OARs in RT: Tủy sống

– Nguyên nhân: Được giải thích dựa trên tổn thương mạch máu, tế bào nội mô mạch máu cũng như các tế bào thần kinh đệm gây ra do tia xạ.

– Lâm sàng: Dị cảm (Cảm giác nóng ran, đau nhức, dấu hiệu Lhermitte), tê bì, yếu cơ, rối loạn tự chủ cơ tròn, có thể tiến triển đến hội chứng Brown-Séquard và cuối cùng là mất toàn bộ cảm giác và vận động.

            Hội chứng Brown-Séquard: Liệt cùng bên, mất/giảm cảm giác nông dưới mức tổn thương, mất/giảm cảm gi  ác nhiệt và cảm giác đau đối bên dưới mức tổn thương.

            Dấu hiệu Lhermitte: còn có tên gọi “hiện tượng ghế cắt tóc”, được đặt theo tên nhà thần kinh học người Pháp Jean Lhermitte. Triệu chứng “điện giật” lan dọc tủy sống, có thể xuống các chi, thường khởi phát khi cúi đầu về phía trước hoặc bằng động tác ép vào đỉnh đầu ở tư thế cúi đầu về trước.

– Thời điểm xuất hiện:

Hội chứng Lhermitte thường xuất hiện trong khoảng 2-4 tháng sau xạ trị, tiếp tục dai dẳng hoặc quay trở lại vào tháng thứ 6-9. Dị cảm, tê bì, rối loạn tự chủ cơ tròn có thể xuất hiện sau 6-12 tháng, với hình thái tiến triển kinh điển của tổn thương tủy cắt ngang do tia xạ.

– Liều/thời gian/thể tích:

Giới hạn liều được đồng thuận rộng rãi nhất đến nay với tủy sống, sử dụng thông số liều tối đa (Maximum Dose) là 45 Gy trong 22-25 phân liều. Marcus và Million nhận thấy mức liều 45 Gy với phân liều thường quy, nằm ở phần nằm ngang của đường cong Liều-đáp ứng, tương ứng tần suất gặp độc tính tại tủy sống do tia xạ thấp hơn 0,2%. TD5 và TD50 lần lượt nằm trong khoảng 57-61 Gy và 68-73 Gy.

Từ phân tích QUANTEC, với những bệnh nhân chưa điều trị tia xạ trước đó, mức liều 54 Gy và 61 Gy với phân liều 2 Gy có tần suất gặp tác dụng phụ tại tủy sống tương ứng lần lượt dưới 1% và xấp xỉ 10%. Trong xạ trị định vị lập thể, liều tối đa 13 Gy trong 1 phân liều hay 20 Gy trong 3 phân liều đến tủy sống có nguy cơ gây bệnh lý tủy do tia xạ dưới 1%. Mức liều BED an toàn với tủy sống có thể lên đến 100 Gy ở lần xạ trị đầu tiên.

Một tổng kết từ các nghiên cứu về xạ trị lại cho thấy các tổn thương tủy sống do tia xạ không có biểu hiện lâm sàng, có khả năng hồi phục 25% sau kết thúc xạ trị 6 tháng và tiếp tục cải thiện trong 2 năm tiếp theo.

– Các yếu tố làm thay đổi đáp ứng: Bệnh nhân trẻ em hoặc kết hợp đồng thời Metrotrexate đường nội tủy hoặc tĩnh mạch, Cisplatin hay Etoposide có thể làm tăng độc tính thần kinh của xạ trị.

– Đặc điểm hình ảnh: Cộng hưởng từ cho thấy tủy sống phù nề hoặc teo, giảm tín hiệu trên chuỗi xung T1, hoặc tăng tín hiệu trên T2.

– Chẩn đoán phân biệt: Di căn ngoài màng cứng hoặc di căn cột sống chèn ép tủy, chèn ép tủy sống, rễ thần kinh do các nguyên nhân lành tính cần được loại trừ .

– Chẩn đoán bệnh học: Chỉ có thể thực hiện trên giải phẫu tử thi.

– Quản lý: Bệnh lý tủy sống do tia xạ được xem là một quá trình không thể hồi phục hoàn toàn. Corticoid là thuốc được lựa chọn, sử dụng liều cao đường tĩnh mạch như ở bệnh nhân đa xơ cứng: Methylprednisone 1000mg tĩnh mạch 3-5 ngày, sau đó giảm dần liều đến mức liều tối thiểu có hiệu quả. Bên cạnh đó, liệu pháp Oxy cao áp có thể được cân nhắc chỉ định.

– Theo dõi: Chăm sóc điều dưỡng và phục hồi chức năng tích cực cần được thực hiện.

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *