4. EGFR
4.1. Vai trò sinh học
Đột biến gen EGFR là đột biến “dẫn dắt” trong ung thư phổi không tế bào nhỏ (Oncogenic drivers mutations*). Một số loại đột biến đặc hiệu như mất đoạn tại exon 19 (exon 19 deletions) và L858R tại exon 21** có ý nghĩa dự báo nhạy cảm với các liệu pháp ức chế tyrosine kinase (EGFR TKIs).
4.2. Áp dụng lâm sàng:
Tần suất gặp đột biến EGFR trong ung thư phổi không tế bào nhỏ:
– Chủng tộc: Châu Á (38,8%); Người da trắng (17,4%); Người da đen (17,2%)
– Giới: Nữ (43,7%); Nam (24,0%)
– Thể mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến (38,0%); Các thể khác (11,7%)
– Tiền sử hút thuốc lá: Không (49,3%); Có (Trong quá khứ hoặc đang tiếp diễn, 21,5%).
Các loại đột biến EGFR
* Oncogenic drivers mutations (Đột biến dẫn dắt): Đột biến chịu trách nhiệm chính trong cơ chế phát sinh và tiến triển của bệnh ung thư.
** Đột biến L858R: Đột biến điểm thay thế axit amin Leucine (L) ở vị trí 858 bởi Arginine (R).
Khuyến cáo về xét nghiệm EGFR trên thực hành lâm sàng:
– Kiểm tra tình trạng đột biến EGFR là một phản xạ thường quy tại thời điểm chẩn đoán đối với tất cả bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ loại không phải ung thư biểu mô vảy, giai đoạn tiến xa.
– Xét nghiệm đột biến EGFR tại thời điểm chẩn đoán đối với ung thư phổi loại tế bào vảy được khuyến cáo cho những trường hợp có bệnh cảnh lâm sàng gợi ý khả năng cao mang đột biến bao gồm: người trẻ, không bao giờ hoặc hút thuốc lá rất ít, thể mô bệnh học phối hợp có thành phần ung thư biểu mô tuyến, mẫu sinh thiết chẩn đoán nhỏ hoặc từ bệnh phẩm tế bào học.
– Tầm soát đột biến EGFR T790M được thực hiện cho tất cả trường hợp tiến triển bệnh sau liệu pháp TKIs thế hệ 1 hoặc 2 (afatinib, erlotinib, gefitinib).
5. MSI/MMR
5.1. Vai trò sinh học:
Các khối u có tình trạng “mất ổn định vùng vi vệ tinh” (Microsatellite instability) gây ra do đột biến và/hoặc tình trạng methyl hoá quá mức vùng promoter của các gen tham gia cơ chế sửa chữa lỗi ghép cặp sai DNA (DNA mismatch repair – MMR genes). Các gen MMR mã hoá các protein có chức năng phát hiện các lỗi ghép cặp base không theo nguyên tắc bổ sung trong quá trình tái bản của DNA và sửa chữa chúng. Tình trạng thiểu năng MMR dẫn đến tăng nguy cơ phát sinh các đột biến gen mới lên 10-100 lần.
5.2. Áp dụng lâm sàng:
Các khối u đặc có tình trạng MSI cao/thiểu năng MMR thường có đặc tính sinh miễn dịch và thâm nhiễm mạnh tế bào T tại tổ chức u, dẫn đến đáp ứng với các liệu pháp ức chế chốt chặn miễn dịch (Immune checkpoint inhibitor therapy).
Tình trạng MSI không đảm bảo chắc chắn rằng liệu pháp miễn dịch sẽ có tác dụng nhưng nó cho phép dự báo khả năng cao các liệu pháp miễn dịch sẽ có hiệu quả.
Kiểm tra dấu ấn MSI được áp dụng cho các khối u đặc ở người trưởng thành hay bệnh nhi, giai đoạn không thể phẫu thuật hay di căn. Tình trạng MSI cao được báo cáo nhiều nhất với ung thư đại tràng, ruột non, dạ dày, nội mạc tử cung, buồng trứng, túi mật và ung thư tuyến tiền liệt.
6. PD-L1
6.1. Vai trò sinh học:
Xem thêm bài viết “Liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư”
6.2. Áp dụng lâm sàng:
Vai trò của dấu ấn sinh học này vẫn chưa được hoàn toàn sáng tỏ ở nhiều bệnh lý ung thư. Mặc dù tình trạng PD-L1 dương tính cho phép dự báo lợi ích với các liệu pháp ức chế chốt chặn miễn dịch, tuy nhiên, kết quả âm tính không loại trừ hoàn toàn khả năng có được lợi ích. Các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm các dấu ấn sinh học tốt hơn cho phép dự báo đáp ứng với các liệu pháp miễn dịch.
*TPS: tỷ lệ phần trăm tế bào u bắt màu thuốc nhuộm màng tế bào một phần hay hoàn toàn.
** CPS: tỷ lệ tế bào u bắt màu thuốc nhuộm PD-L1, tế bào lympho, tế bào đại thực bào so với tổng số tế bào u.
Xem thêm
Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển
Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …