Những thói quen ăn uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của bạn

Căn bệnh ung thư ngày càng trở thành nỗi ám ảnh đối với mỗi người. Bên cạnh những mối lo về nguy cơ gây ung thư từ những thực phẩm bẩn, sử dụng các phụ gia độc hại, thậm chí, không ít những món ăn trong bữa cơm thường nhật, món khoái khẩu của không ít người trong số chúng ta, cũng có thể chứa những chất hoá học có khả năng kích thích, thúc đẩy sự xuất hiện các tế bào ung thư trong cơ thể. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê, nhấn mạnh những thói quen, chế độ ăn uống đã được nhiều nghiên cứu xác nhận làm tăng nguy cơ cho một người có thể mắc căn bệnh ung thư.

Ăn nhiều đồ ăn chiên, nướng

Làm chín thức ăn ở nhiệt độ quá cao bằng cách chiên, rán các loại thức ăn giàu tinh bột (khoai tây chiên…), nướng các loại thịt tạo nên các sản phẩm hoá học có khả năng sinh ung thư như acrylamide và hydrocarbure đa vòng (benzopyrene – cũng một tác nhân gây ung thư chính có trong khói thuốc lá).

Ăn nhiều thức ăn chiên, nướng, rán làm tăng nguy cơ phát sinh ung thư vú, ung thư thuộc đường ống tiêu hoá (dạ dày, ruột già hay đại trực tràng), ung thư tuỵ và ung thư tuyến tiền liệt.

Ăn các thực phẩm đã qua chế biến, bảo quản

Mọi chất hoá học sử dụng trong bảo quản thực phẩm và các chất tạo màu có trong các sản phẩm thức ăn đồ hộp, đồ ăn nhanh đều không có lợi cho sức khoẻ.

Các loại thịt đã qua chế biến như thịt hun khói, thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng… làm tăng đáng kể hàm lượng Nitrosamin, một chất đã được chứng minh gây phát sinh các ung thư của đường tiêu hoá (thực quản, dạ dày, ruột già…).

Một phương thức chế biến, bảo quản thức ăn rất phổ biến tại Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra bệnh ung thư, đó là hình thức bảo quản bằng muối nồng độ cao, như muối cà, dưa, các loại cá, nước mắm

Bên cạnh việc tạo nên các sản phẩm hoá học, trong đó có Nitrosamin, chế độ ăn mặn, nhiều muối cũng góp phần gây phát sinh bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, ung thư vòm mũi họng.

Ăn nhiều thịt đỏ (thịt gia súc), mỡ

Việc tiêu thụ nhiều các loại thịt đỏ (bò, lợn, cừu, dê…) và thức ăn nhiều dầu mỡ cũng làm cơ thể phải hấp thụ lượng lớn Nitrosamin dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Các chuyên gia khuyên cáo nên giới hạn lượng thịt đỏ tiêu thụ dưới 500mg (5 lạng)/tuần, thay thế bằng thịt trắng (cá…), sử dụng dầu thực vật thay mỡ động vật, khuyến khích chế biến thức ăn bằng hình thức luộc, hấp thay do các hình thức có sử dụng dầu mỡ như xào, chiên, rán.

Ăn trầu

Hỗn hợp lá trầu và vôi có khả năng làm tổn thương, bỏng các tế bào bao phủ bên trong khoang miệng (niêm mạc miệng), hầu họng, thực quản. Quá trình tổn thương các tế bào tiếp diễn kéo dài có thể thúc đẩy việc phát sinh các đột biến gây ung thư. Một tỷ lệ cao các bệnh nhân ung thư khoang miệng, họng miệng có tiền sử thói quen ăn trầu được ghi nhận trong các báo cáo dịch tễ rất ủng hộ giả thuyết này.

Uống nhiều đồ uống có cồn (bia, rượu…)

Ngoài liên quan đến các bệnh lý tim mạch và gan, tiêu thụ nhiều các loại đồ uống có cồn như bia, rượu… cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh ung thư.

Hiệp hội Ung Thư Hoa Kỳ khuyến cáo lượng đồ uống có cồn của một người nam giới khoẻ mạnh nên giới hạn không quá 700ml bia/ngày, không quá 200 ml rượu vang/ngày hay 40 ml rượu mạnh/ngày. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, những giới hạn này không có nghĩa bạn có thể uống một lượng lớn rượu bia nhưng chỉ uống vào một vài ngày trong tuần, và việc uống rượu bia kéo dài, mặc dù nằm trong giới hạn khuyến cáo hàng ngày, cũng có thể gây ra nhiều hậu quả khác về kinh tế hay các vấn đề sức khoẻ khác.

BS TTB.

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *