Viêm niêm mạc miệng là một tác dụng phụ thường gặp trên các bệnh nhân ung thư được điều trị bằng hóa chất hoặc tia xạ vào vùng đầu cổ. Có khoảng 35 – 40% người bệnh sẽ gặp phải tình trạng viêm niêm mạc miệng, tỷ lệ này cao hơn ở các trường hợp ung thư vùng đầu cổ được điều trị đồng thời bằng hoá chất và tia xạ.
Viêm niêm mạc miệng thường tự ổn định và thuyên giảm một vài tuần sau truyền hóa chất. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các biểu hiện của viêm niêm mạc miệng
- Niêm mạc miệng (mặt bên trong má, môi, lưỡi, lợi, họng…) tấy đỏ, phồng rộp, gây cảm giác khô miệng, nóng rát, đau, đau nhiều hơn khi nói, nuốt, hay khạc nhổ
- Tăng tiết nhiều nước bọt, đờm dãi nhầy dính, tạo nên những mảng màng trắng (giả mạc) bám trên bề mặt niêm mạc khoang miệng, lưỡi.
- Nặng hơn, niêm mạc miệng có thể xuất hiện các vết trợt, loét gây đau nhiều, chảy máu
- Bội nhiễm vi khuẩn làm nặng thêm các vết loét, nước bọt có nhiều mủ hôi thối
Các hóa chất nào có thể gây viêm niêm mạc miệng?
Niêm mạc miệng nhạy cảm, dễ tổn thương với nhiều loại hóa chất khác nhau. Trước khi bắt đầu điều trị hóa chất, bạn nên trao đổi với bác sỹ của bạn những tác dụng phụ có thể gặp phải và những biện pháp có thể giúp bạn phòng tránh.
Thuốc hóa chất |
Bệnh ung thư |
Bleomycin | Tinh hoàn, buồng trứng, u tế bào mầm |
Doxorubicin, Epirubicin, Cyclophospamide | Vú, u phần mềm, u hạch (u lymphô), u xương |
Etoposide | Tinh hoàn, buồng trứng, u tế bào mầm, u phổi |
5-FU, Capecitabine, Gemcitabine | U thuộc ống tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng, thực quản) |
Paclitaxel, Docetaxel | Vú, buồng trứng, phổi |
Methotrexate | Vú, u hạch, bệnh bạch cầu |
Các thuốc điều trị đích: sorafenib, sunitinib, cetuximab, erlotinib… | U gan, thận, u đại trực tràng, u phổi |
Everolimus, Temsirolimus | Vú, thận |
Những nguyên nhân làm bạn dễ bị viêm niêm mạc miệng hơn?
- Vệ sinh răng miệng kém
- Mắc các bệnh răng miệng hay các bệnh lý của tuyến nước bọt từ trước khi bắt đầu điều trị
- Điều trị hóa chất kết hợp với xạ trị các khối u vùng đầu cổ
- Sử dụng thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia trong quá trình điều trị
Hậu quả của viêm niêm mạc miệng
- Đau miệng làm người bệnh khó khăn trong việc ăn uống, không đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng dẫn đến gầy sút, mệt mỏi, thậm chí suy kiệt, khiến người bệnh phải trì hoãn, không thể tuân thủ liệu trình, hay bỏ dở điều trị bệnh ung thư
- Đau miệng cũng làm gây cản trở việc vệ sinh răng miệng, tình trạng viêm trở nên nặng hơn, tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng nặng nề do bội nhiễm vi khuẩn, nấm …
- Ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh
Phân loại mức độ viêm niêm mạc miệng
- Độ 1: không có hoặc có triệu chứng nhẹ; không cần điều trị gì đặc biệt
- Độ 2: triệu chứng mức độ vừa, không ảnh hưởng đến ăn uống đường miệng, cần thiết phải thay đổi chế độ ăn
- Độ 3: đau miệng nhiều, ăn uống khó khăn
- Độ 4: biến chứng nặng (viêm loét rộng, bội nhiễm vi khuẩn hay nấm); cần được điều trị nhanh chóng
- Độ 5: ảnh hưởng đến tình trạng toàn thân, thậm chí tính mạng
Những điều bạn có thể làm
- Tự kiểm tra miệng ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng cách quan sát qua gương, tháo bỏ răng giả (nếu có) để có thể quan sát được cả niêm mạc vùng lợi hàm.
- Chú ý chăm sóc vệ sinh răng miệng đúng cách:
- Đánh răng sau mỗi bữa ăn, tối thiểu 2 lần mỗi ngày
- Sử dụng bàn chải lông mềm mại và kem đánh răng không có chất ăn mòn (một số kem đánh răng có chất tẩy trắng răng có thể gây kích thích niêm mạc miệng của bạn)
- Vệ sinh răng giả sau mỗi bữa ăn, hạn chế sử dụng răng giả tối đa trong quá trình điều trị hóa chất (tháo bỏ trong lúc ngủ hay lúc không cần thiết)
- Súc miệng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ bằng dung dịch sôđa bạn có thể pha ở nhà đơn giản bằng cách hòa tan 1 thìa muối sôđa (Natri Bicarbonat, có thể mua ở các hiệu thuốc) trong 2 tách nước (50ml).
- Không sử dụng các nước súc miệng có chứa cồn hay các chất có khả năng kích ứng niêm mạc miệng khác (hầu hết các nước súc miệng phổ biến hiện nay, xem kỹ thành phần nước súc miệng trước khi sử dụng)
- Bạn có thể sử dụng chỉ tơ nha khoa nếu việc đó không gây đau hay chảy máu
- Chăm sóc môi bằng các loại kem dưỡng ẩm
- Uống tối thiểu 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày, trao đổi với bác sỹ của bạn để có được lời khuyên phù hợp
- Lựa chọn khẩu phần ăn phù hợp:
- Thực phẩm mềm, món ăn nhiều nước và dễ nuốt (cháo, súp, canh), hoa quả, món ăn lạnh (kem, sữa chua…);
- Không ăn các thức ăn rắn, có góc cạnh hoặc quá nóng, hay có gia vị gây kích ứng như quá nhiều muối, ớt, tiêu…
- Không ăn các loại hoa quả chua (chứa nhiều a xít) như cam, chanh, dứa, cà chua…
- Không uống các loại nước gây kích ứng mạnh niêm mạc miệng như rượu, bia, nước nóng; không hút thuốc lá
- Trong quá trình điều trị tia xạ: Luôn giữ ẩm niêm mạc miệng bằng một số cách như nhấp từng ngụm nhỏ nước (nước sôi để nguội, nước chè tươi) thường xuyên trong ngày (15-20 phút một lần); nhai kẹo cao su không đường giúp kích thích tiết nước bọt; ngậm viên nước đá nhỏ.
Khi nào bạn cần đến bệnh viện ngay để được điều trị?
- Niêm mạc miệng viêm đỏ, tăng dần, kéo dài quá 48h
- Có chảy máu niêm mạc miệng
- Có vết xước, vết loét trên niêm mạc miệng
- Sốt trên 38oC
- Có những lớp màng trắng (giả mạc) trên lưỡi hay niêm mạc miệng
- Tình trạng đau miệng làm bạn khó ăn uống kéo dài hơn 2 ngày
- Không thể uống được thuốc do đau miệng
Khi có những biểu hiện kể trên bạn cần thông báo ngay cho bác sỹ điều trị của mình và nhập viện để được xử trí kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người bệnh của hội Ung thư Hoa Kỳ năm 2014
- Epstein JB, Thariat J, Bensadoun RJ, et al. Oral complications of cancer and cancer therapy: from cancer treatment to survivorship. CA Cancer J Clin 2012; 62:400.
- Cẩm nang cho bệnh nhân của Trung tâm nghiên cứu Ung thư BC Cancer (Canada)
- Robert S Negri, Joseph A Toljanic. Độc tính ở miệng do điều trị hóa chất. Thư viện tra cứu trực tuyến UpToDate.
BSNT. Trần Trung Bách