ASCO 2018 | Thử nghiệm ASTRRA xác định vai trò của liệu pháp cắt buồng trứng với những trường hợp xuất hiện kinh nguyệt trở lại sau hoá trị ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính

Liệu pháp cắt buồng trứng (Sau đây viết tắt là OFS – Ovarian Function Suppression), bằng phẫu thuật, xạ trị hay điều trị nội khoa, đã được chứng minh vai trò trong chỉ định điều trị bổ trợ kết hợp Tamoxifen (sau đây viết tắt là T) hay thuốc ức chế aromatase đối với những trường hợp ung thư vú có bộc lộ thụ thể nội tiết ở phụ nữ chưa mãn kinh. (Xem thêm Cắt buồng trứng nội khoa hay ngoại khoa trong điều trị ung thư vú)
Tuy nhiên, có một thực tế đáng chú ý rằng, ở những bệnh nhân sau khi trải qua liệu trình điều trị hoá chất (trước mổ hay sau mổ), chức năng buồng trứng đã bị suy giảm đáng kể. Tỷ lệ mất kinh sau điều trị hoá chất đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu, vào khoảng 21-61% với những bệnh nhân trẻ tuổi và có thể lên đến 61-97% với những bệnh nhân trên 40 tuổi [1], [2].
Như vậy, những câu hỏi vẫn còn cần được đặt ra đối với các bác sĩ lâm sàng trước nhóm đối tượng bệnh nhân này: Có cần thiết hay không việc chỉ định các liệu pháp cắt buồng trứng cho những bệnh nhân mà chúng ta biết rằng chức năng buồng trứng đã suy giảm? Chiến lược nào tối ưu để theo dõi, đánh giá chức năng buồng trứng sau kết thúc hoá trị và từ đó đưa ra quyết định phác đồ điều trị nội tiết bổ trợ phù hợp?
Thử nghiệm lâm sàng pha III tiến cứu (ASTRRA) đã được thực hiện tại Hàn Quốc với mục đích đánh giá hiệu quả của phác đồ kết hợp OFS cùng T cho những bệnh nhân ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính, chưa mãn kinh hoặc có kinh nguyệt trở lại sau điều trị hoá chất.
Mã số thử nghiệm tại Clinicaltrial.gov: NCT00912548
Các tác giả: Woo Chul Noh, jong Won Lee, Seok Jin Nam, Seho Park, Seock-Ah Im, Eun Sook Lee, Yongsik Jung, Jung Han Yoon, Sung Soo Kang, Soo-Jung Lee, Kyong Hwa Park, Joon Jeong, Se-heon Cho, Sung Yong Kim, hee Jeong Kim, Chanheun Park, Se-Hwan Han, Wonshik Han, Min Hee Hur, Hyun-Ah Kim
Phương pháp nghiên cứu:
Thử nghiệm được tiến hành trên các bệnh nhân ung thư vú có thụ thể Estrogen dương tính, đã được điều trị triệt căn với phẫu thuật, hoá trị bổ trợ trước hoặc sau mổ, +/- xạ trị bổ trợ.
Tình trạng “trước mãn kinh” được xác định dựa trên xét nghiệm định lượng hormone kích thích nang trứng (FSH) và biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt. Bệnh nhân sau đó được khảo sát chức năng buồng trứng định kỳ mỗi 6 tháng trong thời hạn 2 năm. Nếu chức năng buồng trứng tiếp tục được xác nhận ở tình trạng tiền mãn kinh ở mỗi lần thăm khám, bệnh nhân sẽ được phân ngẫu nhiên vào nhóm điều trị 5 năm T đơn thuần hoặc nhóm điều trị 5 năm T kết hợp 2 năm OFS bằng goserelin (Zoladex) hàng tháng. Tổng số 1282 bệnh nhân thoả mãn các tiêu chuẩn lựa chọn và tham gia vào nghiên cứu.


Tiêu chí đánh giá chính: Thời gian sống thêm không bệnh (Desease-free survival-DFS) được tính từ thời điểm bệnh nhân bắt đầu được nghiên cứu đến khi phát hiện tái phát bệnh ung thư, ung thư vú đối bên, ung thư thứ phát, hoặc tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.
Kết quả: Sau thời gian theo dõi trung vị 63 tháng, tỷ lệ sống thêm không bệnh tại thời điểm 5 năm là 91.1% ở nhóm T + OFS và 87.5% ở nhóm T đơn thuần (HR 0.686; 95% CI 0.483-0.972; p=0.033). Tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 5 năm là 99.4% ở nhóm T+OFS và 97.8% ở nhóm T đơn thuần (HR 0.310; 95%CI 0.102-0.941; p= 0.029).
Kết luận:
Các tác giả đưa đến nhận định: Chức năng buồng trứng cần được theo dõi ít nhất 24 tháng sau khi kết thúc hoá trị để đưa ra chỉ định hợp lý cho OFS. Kết hợp thêm liệu trình cắt buồng trứng 2 năm với Tamoxifen trong 5 năm giúp cải thiện có ý nghĩa thống kê thời gian sống thêm không bệnh so với Tamoxifen đơn thuần ở những bệnh nhân có buồng trứng còn hoạt động chức năng sau hoá trị.
Chú thích trong bài viết:
1. Liedtke C. and Kiesel L. (2012). Chemotherapy-Induced Amenorrhea – An Update. Geburtshilfe Frauenheilkd, 72(9), 809–818.
2. Pourali L., Taghizadeh Kermani A., Ghavamnasiri M.R., et al. (2013). Incidence of Chemotherapy-Induced Amenorrhea After Adjuvant Chemotherapy With Taxane and Anthracyclines in Young Patients With Breast Cancer. Iran J Cancer Prev, 6(3), 147–150.


Nội dung liên quan:
Định nghĩa “Tình trạng mãn kinh” theo NCCN Guidelines 2018
Mãn kinh tức là sự ngừng vĩnh viễn chu kỳ kinh nguyệt, biểu hiện của hiện tượng suy giảm vĩnh viễn hoạt động tổng hợp estrogen tạibuồng trứng. Tình trạng mãn kinh có thể được kết luận hợp lý trong các tình huống:
Sau phẫu thuật cắt buồng trứng 2 bên.
– Tuổi >= 60
– Tuổi < 60 và tình trạng không có kinh nguyệt kéo dài liên tục trong ít nhất 12 tháng mà không có điều trị hoá chất, tamoxifen, toremifene hoặc thuốc ức chế chức năng buồng trứng; có nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH) và estradiol phù hợp với tính trạng mãn kinh.
– Đang điều trị tamoxifen hoặc toremifene, và dưới 60 tuổi, xét nghiệm nồng độ FSH và estradiol huyết thanh phù hợp với tình trạng mãn kinh.
Lưu ý:
– Không thể kết luận tình trạng mãn kinh một cách chắc chắn ở những trường hợp đang sử dụng các thuốc đồng vận/đối kháng LHRH.
– Với những phụ nữ chưa mãn kinh tại thời điểm bắt đầu điều trị hoá chất, mất kinh nguyệt trong thời gian hoá trị không phải là một chỉ điểm đáng tin cậy của tình trạng mãn kinh vì chức năng buồng trứng vẫn có thể phục hồi trở lại sau khi ngừng hoá trị. Đối với những trường hợp mất kinh nguyệt liên quan đến hoá trị, phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc theo dõi giá trị định lượng FSH và/hoặc estradiol là cần thiết để đảm bảo tình trạng mãn kinh “thực sự”, một cơ sở bắt buộc trước khi quyết định sử dụng các thuốc ức chế aromatase.


BSNT. Lê Ngọc Mây
BSNT. Trần Trung Bách

Về Hà Thành Kiên

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *