Những lưu ý quan trọng với sử dụng THUỐC tại nhà trong thời gian ĐIỀU TRỊ HOÁ CHẤT

Quá trình điều trị hoá chất thông thường diễn ra với những lần người bệnh đến bệnh viện, được bác sĩ thăm khám và chỉ định các xét nghiệm kiểm tra trước khi bước vào đợt điều trị mới. Tuỳ theo từng loại phác đồ hoá chất được sử dụng tương ứng với các bệnh lý ung thư khác nhau, thời gian mỗi đợt điều trị nội trú tại viện thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày (dưới 1 tuần). Sau đó, người bệnh sẽ được xuất viện ngoại trú trong phần lớn thời gian của 1 chu kỳ điều trị hoá chất, trong thời gian này, người bệnh tiếp tục thực hiện chế độ uống thuốc được bác sĩ chỉ định. Dưới đây, Ung Thư Học gửi đến quý bạn đọc những lưu ý quan trọng về việc sử dụng thuốc tại nhà trong thời gian điều trị hoá chất.
1. Những LOẠI THUỐC thường được bác sĩ chỉ định trong thời gian NGOẠI TRÚ?
Bác sĩ điều trị có thể chỉ định cho bạn những loại thuốc sau để tiếp tục sử dụng trong thời gian ngoại trú tại nhà:
– Các thuốc hoá chất dạng viên uống. Ví dụ: Capecitabine (Tên biệt dược thông dụng như XELODA, XAVOLBIN…) trong các bệnh lý ung thư đường tiêu hoá, ung thư vú, hay Vinorelbine (Tên biệt dược thông dụng như NAVELBINE).
– Các thuốc điều trị đích dạng viên uống. Ví dụ: Erlotinib (Tên biệt dược TARCEVA), Gefitinib (Tên biệt dược IRESSA), Sorafenib (Tên biệt dược NEXAVA)…
Thuốc điều trị nội tiết trong ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
– Các thuốc dự phòng, kiểm soát các tác dụng phụ của hoá chất. Ví dụ: Thuốc chống nôn, thuốc chống tiêu chảy, KHÁNG SINH dự phòng, …
– Một số loại thuốc khác nhằm cải thiện những triệu chứng cụ thể của người bệnh như thuốc giảm đau, thuốc giảm tiết acid dạ dày, thuốc bọc niêm mạc dạ dày…
2. Những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc tại nhà trong thời gian điều trị hoá chất:
Người bệnh và gia đình cần chú ý:
– Trước khi xuất viện về ngoại trú, đừng ngần ngại trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ điều trị để nắm vững những thông tin sau về mỗi loại thuốc bác sĩ đã chỉ định:
+ Mục đích, vai trò của từng loại thuốc
+ Cách thức sử dụng thuốc:
Đường dùng thuốc (bôi/dán ngoài da hay đường uống hay đặt hậu môn/âm đạo),
Thời điểm uống (sáng – trưa – tối, trước – trong – sau bữa ăn),
→ Cách chuẩn bị thuốc (pha thuốc, nghiền thuốc nếu cần), liều lượng (đặc biệt quan trọng với các thuốc giảm đau dạng morphin cần chuẩn bị thuốc và tính toán liều lượng cẩn thận, cách bảo quản thuốc.
+ Cách xử trí khi quên uống thuốc hay uống nhầm liều lượng: đặc biệt quan trọng với các thuốc hoá chất, những tình huống quên uống thuốc, uống bù thuốc sau khi quên, tự ý tăng/giảm liều lượng hay thậm chí bỏ thuốc (thường khi người bệnh mệt mỏi hay có khó khăn khi uống thuốc), đều có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc (tác dụng phụ nặng bất thường, giảm tác dụng của thuốc, trì hoãn đợt điều trị tiếp theo…) và dẫn đến kết quả điều trị không đạt được như mong đợi.
– Sau khi hiểu rõ những thông tin trên, bạn cần tuyệt đối tuân thủ thực hiện sử dụng thuốc tại nhà đúng theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Những người thân trong gia đình cần hiểu rõ vai trò hỗ trợ quan trọng của mình đối với người bệnh trong thời gian điều trị ngoại trú. Cần TRÁNH những tình huống thường gặp như:
× Người bệnh mệt sau truyền hoá chất tại viện dẫn đến bắt đầu muộn sử dụng các thuốc hoá chất đường uống theo chỉ định của bác sĩ: Chúng ta sẽ làm giảm đi tác dụng hiệp đồng giữa các loại hoá chất!
× Không cảm thấy buồn nôn ⇒ Tự ý không uống thuốc chống nôn dự phòng theo chỉ định: Chúng ta hiểu rằng những thuốc chống nôn có vai trò chính để dự phòng triệu chứng nôn/buồn nôn, khi những triệu chứng này đã xuất hiện, việc làm sao để cải thiện sẽ khó khăn hơn nhiều!
× Người bệnh khó uống thuốc viên ⇒ Tự ý bẻ/nghiền/pha thuốc cho người bệnh uống: Chúng ta sẽ làm thay đổi cấu trúc của thuốc đã được tổng hợp có ý đồ của nhà sản xuất, dẫn đến làm giảm mất tác dụng của thuốc, thậm chí còn dẫn đến xuất hiện các tác dụng phụ.
– Khi xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu mà bạn lo lắng có thể liên quan đến tác dụng phụ của thuốc hoặc gặp khó khăn trong việc sử dụng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị được biết để có hướng xử trí phù hợp.
– Nếu người bệnh và gia đình muốn sử dụng thêm các loại thuốc khác ngoài những thuốc được chỉ định, cần THẢO LUẬN cùng bác sĩ điều trị trước khi quyết định cho người bệnh sử dụng. Chúng ta hiểu rõ nguy cơ TƯƠNG TÁC giữa các loại thuốc đặc biệt nguy hại nếu tương tác làm giảm tác dụng của các thuốc hoá chất/đích điều trị ung thư, cũng như có thể làm xuất hiện các tác dụng phụ khó lường!

Tuân thủ điều trị trong thời gian ngoại trú có ý nghĩa rất quan trọng đến kết quả chung của cả liệu trình điều trị bệnh ung thư. Đạt được điều này đòi hỏi thái độ tích cực, nghị lực, ý chí quyết tâm của người bệnh, sự hỗ trợ, động viên của gia đình, người thân, bên cạnh đó luôn có sự sát cánh, đồng hành của bác sĩ điều trị và đội ngũ nhân viên y tế!


Bác sĩ. Trần Trung Bách

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *