Với ung thư đại trực tràng (UTĐTT) giai đoạn 4, cắt bỏ khối u nguyên phát theo sau bởi hóa trị được xác định không mang lại lợi ích về sống thêm hơn so với hóa trị đơn thuần. Phẫu thuật cắt bỏ khối u nguyên phát không còn được khuyến cáo trong những trường hợp khối u không gây triệu chứng và kèm theo các tổn thương di căn không có khả năng cắt bỏ.
Đây là nhận định từ kết quả một thử nghiệm pha III, ngẫu nhiên, có đối chứng, đa trung tâm, iPACS JCOG1007 được báo cáo tại Hội nghị Ung thư tiêu hóa của Hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) 23-25/1/2020.
Bác sĩ Yukihide Kanemitsu, cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Trung tâm Ung thư Quốc gia (Tokyo, Nhật Bản), đã tiến hành iPACS JCOG1007 với thiết kế nghiên cứu nhằm xác nhận chiến lược điều trị bao gồm phẫu thuật cắt khối u nguyên phát kết hợp hóa trị sau đó tốt hơn chiến lược hóa trị đơn thuần cho những bệnh nhân UTĐTT giai đoạn 4, không còn khả năng điều trị “triệt căn”.
TS Kanemitsu nói về những nhược điểm của phẫu thuật trong những trường hợp này:
– Trì hoàn thời điểm bắt đầu các liệu pháp toàn thân, phương án điều trị chủ đạo cho giai đoạn bệnh di căn.
– Người bệnh phải chấp nhận các nguy cơ của phẫu thuật (Biến chứng trong gây mê, phẫu thuật).
Tuy nhiên, phẫu thuật giúp ngăn chặn sự xuất hiện các biến chứng liên quan đến khối u nguyên phát (Như tắc ruột, chảy máu, thủng tạng rỗng…), khi xảy ra một mặt ảnh hưởng tiêu cực đến kết cục điều trị, bên cạnh đó, có thể cần thiết một can thiệp ngoại khoa cấp cứu, với nguy cơ tai biến trong và sau mổ cao hơn. Hơn nữa, việc loại bỏ được khối u nguyên phát có thể có tác động tích cực đến kết quả sống thêm toàn bộ. Thông qua các cơ chế vẫn chưa được giải thích tường tận, nhiều bài báo gần đây gợi mở lợi ích về sống thêm của cắt bỏ khối u nguyên phát so với các trường hợp không được phẫu thuật. Những nghiên cứu này chủ yếu dựa trên phân tích hồi cứu, không có phân nhóm ngẫu nhiên hay ghi nhận chỉ định của phẫu thuật một cách rõ ràng. Chính vì vậy, các tác giả Nhật Bản cho rằng những nghiên cứu này có nhiều nguy cơ sai số và dẫn đến kết quả không chính xác.
Những năm gần đây, khi các liệu pháp toàn thân tiến bộ, giúp ngày càng nhiều bệnh nhân UTĐTT giai đoạn di căn, đạt được kết quả sống thêm kéo dài (>2 năm), vai trò của phẫu thuật trong điều trị bước đầu cần được xem xét lại và các bằng chứng từ thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên là một đòi hỏi bức thiết.
Thử nghiệm iPACS JCOG1007 được tiến hành trên những bệnh nhân có chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tuyến của đại tràng hay đoạn trực tràng cao (Có mô bệnh học), giai đoạn cT1-T4 không xâm lấn các cơ quan lân cận, có <= 3 tổn thương di căn (Gan, phổi, hạch không phải hạch vùng hay phúc mạc) không thể cắt bỏ, trong độ tuổi 20-74, không có triệu chứng gây ra do u nguyên phát và toàn trạng tốt (PS 0-1).
Các bệnh nhân thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn được phân ngẫu nhiên nhận điều trị bao gồm phẫu thuật cắt u nguyên phát + hóa trị sau đó, hoặc hóa trị đơn thuần. Phác đồ hóa trị được lựa chọn bao gồm mFOLFOX6 + bevacizumab hoặc CapeOX + bevacizumab. Tiêu chí chính của NC là thời gian sống thêm toàn bộ (OS).
Từ năm 2012 đến 2019, 160 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu. Trong đó, 78 bệnh nhân ở nhánh điều trị phẫu thuật và hóa trị (PT + HT), 82 BN hóa trị đơn thuần (HTĐT).
Sau thời gian theo dõi trung vị 22 tháng, báo cáo tại ASCO GI 2020 cho thấy kết quả trung vị OS lần lượt là:
– Nhánh PT + HC: 25.9 tháng (CI 95% 19.9-31.5 tháng)
– Nhánh HTĐT: 26.7 tháng (CI 95% 21.9-32.5 tháng), tỷ số HR 1.10 (CI 95% 0.76 – 1.59), khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
Trung vị thời gian sống thêm không tiến triển (PFS):
– Nhánh PT + HC: 10.4 tháng (CI 95% 8.6-13.4 tháng),
– Nhánh HTĐT: 12.1 tháng (CI 95% 9.4-13.2 tháng), tỷ số HR 1.08 (CI 95% 0.77-1.50), khác biệt cũng không có ý nghĩa thống kê.
Cùng thời điểm iPACS JCOG1007 bắt đầu được thực hiện, một loạt thử nghiệm lâm sàng có đối chứng về chủ đề nghiên cứu sôi nổi này cũng được tiến hành, như SYNCHRONOUS tại Đức, CAIRO4 tại Hà Lan, CCRe-IV tại Tây Ban Nha, CLIMAT tại Pháp, thử nghiệm PTR của Hàn Quốc hay một nghiên cứu đa trung tâm khác của Trung Quốc.
Cho đến nay, iPACS JCOG1007 được xem là thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng đầu tiên, cho thấy không có lợi ích về sống thêm của can thiệp phẫu thuật cắt u nguyên phát so với hóa trị đơn thuần ở các bệnh nhân UTĐTT giai đoạn tiến xa, không còn cơ hội điều trị triệt căn.
“Phẫu thuật cắt khối u nguyên phát + Hóa trị không nên được quyết định điều trị cho bệnh nhân UTĐTT giai đoạn tiến xa với <= 3 tổn thương di căn không thể cắt bỏ. Hóa trị hay điều trị toàn thân là lựa chọn điều trị tiêu chuẩn cho những bệnh nhân này.”
Đại diện nhóm tác giả Nhật Bản, TS Kanemitsu đưa ra nhận định.