Tổng quan về Ung thư biểu mô tuyến tụy và Giá trị của Exosomal micro-RNA trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị || PHẦN 2

Điều trị đích

Ung thư tụy thường bộc lộ thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu mô (EGFR). Nhiều nghiên cứu đang tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả các chất ức chế phân tử nhỏ tyrosine kinase của thụ thể EGF như erlotinib cũng như kháng thể đơn dòng kháng EGF như Cetuximab, kết quả bước đầu hết sức khiêm tốn tuy nhiên erlotinib đã được phê duyệt tại Hoa Kỳ sử dụng kết hợp với gemcitabine trong điều trị ung thư tuỵ tiến triển tại chỗ không có khả năng cắt bỏ hay giai đoạn di căn [50].

Tương tự nghiên cứu sử dụng thuốc kháng sinh mạch bevacizumab cũng cho kết quả rất hạn chế. Trên quan điểm lợi ích – chi phí, thuốc này cũng không được khuyến cáo.

Các phương pháp điều trị ung thư biểu mô tuyến tụy đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, kết quả điều trị ung thư tụy xấu, ti lệ bệnh nhân tử vong do ung thư tụy cao, là một trong 5 loại ung thư gây tử vong hàng đầu [13], mặc dù tỉ lệ mắc ung thư tụy không cao, đứng thứ 14 [36]. Do vậy nhu cầu cấp thiết để giải quyết những khó khăn trong điều trị ung thư tụy là phải nghiên cứu xác định rõ các yếu tố nguy cơ ung thư tụy, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyên tụy. Qua đó đề xuất chiến lược dự phòng, cũng như xác định nhóm nguy cơ để khuyến cáo khám sàng lọc ung thư, như vậy vừa đảm bảo vấn đề kinh tế y tế, tránh sàng lọc tràn lan, cả những đối tượng nguy cơ thấp gây lãng phí.

Yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ là những tác nhân làm tăng khả năng xuất hiện kết quả xấu cho sức khoẻ đối tượng bị tác động so với những đối tượng không bị tác động. Trong ung thư tuỵ, yếu tố nguy cơ là những tác nhân làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư tuỵ ở những đối tượng bị các yếu tố này tác động.

Trong phân loại yếu tố nguy cơ có nhiều cách phân loại khác nhau, trong đó có thể phân yếu tố nguy cơ làm 2 nhóm: yếu tố nguy cơ nội sinh và yếu tố nguy cơ ngoại sinh. Yếu tố nguy cơ nội sinh là các yếu tố bên trong cơ thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ. Các yếu tố nguy cơ nội sinh bao gồm, các yếu tố về gen, di truyền hoặc cơ địa. Yếu tố nguy cơ ngoại sinh là các yếu tố từ môi trường bên ngoài gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ phát sinh ung thư, những yếu tố phát sinh ung thư được biết đến là thuốc lá, virus sinh ung thư, tình trạng viêm nhiễm, các tác nhân hoá học, vật lý, chế độ ăn uống, béo phì, tình trạng hoạt động thể lực[37].

Ung thư tuỵ được biết là một bệnh lý với tỉ lệ mắc mới không cao, vấn đề căn nguyên của bệnh lý ung thư tuỵ đã được nghiên cứu nhiều trên thế giới cũng như trong nước. Kết quả cho thấy, đấy là bệnh lý có cơ chế bệnh sinh phức tạp với sự tác động phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, những yếu tố nguy cơ ung thư tụy đã được biết đến gồm: tuổi, béo phì, đái tháo đường, nghiện rượu, nghiện thuốc lá và tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh ung thư [38],[39].

Yếu tố nguy cơ ngoại sinh

Hút thuốc là được biết đến là nguyên nhân phổ biển làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuỵ, thông qua N-nitrosamines và các sản phẩm giáng hoá khác được bài tiết trong dịch mật dịch tuỵ và ảnh hưởng trực tiếp lên mô tuỵ. Hút thuốc lá làm tăng tỉ lệ mắc ung thư tuỵ lên 1,5 đến 3 lần tuy theo mức độ và thói quen hút thuốc[40].

Uống rượu được nghiên cứu trên 14 nghiên cứu tiến cứu khác nhau, trong đó khẳng định, cũng với béo phì làm tăng nguy cơ bệnh viêm tuỵ mạn và ung thư tuỵ[40].

Chế độ ăn và tình trạng béo phì, ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc động vật, đặc biệt là mỡ động vật, trứng, sữa làm tăng nguy cơ ung thư tuỵ, ngược lại ăn nhiều chất xơ, thức ăn có nguồn gốc thực vật làm giảm nguy cơ ung thư. Khi phân tích sâu về các thành phần dinh dưỡng, tiêu thụ nhiều cholesterol, chất béo không no làm tăng nguy cơ ung thư, trong khi, vitamin đặc biệt là vitamin C, acide omega-3 làm giảm nguy cơ ung thư. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở cả 2 giới, BMI tăng trên 30 là yếu tố nguy cơ gây ung thư tuỵ được khẳng định[40].

Nghề nghiệp liên quan đến sản xuất kim loại, sản xuất cadmidi có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên, mối liên quan giữa nghề nghiệp và ung thư tuỵ còn chưa được làm rõ.

Yếu tố nguy cơ nội sinh

Ung thư tuỵ có liên quan đến tuổi, trong 30 năm đầu tiên tỉ lệ mắc ung thư tuỵ là rất thấp. Tuy nhiên, tỉ lệ này tăng dần ở những năm tiếp theo và đỉnh cao nhất là tuổi 70-89, với 80% tổng số bệnh nhân ung thư tuỵ được chẩn đoán. Độ tuổi trung bình mắc ung thư tuỵ là 65 tuổi, dưới 50 tuổi tỉ lệ mắc ung thư tuỵ dưới 10%[41].

Chủng tộc cũng có liên quan đến ung thư tuỵ, tại Mỹ tỉ lệ người Mỹ gốc phi có tỉ lệ mắc ung thư tuỵ cao hơn những người Mỹ da trắng. Tuy nhiên điều này cũng bị ảnh hưởng bởi nhóm người Mỹ gốc phi có tỉ lệ béo phì và đái tháo đường cao hơn người mỹ da trắng [42].

Đái tháo đường là bệnh lý phổ biến trên thế giới, ngày nay có xu hướng tăng lên ở nhiều quốc gia, bao gồm cả những quốc gia đang phát triển. Chưa phát hiện được cơ chế sinh bệnh ung thư tuỵ từ đái tháo đường, tuy nhiên mối liên quan giữa đái tháo đường và ung thư tuỵ được ghi nhận. Có một tỉ lệ lớn tăng đường huyết được xác nhận ở những bệnh nhân ung thư tuỵ có kích thước khối u dưới 2 cm. Có thể gen sinh ung thư tuỵ cũng là gen gây tăng đường máu. Thời gian phát hiện đái tháo đường ở bệnh nhân ung thư tuỵ là từ 5 đến 26 tháng [40].

Các yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng trong ung thư tụy. Cho đến nay, chúng ta đã xác định được một số đột biến gene gây ra ung thư tụy có tính chất gia đình, ví dụ BRCA2, PALB2, CDKN2A, STK11, ATM, và có thể là BRCA1; tuy vậy, những gene này chỉ đóng vai trò 10-15% trong tổng số các ca ung thư tụy [5,43]. Trong gia đình có tiền sử gia đình liên quan đến ung thư tuỵ, nguy cơ mắc ung thư tuỵ có thể tăng lên 4,6 đến 30 lần, trong khi nhóm người có mang đột biến gen BRCA1,2 có nguy cơ cao hơn nhóm khác 2,6-8 lần[44].

Một số yếu tố nguy cơ vừa nội sinh, vừa ngoại sinh

Viêm và quá trình hình thành ung thư

Sự xâm nhập các tế bào miễn dịch có thể la nguy cơ biến đổi gen và là nguyên nhân sinh ung thư. Những tế bào viêm này tham gia vào cả 2 quá trình, ức chế sinh ung thư cũng như là thúc đẩy phát triển ung thư. Bằng chứng khoa học đầu tiên là hiện tượng xâm nhập cá tế bào miễn dịch trong mô ung thư, thúc đảy khối u phát triển, cũng như là việc các thế bào và mô tái cấu trúc thành mô ung thư trên nền những tổn thương viêm mạn tính và những vết loét lâu lành [45].

Viêm mạn tính đã được chứng minh đóng vai trò quan trọng trọng bệnh sinh ung thư tụy [46]. Theo đó, một loạt yếu tố cytokines (i.e., TNF-α, IL-6, hoặc interferon-g), nuclear factor-kappa B (NF-κB), cyclooxygenase isoforms (COX-1, COX-2), peroxisome proliferator-activated receptor-g (PPARg)… đã được giải phóng, gây tổn thương DNA thông qua cơ chế “phản ứng oxi-hóa” (reactive oxygen species (ROS) và biến đổi di truyền/đột biến gene như K-RAS hoặc p53 (gene ức chế sinh ung thư). Đây là hai cơ chế quan trọng trong quá trình bệnh sinh ung thư tụy [46,47]. Chính vì vậy, việc mắc với các bệnh truyền nhiễm dẫn đến viêm mạn tính có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư tụy.

Mối liên quan giữa HBV và ung thư tuỵ

Trên thực tế, các nghiên cứu tiến hành tại Đài Loan [48], Trung Quốc [49], và Hoa Kỳ [50] đều chỉ ra mối liên hệ giữa việc tăng mức HBsAg mạn tính đối với việc gia tăng nguy cơ ung thư tụy. Một nghiên cứu tổng hợp (meta-analysis) gần đây [51] đã chỉ ra kết quả đồng nhất rằng so với một người khỏe mạnh một người nhiễm viêm gan B mạn tính bị tăng nguy cơ ung thư tụy hơn 40% (tỷ suất chênh – OR=1.40, khoảng tin cậy-95% CI: 1.14-1.73).

Wang Yunxia và cs, phân tích gộp từ 7 nghiên cứu bệnh chứng và 3 nghiên cứu thuần tập với tổng số 5883 bệnh nhân, kết quả cho thấy hệ số tương quan OR giữa những bệnh nhân đã từng có HbsAg dương tính so với những người chưa từng phơi nhiễm virus viêm gan B nguy cơ mắc ung thư tuỵ là 1.2 lần. Trong khi đó, so sánh những người mang viêm gan mạn B mạn tính, so với những người không mắc viêm gan B thì tỉ suất chênh OR là 1,76 [52][53].

Cơ chế bệnh sinh liên quan giữa viêm gan B và ung thư tuỵ, cũng như là vai trò chính xác của viêm gan B mạn tính, người lành mang bệnh hoặc tiền sử nhiễm virus viêm gan trong quá khư đối với việc hình thành ung thư tuỵ chưa được làm rõ. Tuy nhiên, có một số giả thuyết được đạt ra, thứ nhất, cả HBV DNA và HbsAg đều được xác nhận rõ trên nhiều bệnh nhân ung thư tuỵ, nó có thể gây ra tổn tương mạn tính các tế bào biểu mô tuyên tuỵ gậy ra tình trạng viêm tuỵ mạn; Thứ hai, phân tử HBV DNA có thể tương tác với gen của tế bào tuỵ lành, gây ra biến đổi gen của các tế bào biểu mô tuyến tuỵ tạo ra các gen sinh ung thư, hoặc làm tổn thương, đứt gãy các gen điều hoà ung thư gián tiếp thức đẩy sự hoạt động của 1 hay nhiều gen sinh ung thư khác. Thứ ba, các protein của HBV cũng có thể chuyển gen của virus vào gen của tế bào vật chủ làm kích hoạt các gen sinh ung thư. Thứ tư, hoạt động của hệ miễn dịch để tiêu diệt các virus HBV cũng có thể tác động thúc đẩy quá trình sinh ung thư[52–54].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

35. Miksad RA, Schnipper L, Goldstein M. Does a statistically significant survival benefit of erlotinib plus gemcitabine for advanced pancreatic cancer translate into clinical significance and value? J. Clin. Oncol. 2007;25:4506–7; author reply 4508.

36. Bùi Diệu, Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Hoài Nga, Lê Hoàng Minh, Phạm Xuân Dũng, et al. Gánh nặng bệnh ung thư và chiến lược phòng chống ung thư quốc gia đến năm 2020. Tạp chí Ung thư học Việt Nam. 2015;4:13–9.

37. Vincent T . DeVita, Jr, T heodore S. Lawrence, Steven A. Rosenberg. Principles & practice of oncology. 2016. 38. Maitra A, Hruban RH. Pancreatic cancer. Annu Rev Pathol. 2008;3:157–88.

39. Zavoral M, Minarikova P, Zavada F, Salek C, Minarik M. Molecular biology of pancreatic cancer. World J. Gastroenterol. 2011;17:2897–908.

40. Zavoral M, Minarikova P, Zavada F, Salek C, Minarik M. Molecular biology of pancreatic cancer. World J Gastroenterol. 2011;17:2897–908.

41. Li D, Morris JS, Liu J, Hassan MM, Day RS, Bondy ML, et al. Body Mass Index and Risk, Age of Onset, and Survival in Patients With Pancreatic Cancer. JAMA. 2009;301:2553–62.

42. Silverman DT, Schiffman M, Everhart J, Goldstein A, Lillemoe KD, Swanson GM, et al. Diabetes mellitus, other medical conditions and familial history of cancer as risk factors for pancreatic cancer. Br J Cancer. 1999;80:1830–7.

43. American Cancer Society. Cancer Facts & Figures 2014 [Internet]. 2014 [cited 2015 Jul 15]. Available from http://www.cancer.org/acs/groups/content/@research/documents/webcontent/acspc-042151.pdf

44. Ferrone CR, Levine DA, Tang LH, Allen PJ, Jarnagin W, Brennan MF, et al. BRCA Germline Mutations in Jewish Patients With Pancreatic Adenocarcinoma. J Clin Oncol. 2009;27:433–8.

45. Hanahan D, Weinberg RA. Hallmarks of Cancer: The Next Generation. Cell. 2011;144:646–74.

46. Farrow B, Evers BM. Inflammation and the development of pancreatic cancer. Surg Oncol. 2002;10:153–69.

47. Hamada S, Masamune A, Shimosegawa T. Inflammation and pancreatic cancer: disease promoter and new therapeutic target. J. Gastroenterol. 2014;49:605–17.

48. Iloeje UH, Yang H-I, Jen C-L, Su J, Wang L-Y, You S-L, et al. Risk of pancreatic cancer in chronic hepatitis B virus infection: data from the REVEAL-HBV cohort study. Liver Int. 2010;30:423–9.

49. Ben Q, Li Z, Liu C, Cai Q, Yuan Y, Wang K, et al. Hepatitis B virus status and risk of pancreatic ductal adenocarcinoma: a case-control study from China. Pancreas. 2012;41:435–40.

50. Hassan MM, Li D, El-Deeb AS, Wolff RA, Bondy ML, Davila M, et al. Association between hepatitis B virus and pancreatic cancer. J. Clin. Oncol. 2008;26:4557–62.

51. Li L, Wu B, Yang L-B, Yin G-C, Liu J-Y. Chronic hepatitis B virus infection and risk of pancreatic cancer: a meta-analysis. Asian Pac. J. Cancer Prev. 2013;14:275–9.

52. Fiorino S, Cuppini A, Castellani G, Bacchi-Reggiani ML, Jovine E. HBV- and HCV-Related Infections and Risk of Pancreatic Cancer. JOP. Journal of the Pancreas. 2013;14:603–9.

53. Wang Y, Yang S, Song F, Cao S, Yin X, Xie J, et al. Hepatitis B virus status and the risk of pancreatic cancer: a meta-analysis. European Journal of Cancer Prevention. 2013;22:328–34.

54. Hassan MM, Li D, El-Deeb AS, Wolff RA, Bondy ML, Davila M, et al. Association Between Hepatitis B Virus and Pancreatic Cancer. JCO. 2008;26:4557–62.

Về Lương Tuấn Hiệp

Bác sỹ nội trú chuyên ngành Ngoại khoa- Trường Đại Học Y Hà Nội

Xem thêm

ĐẠI CƯƠNG VỀ U HẮC TỐ HỆ TIÊU HÓA

TỔNG QUAN, ĐỊNH NGHĨA U hắc tố ác tính (Malignant melanoma) là một dạng u …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *