Xạ trị với mức liều cao hơn khuyến cáo chuẩn hiện nay, không cho thấy có cải thiện kết quả kiểm soát bệnh tại chỗ và thời gian sống thêm cho các bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn tiến triển tại chỗ, không thể phẫu thuật. Kết luận từ thử nghiệm lâm sàng pha III ARTDECO, đã được các tác giả Hà Lan báo cáo tại hội nghị ung thư tiêu hoá vừa qua (San Francisco, Mỹ).
Tái phát tại vị trí u nguyên phát và hạch vùng vẫn có tỷ lệ cao sau hoá xạ trị đồng thời triệt căn ung thư thực quản. Trên phương diện lý thuyết, các hiểu biết về sinh học bức xạ cho thấy tổng liều 50,4 Gy, mức liều chuẩn được khuyến cáo hiện nay, “chưa đủ” cho mục tiêu điều trị triệt căn ung thư thực quản. Do đó, chiến lược nâng liều xạ, đảm bảo các giới hạn liều đến cơ quan lành lân cận nhờ các kỹ thuật xạ trị tiến bộ, vẫn được kỳ vọng sẽ mang đến những kết quả khả quan hơn.
Thử nghiệm INT 0123 (RTOG 94-05, 2002) là một trong những dấu mốc quan trọng cho những nỗ lực nhằm leo thang liều xạ trong ung thư thực quản. Nghiên cứu này đã phải sớm kết thúc với kết quả cho thấy so với mức liều tiêu chuẩn (50,4 Gy), mức liều cao (64,8 Gy) không mang lại lợi ích về sống thêm toàn bộ, tỷ lệ OS 2 năm hay tỷ lệ kiểm soát bệnh tại chỗ-tại vùng. Sau gần 20 năm, xu hướng nghiên cứu này vẫn tiếp tục được đặt nhiều hy vọng, với cơ sở dựa trên những tiến bộ mới trong xạ trị cũng như trong điều trị ung thư nói chung.
Trong thử nghiệm đa trung tâm ARTDECO, pha 3, ngẫu nhiên, có đối chứng, 260 bệnh nhân đã được tuyển chọn với chẩn đoán xác định ung thư thực quản, giai đoạn lâm sàng T2-4, N0-3, M0, không được phẫu thuật.
Các BN tham gia NC được phân nhóm ngẫu nhiên nhận phác đồ hoá xạ trị đồng thời triệt căn với mức liều tiêu chuẩn 50,4 Gy hoặc mức liều cao 61,6 Gy (Liều boost 0,4 Gy/phân liều được thực hiện tại khối u nguyên phát, đồng thời với phân liều 1,8 Gy/ngày). Phác đồ hoá trị kết hợp Paclitaxel (50 mg/m2) và Carboplatin (AUC 2) trong 6 chu kỳ hàng tuần.
Tiêu chí chính của ARTDECO: Sống thêm không có bệnh tiến triển tại chỗ (LPFS – Local Progression-Free Survival)
Tiêu chí phụ: Thời gian sống thêm không có tiến triển tại chỗ-tại vùng (LRPFS – Local Regional Progression-Free Survival), Sống thêm toàn bộ (OS) và độc tính.
Nghiên cứu được thực hiện từ 2012 đến tháng 6/2018, tại thời điểm phân tích số liệu, trung vị thời gian theo dõi là 45 tháng. Hầu hết các BN hoàn thành phác đồ điều trị trong NC: Xạ trị (94%), ít nhất 5 chu kỳ hoá trị (85%).
Một số kết quả đáng chú ý:
– Tỷ lệ LPFS sau 3 năm tương ứng lần lượt là 70% và 76% ở nhành liều chuẩn và nhánh liều cao, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Phân tích dưới nhóm theo thể mô bệnh học (SCC chiếm 61% BN NC) cho thấy khác biệt có xu hướng rõ nét hơn với ung thư biểu mô tế bào vảy (Nhánh liều thấp: 74%; Nhánh liều cao: 81%), tuy nhiên, khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.
– Tương tự, tỷ lệ LRPFS sau 3 năm lần lượt đạt 53% (Liều chuẩn) và 63% (Liều cao), khác biệt không có ý nghĩa (P= 0,08). OS 3 năm lần lượt đạt 41% (Liều chuẩn) và 40% (Liều cao).
– Về các tiêu chí an toàn, tỷ lệ biến cố không mong muốn độ 4 và 5 được ghi nhận lần lượt 12%, 4% với nhánh Liều thấp và 14%, 10% với mức liều 61,6 Gy.
Khi bàn luận những kết quả nổi bật trong NC ARTDECO, TS Sara Lonardi, viện Ung thư Veneto (Ý) nhận thấy tỷ lệ độc tính được báo cáo cao hơn so với những gì ghi nhận được từ một NC khác gần đây tại trung tâm MD Anderson (Houston, Texas, Hoa Kỳ). Thử nghiệm pha 1/2 này cho thấy hoá xạ đồng thời với liều Boost thực hiện đồng thời (63 Gy) vẫn có thể được dung nạp tốt và đạt kết quả kiểm soát bệnh tại chỗ tại vùng khả quan. TS Sara Lonardi nhận định có thể sự khác biệt về mức độ độc tính và khả năng dung nạp lý giải cho kết quả của liệu trình hoá xạ trị.
Bên cạnh tổng liều cao, những lợi ích ghi nhận được có thể liên quan nhiều hơn đến chiến lược xạ trị giảm số phân liều (Hypofractionated radiation therapy). Đây là nhận xét của nhiều tác giả khi thử nghiệm INT 0123 trước đó, thậm chí, không cho thấy lợi ích của liều Boost nếu được thực hiện tuần tự (64,8 Gy).
Sau một chặng được dài, chúng ta lại quay về vạch xuất phát, và mức liều tiêu chuẩn cho ung thư thực quản vẫn là 50-50.4 Gy. Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu chấm hết cho ý tưởng NC này, chiến lược xạ trị giảm số phân liều có thể sẽ là chìa khoá quan trọng cho các thử nghiệm sắp tới.
Đại diện nhóm tác giả TS Maarten C.C.M Hulshof, Trung tâm Y Khoa, Đại học Amsterdam.