạn chế việc sàng lọc theo phương pháp này. Chỉ nên soi toàn bộ khung đại tràng với các đối tượng có nguy cơ cao với xét nghiệm FOBT dương tính.
5. Ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tuyến tiền liệt có thể không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng trong giai đoạn đầu của nó, tuy nhiên cũng có các triệu chứng rất dễ nhầm với các bệnh lý lành tính khác như u phì đại tiền liệt tuyến.
Ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sớm, khi nó vẫn còn giới hạn trong tuyến tiền liệt, có cơ hội điều trị thành công tốt hơn.
Nam giới trên 50 tuổi hoặc từ 40-45 tuổi khi có tiền sử gia đình mắc ung thư tiền liệt tuyến sẽ được tiến hành sàng lọc định kỳ bằng: Thăm khám trực tràng bằng tay và kiểm tra kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA – Prostate Specific Antigen). Khi có dấu hiệu bất thường, bác sỹ sẽ cho tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm qua trực tràng, chụp cộng hưởng từ để đánh giá chính xác tính chất khối u và mức độ lan rộng, cũng như định hướng sinh thiết.
6. Ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn trên lâm sàng rất hiếm gặp, ước tính chiếm 2% tổng số ung thư ở nam giới, tỷ lệ nam giới mắc bệnh ở độ tuổi 15 – 35 tương đối cao.
Ung thư tinh hoàn là loại bệnh khởi phát âm thầm nhưng bệnh tình rất nghiêm trọng, một khi phát hiện này mà không kịp thời điều trị tế bào ung thư sẽ phát triển và di căn rất nhanh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Cách đơn giản nhất là tự khám tinh hoàn tại nhà để phát hiện sớm nhất các khối u từ khi còn rất nhỏ. Nếu phát hiện bất thường nên đến chuyên khoa để khám phát hiện sớm ung thư, tránh để bệnh quá muộn. Lưu ý bệnh ung thư tinh hoàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
Các bác sỹ ung thư khuyên phẫu thuật cắt bỏ đối với những trường hợp tinh hoàn ẩn để phòng ngừa tiến triển thành ung thư tinh hoàn, bởi tỷ lệ phát triển thành ung thư khá cao.
7. Ung thư da
Đây là loại ung thư có thể sàng lọc tốt, yếu tố nguy cơ là tiền sử gia đình, tiền căn bị bỏng nắng hay có tàn nhang, các nốt ruồi ở trên cơ thể.
Phương pháp sàng lọc chủ yếu là khám bằng mắt, khám tỉ mỉ với những nhân viên y tế được đào tạo.
Quy tắc ABCDE hướng dẫn xác định các dấu hiệu nghi ngờ:
A ( Asymmetry): TÍnh bất đối xứng của nốt ruồi hoặc vết chàm
B (border): Ranh giới tổn thương không đều, tơi tả, hình chữ V, hoặc mờ.
C (Color): Màu sắc là không giống nhau toàn bộ tổn thương và có thể bao gồm màu nâu hoặc đen, hoặc đôi khi có màu hồng, đỏ, trắng, hoặc màu xanh.
D (Diameter): Đường kính lớn hơn 6 mm, mặc dù khối u ác tính có thể nhỏ hơn này.
E (Evolving) : Sự thay đổi của các nốt ruồi về kích thước, hình dạng, hoặc màu sắc.