Những nội dung chính
Ngay từ những thời kỳ đầu tiên, các bác sĩ đã bị bối rối về nguyên nhân của ung thư. Người Ai Cập đổ lỗi bệnh ung thư cho Chúa trời.
1. Thuyết thể dịch
Hippocrates tin rằng cơ thể người có 4 loại dịch: máu, đờm, mật vàng (yellow bile) và mật đen (black bile). Khi các dịch cân bằng, cơ thể khỏe mạnh. Ông tin rằng quá nhiều hay quá ít một dịch nào đó sẽ dẫn đến bệnh. Có quá nhiều mật đen trong những vùng cơ thể khác nhau được cho là nguyên nhân dẫn đến ung thư. Thuyết về ung thư này được truyền bá bởi người La Mã và được nhân rộng dưới ảnh hưởng do sự dạy nghề y của bác sĩ Galen, vẫn được xem là một chuẩn mực không đổi qua hơn 1300 năm của thời kỳ Trung cổ. Trong suốt giai đoạn này, sự nghiên cứu về cơ thể, bao gồm giải phẫu tử thi, bị ngăn cấm vì những lý do tôn giáo, đã làm chậm sự phát triển của những kiến thức y học.
2. Thuyết bạch huyết
Nằm trong số các thuyết thay thế cho thuyết thể dịch, thuyết này cho rằng sự tạo thành của ung thư do một dịch cơ thể khác, bạch huyết. Người ta tin rằng sự sống tồn tại nhờ sự lưu thông liên tục và thích hợp của phần dịch qua những phần đặc của cơ thể. Trong tất cả thì máu và bạch huyết là quan trọng nhất. Stahl và Hoffman đưa ra giả thuyết rằng ung thư được tạo nên bởi sự len men và thoái hóa bạch huyết, biến đổi tỷ trọng, độ toan kiềm. Thuyết bạch huyết nhanh chóng có được sự ủng hộ. John Hunter, phẫu thuật viên người Scotland ở thế kỷ 18, nhất trí rằng các khối u phát triển khi bạch huyết liên tục bị đẩy ra bởi dòng máu.
3. Thuyết mầm gốc (Blastema theory)
Năm 1838, nhà bệnh học người Đức Johannes Muller đã chứng minh rằng ung thư được tạo nên bởi những tế bào chứ không phải bạch huyết, nhưng ông tin rằng tế bào ung thư không phải là những tế bào bình thường. Muller đề xuất rằng những tế bào ung thư phát triển từ những thành phần bắt đầu sinh trưởng (blastema) giữa những tế bào bình thường. Sinh viên của ông, Rudolph Virchow (1821-1902), một nhà bệnh học người Đức nổi tiếng, đã xác định rằng tất cả tế bào bao gồm cả những tế bào ung thư được bắt nguồn từ những tế bào khác.
4. Thuyết kích thích mạn tính
Virchow đề xuất rằng sự kích thích mạn tính là nguyên nhân gây ung thư, nhưng ông đã không đúng khi tin rằng ung thư “lan ra giống cách của một loại dịch”. Năm 1860, phẫu thuật viên người Đức, Karl Thiersh, đã chỉ ra rằng ung thư di căn thông qua sự lan tràn của các tế bào ác tính chứ không phải qua một loại dịch chưa xác định nào.
5. Thuyết chấn thương
Mặc dù có những tiến bộ trong hiểu biết về ung thư, từ cuối thế kỷ 19 cho đến những năm 1920, một số người cho rằng chấn thương là nguyên nhân gây ra ung thư. Ý kiến này vẫn tồn tại mặc dù đã thất bại trong việc gây ung thư thực nghiệm trên động vật bằng chấn thương.
6. Thuyết bệnh nhiễm khuẩn
Zacutus Lusitani (1575-1642) và Nicholas Tulp (1593-1674), 2 bác sĩ người Hà Lan, đã kết luận gần như cùng lúc rằng ung thư có khả năng lây nhiễm. Họ đưa ra kết luận này dựa trên kinh nghiệm của họ với ung thư vú gặp ở những thành viên trong một gia đình. Lusitani và Tulp công bố thuyết lây nhiễm lần lượt năm 1649 và 1652. Họ đề xuất rằng những bệnh nhân ung thư nên được cách ly, tốt nhất là bên ngoài các thành phố và thị xã, đề ngăn ngừa sự lan rộng của ung thư.
Trong suốt thời gian thế kỷ 17 và 18, một số người tin rằng ung thư là bệnh truyền nhiễm. Thực tế là, bệnh viện điều trị ung thư đầu tiên tại Pháp đã bị buộc phải chuyển ra khỏi thành phố năm 1779 vì người ta sợ bệnh ung thư có thể lan rộng khắp thành phố. Mặc dù tự bản thân bệnh ung thư là không lây nhiễm, nhưng ngày nay người ta biết rằng một số virus, vi khuẩn và ký sinh trùng nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở người.