Tìm hiểu về Viêm tuỵ và nguy cơ Ung thư tuỵ

Chúng ta đã biết đến các nguyên nhân phổ biến của viêm tuỵ cấp bao gồm rượu, sỏi mật, rối loạn mỡ máu, tăng canxi máu, sau chấn thương bụng, cơ chế tự miễn, nhiễm trùng toàn thân (ví dụ: virus quai bị). Mặc dù, ung thư tuỵ là một nguyên nhân hiếm gặp có thể dẫn đến bệnh cảnh viêm tuỵ cấp, tuy vậy, không nên thiếu trong danh sách chẩn đoán phân biệt của bác sỹ lâm sàng.

Tác giả Tummala và cộng sự đã tiến hành hồi cứu trên 332 bệnh nhân viêm tuỵ cấp. Sau khi loại ra tất cả các trường hợp được xác định nguyên nhân liên quan đến rượu, sỏi mật hay sau nội soi mật tuỵ ngược dòng, 218 BN còn lại tham gia vào nghiên cứu, sau khi tình trạng viêm tuỵ hồi phục, được thực hiện thủ thuật chọc hút kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi (EUS-FNA) [1].

38 bệnh nhân (tỷ lệ 17%) trong nhóm đối tượng nghiên cứu được xác định ung thư tuỵ dựa trên kết quả EUS-FNA.

Ngoại trừ 1 trường hợp, tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuỵ có ít nhất 2 trong số các yếu tố sau:

  • Tuổi trên 50
  • Tiền sử hút thuốc lá
  • Sụt cân trên 10 pounds (4,5 kg)
  • Phosphatase kiềm tăng trên 165 U/mL hoặc Bilirubin toàn phần trên 2 mg/dL (34,2 µmol/l)
  • Hình ảnh khối ở tuỵ hoặc teo nhu mô đoạn xa của tuỵ trên các thăm dò chẩn đoán hình ảnh.

Một nghiên cứu khác đã được thực hiện trên một quần thể lớn hơn tại Veterans Health Administration (Mỹ) từ năm 1998 đến 2007 [2]. Trong số hơn 5700 bệnh nhân được chẩn đoán viêm tuỵ cấp, 710 (12%) trường hợp được xác định ung thư tuỵ. Khoảng 10% bệnh nhân ung thư tuỵ từng được chẩn đoán tình trạng viêm tuỵ cấp trong vòng 2 năm trước thời điểm phát hiện bệnh ung thư.

Nguy cơ ung thư tuỵ cao nhất trong năm đầu tiên sau chẩn đoán viêm tuỵ cấp trước khi giảm đi rõ rệt trong các năm tiếp theo. Các nhà nghiên cứu nhận định chẩn đoán ung thư tuỵ cần đượt đặt ra trước những bệnh nhân viêm tuỵ cấp trên 40 tuổi và cần tiếp tục chú ý theo dõi đến 2 năm sau đó.

Với những bệnh nhân viêm tuỵ cấp, tỷ lệ tiếp tục gặp phải viêm tuỵ cấp tái diễn có thể lên đến 22%. Có xấp xỉ 10% bệnh nhân viêm tuỵ cấp sẽ diễn biến thành viêm tuỵ mạn sau đó, tỷ lệ này cao hơn đáng kể (36%) với những trường hợp viêm tuỵ cấp tái diễn [3]. Tình trạng viêm mạn tính có thể là yếu tố quan trọng góp phần khởi phát ung thư tuỵ [4].

Một bệnh lý được đặc biệt chú ý với diễn biến viêm tuỵ cấp tái diễn nhiều lần, kéo theo việc làm tăng nguy cơ ung thư tuỵ, đó là bệnh lý viêm tuỵ có tính di truyền (Hereditary pancreatitis – HP). Những bệnh nhân với bệnh lý viêm tuỵ di truyền có tiền sử gia đình nổi bật liên quan đến viêm tuỵ cấp và có thể khởi phát viêm tuỵ cấp từ lứa tuổi rất trẻ [5]. Một số gen liên quan đã được xác định như CFTR, PRSS1 và SPINK1 [6]. Đột biến những gen này dẫn đến hiện tượng hoạt hoá sớm các men tuỵ ngay từ trong nhu mô tuỵ và hậu quả khởi phát viêm tuỵ cấp, cũng như tính chất tái diễn của của bệnh. Nguy cơ ung thư tuỵ đối với nhóm bệnh nhân này thay đổi qua các báo cáo từ 20% đến 40% tại thời điểm 70 tuổi. Đáng chú ý, nguy cơ này có thể tăng gấp đôi trên những bệnh nhân có thêm yếu tố hút thuốc lá.

Biên dịch: BSNT. Trần Trung Bách

  1. Tummala P, Tariq SH, Chibnall JT, Agarwal B. Clinical predictors of pancreatic carcinoma causing acute pancreatitisPancreas. 2013;42(1):108-13.
  2. Munigala S, Kanwal F, Xian H, Scherrer JF, Agarwal B. Increased risk of pancreatic adenocarcinoma after acute pancreatitis. Clin Gastroenterol Hepatol. 2014 Jul;12(7):1143-1150.
  3. Sankaran SJ, Xiao AY, Wu LM, Windsor JA, Forsmark CE, Petrov MS. Frequency of progression from acute to chronic pancreatitis and risk factors: a meta-analysisGastroenterology. 2015;149(6):1490.
  4. Lowenfels AB, Maisonneuve P, DiMagno EP, et al. Hereditary pancreatitis and the risk of pancreatic cancer: International Hereditary Pancreatitis Study GroupJ Natl Cancer Inst. 1997;89(6):442.
  5. Rebours V, Boutron-Ruault MC, Schnee M, et al. The natural history of hereditary pancreatitis: a national seriesGut. 2009;58(1):97.
  6. LaRusch J, Barmada MM, Solomon S, Whitcomb DC. Whole exome sequencing identifies multiple, complex etiologies in an idiopathic hereditary pancreatitis kindredJOP. 2012;13(3):258.

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *