Đau là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư, người bệnh có thể chết vì suy kiệt, đau. Đau là một trong những triệu chứng lâm sàng của bệnh ung thư, do ung thư xâm lấn phá huỷ các tổ chức xung quanh, các dây thần kinh.
Hiện nay đã có nhiều biện pháp giảm đau, có thể kiểm soát được trên 90% đau đớn do ung thư. Tuy nhiên, khi khảo sát tại Mỹ mới chỉ có 40% đau đớn do ung thư được điều trị đúng mức. ở những nước đang phát triển và ở nước ta việc điều trị giảm đau mới chỉ là bước đầu, chưa được quan tâm đúng mức
Một số khối u gây đau nhức rất sớm như u thần kinh, ung thư xương, u não
Đa số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị đau đớn, 60-80% bị đau nặng
Nhiều bệnh nhân ung thư bày tỏ cảm giác không sợ chết bằng sự dằn vặt của đau đớn.
Đau do ung thư là đau mãn tính, dai dẳng, có khi kéo dài vài tháng đến vài năm nếu như không có biện pháp kiềm chế.
1. CƠ CHẾ ĐAU DO UNG THƯ
Đau xuất hiện khi ung thư xâm lấn vào xương, thần kinh, phần mềm, tạng, đặc biệt trong ung thư vú, tiền liệt tuyến, phổi, thận, hắc tố.
Khi có loét u, viêm xung quanh u đau tăng lên. Đôi khi đau do các biện pháp điều trị ung thư như: đau sau mổ ví dụ như mổ lồng ngực, đau do viêm cơ bị xạ trị gây viêm da cấp, có khi gây loét da , đau do viêm các rễ thần kinh, trong điều trị hoá chất ( ví dụ như Vincistin, cisplatin, paclitaxel vv…).
Đau của các tạng có thể do khối u chèn ép hoặc bít tắc thường hay gặp ở các tạng rỗng như dạ dày, tắc ruột, niệu quản.
Đau tạng có thể đỡ khi dùng các thuốc chống đau thông thường. Trong trường hợp không đỡ phải điều trị chống chèn ép, bít tắc bằng phẫu thuật, xạ trị.
Đau nguồn gốc thần kinh gọi là đau loạn cảm hay đau lạc đường dẫn truyền vào trung tâm thường gặp do chấn thương các thần kinh ngoại vi. Loại đau này có tiệu chứng bỏng rát, như cắn xé da thịt, hay phối hợp với loạn cảm và tăng cảm. Loại đau này phải dùng các thuốc chống co thắt, chống âu sầu, thuốc tê hoặc các biện pháp phẫu thuật thần kinh mới cắt được cơn đau.
Cảm giác đau của bệnh nhân ung thư còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố tâm lý như lo lắng, hoảng hốt, và yếu tố xã hội. Vì vậy cần phải đánh giá đau trong một bối cảnh chung gọi là đau tổng thể.
2. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ GIẢM ĐAU
– Dựa vào các hình nét mặt, dáng đi để bệnh nhân đánh giá mức đau đớn của người bệnh
– Dựa hoàn toàn vào chủ quan bệnh nhân qua hỏi về thời gian đau trong ngày, các giờ không đau, hoạt động hàng ngày ảnh hưởng dến đau và tác dụng phụ của thuốc đã sử dụng.
– Dựa vào quan sát khách quan của thầy thuốc: phải quan sát sự thiếu yên tĩnh, mất ngủ, kém ăn, liệt giường, sự phàn nàn của người nhà, những yêu cầu dùng thuốc của bệnh nhân.
– Dựa vào cả cảm giác chủ quan của người bệnh và sự quan sát khách quan của thầy thuốc. Phương pháp này hiện nay được dùng phổ biến nhất
Thăm do diễn biến đau đớn: bao gồm đánh giá về mức độ ( đau nhẹ, đau vừ và đau nặng ), vị trí, hướng lan cơn đau, thời gian đau và thăm do các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ngủ, ăn, hoạt động và giao tiếp. Cần lượng hoá mức độ đau và mức độ ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày bằng thang điểm từ 0-10 .
3. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ ĐAU BẰNG THUỐC
– Bước đầu tiên là nắm bắt được bệnh sử chi tiết, khám xét bệnh nhân cẩn thận để xác định nguồn gốc của đau, mức độ đau
+ Do ung thư gây ra, hoặc có liên quan đến ung thư, do điều trị ung thư hay do những rối loạn khác.
+ Do bộ phận nhận cảm đau, do bệnh thần kinh hoặc do cả hai
– Điều trị bắt đầu bằng giải thích tỉ mỉ và thực hiện các phương pháp kết hợp thể chất với tâm lý người bệnh. Các phương pháp điều trị có dùng thuốc và không dùng thuốc.
– Dùng thuốc có tác dụng giảm đau do ung thư phải được dùng đúng liều, đúng khoảng thời gian
+ Đường uống là đường được ưa chuộng hơn cả khi dùng các thuốc giảm đau, bao gồm morphine
+ Đối với đau kéo dài, thuốc nên được dùng đều đặn theo từng khoảng thời khoảng thời gian và không phải nhất thiết chỉ dùng khi cần.
