Tác dụng phụ khi điều trị hóa chất

Điều trị hóa chất giúp tiêu diệt các tế bào ung thư đang nhân lên, nhưng cũng gây hại cả cho các tế bào lành của cơ thể, gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Tế bào ung thư là các tế bào phân bào rất nhanh. Hóa chất sẽ nhắm vào các tế bào đang phân chia này. Một số tế bào lành của cơ thể cũng có tốc độ phân bào cao, và bị “chọn nhầm” vào mục tiêu tiêu diệt của hóa chất. Mỗi loại hóa chất lại gây ra những tác dụng phụ khác nhau, những tác dụng phụ này biểu hiện khác nhau trên từng người bệnh.
Các yếu tố liên quan tới tác dụng phụ của hóa chất bao gồm: các phương pháp điều trị đang áp dụng, thể trạng, tuổi, lối sống… Một số bệnh nhân hầu như không chịu một tác dụng phụ nào, nhưng có bệnh nhân lại gặp khá nhiều tác dụng phụ cùng lúc. Đa số tác dụng không mong muốn này sẽ sớm kết thúc khi dừng điều trị, nhưng cũng có một số tác dụng phụ kéo dài.
Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng bởi hóa chất điều trị ung thư, nhưng hay gặp nhất là ống tiêu hóa, tóc, tủy xương, miệng, cơ quan sinh sản…
Hệ thống tuần hoàn và miễn dịch
tuanhoan
Khi điều trị hóa chất, tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cần được theo dõi hàng ngày, bởi vì hóa chất có thể gây độc cho tủy xương, nơi tế bào được sản sinh. Oxy được hồng cầu vận chuyển tới các cơ quan. Cơ thể không thể sản xuất đủ hồng cầu gây nên tình trạng thiếu máu, cơ thể trở nên mệt mỏi, kiệt sức. một số triệu chứng khác có thể gặp như: chóng mặt, da xanh-nhợt, khó tập trung…
Hóa chất còn làm giảm bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính. Bạch cầu có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Giảm bạch cầu sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch do điều trị hóa chất cần tránh tiếp xúc với các tác nhân như virus, vi khuẩn, và các vi sinh vật gây bệnh khác.
Tiểu cầu là một tế bào máu giúp đông và cầm máu. Giảm tiểu cầu làm cơ thể dễ chảy máu. Triệu chứng hay gặp khi số lượng tiểu cầu thấp là chấm xuất huyết nhỏ trên da, chảy máu mũi, nôn máu, ỉa máu, kinh nguyệt ra nhiều bất thường…
Một vài hóa chất còn gây suy tim, rối loạn nhịp tim. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả bơm máu của tim. Một số hóa chất làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tuy nhiên tác dụng phụ này hiếm xảy ra trên bệnh nhân không có tiền sử bệnh tim mạch trước khi điều trị hóa chất.
Hệ Thần Kinh, hệ cơ
nao
Hệ thần kinh trung ương điều khiển cảm xúc, suy nghĩ, điều hòa cơ thể. Hóa chất có thể gây nên các vấn đề về trí nhớ, tập trung. Các rối loạn nhận thức mức độ nhẹ có thể hết sau khi dừng điều trị hóa chất, hoặc kéo dài một vài năm sau. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp nặng có thể tăng thêm tình trạng lo lắng và stress của bệnh nhận
Hóa tri liệu có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như đau, yếu cơ, tê chi (viêm dây thần kinh ngoại biên). Các cơ yếu, đau nhức và run. Các phản xạ và kĩ năng vận động chậm chạp hơn trước. Ngoài ra còn vài vấn đề khác ít gặp hơn là rối loạn thăng bằng và phối hợp động tác.
Hệ tiêu hóa
tieu-hoa
Một vài tác dụng phụ hay gặp nhất thuộc về đường tiêu hóa. Khô và loét miệng làm bệnh nhân nhai và nuốt gặp khó khăn. Loét có thể nhiều vị trí như lưỡi, môi, lợi, hoặc họng. Khô miệng khiến người bệnh dễ bị chảy máu và nhiễm trùng. Nhiêu bệnh nhân cảm thấy có vị kim loại trong miệng, các đám trắng hoặc vàng trong miệng. Khẩu vị bị thay đổi và không thấy ngon miệng.
Tác động của hóa chất gây hại lên biểu mô đường tiêu hóa. Buồn nôn và nôn rất hay thường gặp. Tuy nhiên, triệu chứng này được điều trị khá hiệu quả bằng thuốc chống nôn mỗi khi điều trị hóa chất cho bệnh nhân.
Một vài tác dụng phụ có thể gặp như phân lỏng và tiêu chảy. Một vài bệnh nhân lại bị táo bón. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần uống nước đầy đủ.
Một số bệnh nhân cảm thấy không muốn ăn, đầy bụng làm bệnh nhân sút cân và mệt mỏi. Vì vậy việc duy trì chế độ ăn uống đầy đủ cho bệnh nhân điều trị hóa chất là một vấn đề rất quan trọng.
Hệ da, tóc, móng
da
Nhiều hóa chất gây rụng tóc sau vài tuần điều trị. Ngoài rụng tóc hóa chất còn gây rụng lông mày, lông mi và lông trên người. Tuy nhiên tác dụng phụ này chỉ nhất thời, tóc sẽ mọc lại như bình thường sau một thời gian dừng điều trị hóa chất.
Một vài trường hợp da bị khô, ngứa và phát ban. Triệu chứng tăng lên khi tiếp xúc với ánh nắng. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc mỡ bôi trên da để giảm nhẹ tác dụng phụ này.
Móng tay, móng chân mọc chậm, dễ gãy và bị chuyển màu nâu hoặc vàng. Một số trường hợp nặng, giường móng có thể bị bong ra, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng, vì thế cần hướng dẫn cho bệnh nhân cách chăm sóc vệ sinh hàng ngày.
Cơ quan sinh dục – sinh sản
sex
Hóa chất điều trị ung thư ảnh hưởng tới hormone. Những thay đổi hormone ở phụ nữ có thể làm rối loạn kinh nguyệt hoặc tắt kinh bất thường. Hóa chất có thể gây khô âm đạo, khiến cho bệnh nhân không thoải mái trong quan hệ tình dục, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng cơ quan sinh dục. Điều trị hóa chất trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Ở nam giới một số hóa chất có thể ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng tinh trùng. Ảnh hưởng này có thể tạm thời, nhưng cũng có thế lâu dài.
Hệ tiết niệu
tiet-nieu
Thận phải tăng “công suất” làm việc để thải bớt hóa chất điều trị. Trong quá trình thải độc đó, thận và bàng quang có thể bị tổn thương. Một vài triệu chứng có thể gặp gồm giảm lượng nước tiểu, phù tay chân và đau đầu. Tổn thương bàng quang làm khiến bệnh nhân tiểu buốt, tiểu nhiều lần. Bệnh nhân được khuyên nên uống nhiều nước để thận thải bớt chất độc, duy trì hoạt động chức năng cơ quan của cơ thể hiệu quả. Một số thuốc khiến nước tiểu chuyển màu đỏ hoặc vàng trong vài ngày, tuy nhiên đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Hệ xương 
xuong
Đa số bệnh nhân đặc biệt ở phụ nữ, sẽ bị giảm mật độ xương khi lớn tuổi. Hóa chất làm giảm nồng độ Canxi trong máu, đẩy nhanh quá trình loãng xương, gây nên chứng loãng xương liên quan đến ung thư, đặc biệt là ở phụ nữ đã mãn kinh hoặc ở phụ nữ bị mất kinh khi điều trị hóa chất.
Theo học viện sức khỏe quốc gia Hoa Kì (NIH), phụ nữ điều trị ung thư vú tăng nguy cơ bị loãng xương và gãy xương. Điều này do ảnh hưởng của các thuốc điều trị khác làm giảm nồng độ estrogen. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương. Các vị trí hay gặp gãy xương là cột sống, cổ xương đùi và cổ tay.
Tâm lí và cảm xúc
tamli
Sống chung với ung thư và phải điều trị hóa chất là vấn đề rất khó khăn với người bệnh. Bệnh nhân cảm thấy lo lắng, stress, hay cáu gắt vì các ảnh hưởng lên ngoại hình và các vấn đề sức khỏe khi điều trị hóa chất. Một số bệnh nhân bị trầm cảm. Công việc, tài chính, trách nhiệm với gia đình trong khi đang phải điều trị ung thư dường như quá sức với bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân ung thư được áp dụng các liệu pháp giảm nhẹ như massage, châm cứu, thuốc giảm đau. Khi có bất kì vấn đề khó khăn gì, bệnh nhân hãy chia sẻ với bác sĩ và người thân. Nếu cần thiết, các chuyên gia về tâm lí sẽ được chỉ định để giúp bệnh nhân yên tâm và thoải mái trong quá trình điều trị.

Nguồn: http://www.healthline.com/health/cancer/effects-on-body

Biên soạn: BS Hà Thanh Kiên

Về Hà Thành Kiên

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *