Tình trạng đột biến EGFR giúp dự báo kết quả điều trị bằng xạ trị định vị đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não
Mục đích:
Làm rõ liệu đột biến gen EGFR có ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng và kết quả điều trị ở các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não, được điều trị bước đầu bằng xạ trị định vị các tổn thương di căn não.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:
147 BN ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não được điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc Gia Đài Loan từ 2008 đến 2015. Các BN được điều trị bước đầu với xạ trị định vị (Cyberknife) tổn thương di căn não sau đó điều trị toàn thân với hoá trị hoặc TKIs tuỳ theo tình trạng đột biến EGFR.
Đáp ứng tại tổn thương não được đánh giá bằng chẩn đoán hình ảnh sau xạ trị mỗi 2-3 tháng, dựa trên RECIST 1.1.
2 tiêu chí BPFS (Thời gian sống thêm không có tiến triển tại não) và OS (Sống thêm toàn bộ) ghi nhận được ở 2 nhóm BN có hoặc không có đột biến EGFR (nhạy cảm TKIs) là cơ sở đánh giá ảnh hưởng của đột biết EGFR đến kết quả điều trị bệnh.
Một số kết quả đáng chú ý:
– Trung vị thời gian theo dõi: 13,5 tháng. 65% BN có đột biến EGFR nhạy cảm thuốc.
– Nhóm BN có đột biến EGFR có tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn trên chẩn đoán hình ảnh cao hơn: 38% vs 16%, p<0,01. Trung vị thời gian xuất hiện tổn thương mới sau xạ trị dài hơn có ý nghĩa ở nhóm EGFR đột biến (17 vs 10,5 tháng, p=0,02). Phân tích đa biến cho thấy tình trạng EGFR đột biến nhạy cảm thuốc có ý nghĩa độc lập trong dự báo BPFS tốt hơn với HR=0,55, p=0,048.
Kết luận của các tác giả:
Với những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não được điều trị xạ trị định vị tại não, EGFR đột biến đi kèm với dự báo đáp ứng tại não tốt hơn với BPFS kéo dài hơn. Phối hợp xạ trị định vị và TKIs cho nhóm BN này được khuyến khích lựa chọn.
Một số điểm cần lưu ý khi đánh giá ý nghĩa của các kết quả nghiên cứu:
– Đột biến EGFR được xác định từ bệnh phẩm sinh thiết tại phổi hoặc hạch di căn.
– Thử nghiệm chỉ được tiến hành tại 1 trung tâm, cỡ mẫu không lớn, tính thuần nhất của nhóm đối tượng nghiên cứu không cao (rất khác nhau về số lượng, kích thước tổn thương di căn não, tổn thương di căn ngoài não, điều trị sau xạ trị…) là những nhược điểm đáng chú ý của NC này.
– Rõ ràng lợi ích của xạ trị định vị đối với tổn thương não sẽ chồng chéo với tác động của thuốc TKIs đến các tổn thương này.
Bài liên quan: https://ungthuhoc.vn/ung-thu-phoi-di-can-nao-2017/
Link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29111173
Biên soạn: BSNT Trần Trung Bách