Liều thuốc tương dương so với 10mg Morphine loại tiêm
Tên thuốc | Liều uống
(mg) |
Liều tiêm
(mg) |
Thời gian khống chế cơn đau
(giờ) |
Codeine* | 180-200 | 60 | 3-4 |
Meperidine (Demerol) | 300 | 100 | 3 |
Morphine | 45 | 10 | 3-4 |
Morphine (time-release) (MS Contin) | 90-120 | 8-12 | |
Hydrocodone (Vicodin, etc) | 30 | 10 | 3-4 |
Oxycodone (Percodan, etc) | 30 | 10 | 3-4 |
Oxycodone (time-release) (Oxycontin) | 60 | 8-12 | |
Methadone (Dolophine) | 20 | 10 | 6-8 |
Hydromorphone (Dilaudid) | 7,5 | 1,5 | 3-4 |
Levorphanol (Levodromoran) | 4 | 2 | 6-8 |
Oxymorphone (Numorphan) | 1 | 1 | 3-4 |
(* không được dùng liều cao vì gây nhiều tác dụng phụ)
– Điều trị chống đau theo bậc thang: trừ khi bệnh nhân đau nặng, điều trị ban đầu thường dùng những thuốc không có opioid và điều chỉnh liều, nếu cần thiết có thể tăng đến liều lớn nhất.
+ Nếu dùng thuốc không có opioid không đủ để giảm đau lâu hơn được khi có nên sử dụng 1 thuốc có opioid kết hợp với thuốc không có opioid.
+ Nếu khi dùng một thuốc có opioid cho trường hợp đau nhẹ đến đau vừa (ví dụ: Codein) không đủ để giảm đau trong thơi gian dài hơn, nên dùng một thuốc có opioid dùng cho trường hợp đau vừa đến đau nặng thay thế (ví dụ: Morphine)
Ba bậc thang của thuốc giảm đau
– Đối với từng cá thể: liều đúng là liều có tác dụng giảm đau. Liều uống morphine có thể trong phạm vi ít nhất là 5mg đến liều lớn nhất 1.000mg
– Các thuốc dùng cho điều trị hỗ trợ nên được dùng đúng chỉ định, có tác dụng hiệp đồng với thuốc giảm đau hay tác dụng đối ngược. Ví dụ như thuốc an thần Seduxen tác làm tăng tác dụng thuốc giảm đau loại không phải steroid. Ngoài ra dùng thuốc điều trị các tác dụng phụ của thuốc giảm đau gây ra như táo bón do morphine, viêm dạ dày do thuốc giảm đau không phải steroid
Đối với đau do bệnh nhân thần kinh nên dùng thuốc chống trầm cảm tricyclic phối hợp hoặc một thuốc chống co giật.
– Quan tâm đến từng chi tiết: cần theo dõi đáp ứng của người bệnh, có thể thay đổi liều điều trị, thuốc khác hoặc biện pháp điều trị khác với điều trị để đảm bảo thu được hiệu quả cao nhất mà tác dụng phụ lại hạn chế ở mức thấp nhất nếu có thể.
– Đánh giá và điều trị đau do ung thư có kết quả nhất khi có sự phối hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, xạ trị, hoá chất, corticoides và tâm lý.
4. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ CHỐNG ĐAU KHÁC
Xạ trị chống đau: xạ trị là một trong những biện pháp chống đau có hiệu quả với ung thư, đặc biệt là những ung thư khu trú tại chỗ. Xạ trị vừa có tác dụng giảm đau tại u, vừa có tác dụng chống chèn ép, chống bít tắc (ung thư tại xương, di căn của ung thư vào xương…). Với liều 30 Gy Cobalt có thể khống chế trên 80% các loại đau tại xương. Xạ trị chống đau bao gồm xạ trị ngoài, xạ trị trong hoặc xạ trị toàn thân. Hiệu quả của xạ trị cao do rẻ tiền, tác dụng không mong muốn ít .
Hoá chất chống đau: có tác dụng khống chế các triệu chứng đau, có hiệu quả phá huỷ các tế bào ung thư giảm bớt chèn ép. Sử dụng liều hoá chất thường thấp hơn so với liều điều trị triệt căn có thể dùng đơn hoá chất hoặc đa hoá chất phối hợp. Thông thường dùng hoá chất có tác dụng phụ ít, dễ sử dụng (5Fu, Cyclophosphamide dạng uống….)
Thuốc tái tạo xương: được sử dụng đối với trường hợp ung thư di căn vào xương có phá huỷ vào xương (Ví dụ: Aredia với ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến di căn vào xương)
Phẫu thuật triệu chứng: với các trường hợp ung thư gây biến chứng mà không còn khả năng điều trị triệt để, lúc này phẫu thuật là phương pháp giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất (Ví dụ: mở thông đại tràng trong ung thư đại tràng bị tắc ruột….)