Thử nghiệm lâm sàng pha III so sánh đối đầu erlotinib và gefitinib về tính an toàn và hiệu quả trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa có đột biến EGFR
Các tác giả: J J Yang, Q Zhou, H H Yan, X C Zhang, H J Chen, H Y Tu, Z Wang, C R Xu, J Su, B C Wang, B Y Jiang, X Y Bai, W Z Zhong, X N Yang, Y L Wu
Đăng trên tạp chí Ung thư Anh quốc 19/1/2017.
Mục tiêu: so sánh tính an toàn và hiệu quả của erlotinib và gefitinib trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa (IIIB, IV) có đột biến thụ thể yếu tố phát triển biểu bì (EGFR) tại exon 19 hoặc 21.
Phương pháp nghiên cứu: Các bệnh nhân phù hợp được phân nhóm ngẫu nhiên điều trị bằng erlotinib (150mg/ngày) hoặc gefitinib (250mg/ngày) đến khi bệnh tiến triển hoặc có độc tính không thể chấp nhận. Với dự định chứng minh erlotinib hiệu quả hơn gefitinib, nhóm nghiên cứu lựa chọn tiêu chí cơ bản là thời gian sống thêm không bệnh tiến triển.
Kết quả: Tổng số 256 bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên: nhóm điều trị erlotinib (N=128) và nhóm điều trị gefitinib (N=128). Kết quả cho thấy erlotinib không tốt hơn so với gefitinib về trung vị thời gian sống thêm không bệnh tiến triển của (13.0 so với 10.4 tháng, CI 95%: 0.62-1.05, P=0.108), tỷ lệ đáp ứng (56.3% so với 52.3%, p=0.53) và trung vị thời gian sống thêm toàn bộ (22.9 so với 20.1 tháng, CI 95% 0.62-1.05, p=0.250). Phân tích về tỷ lệ bệnh nhân xuất hiện độc tính độ ¾ cũng không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm (p=0.172).
Kết luận: Erlotinib không có sự vượt trội có ý nghĩa thống kê so với gefitinib về phương diện hiệu quả điều trị trong ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa có đột biến EGFR ở exon 19 hoặc 21. Về phương diện độc tính, 2 thuốc tương tự nhau.
BSNT. Trần Trung Bách