Trong nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch điều trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng, các nhà khoa học ở Viện Ung thư quốc gia Hoa Kì (NCI) đã tìm ra một phương pháp điều trị đích ngắm vào protein do đột biến gen KRAS sinh ra. Nghiên cứu được xuất bản trên tạp trí “New England Journal of Medicine” 8/12/2016 do Tiến sĩ Steven A. Rossenberg, Viện Ung thư quốc gia Hoa Kì (NCI).
Hơn 30% ung thư ở người do các đột biến liên quan đến nhóm gen RAS, gồm 3 gen: KRAS, NRAS, và HRAS. Đột biến gen KRAS liên quan đến 95% ung thư tụy và 45% ung thư đại trực tràng. Đột biến G12D là dạng đột biến phổi biến nhất của gen KRAS, ước tính có khoảng hơn 50.000 ca ung thư mới mắc có liên quan tới đột biến này. Chính vì vậy, cả thế giới đang nỗ lực để có thể tìm ra liệu pháp điều trị đích đột biến gen RAS, tuy nhiên kết quả mang lại không nhiều.
Nhóm của tiến sĩ Rossenberg đã nghiên trên một bệnh nhân ung thư đại trực tràng có di căn phổi, mang đột biến gen KRAS G12D. Các nhà khoa học đã tách được dòng tế bào lympho thâm nhiễm trong những nốt di căn phổi này. Đây là những tế bào bạch cầu lympho di chuyển từ máu tới khối u, được viết tắt là TIL (tumor infiltrating lymphocytes).
Các tế bào TIL được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm tới một số lượng đủ lớn sẽ được tiêm trở lại tĩnh mạch bệnh nhân. Sau khi được tiêm TIL, tất cả cả 7 nốt di căn phổi của bệnh nhân đều biến mất, và bệnh không tiến triển trong 9 tháng.
Sau 9 tháng, bệnh nhân xuất hiện một tổn thương mới ở phổi, sau đó được phẫu thuật lấy bỏ tổn thương. Tổn thương mới ở phổi mang đột biến mất đoạn ở nhiễm sắc thể số 6, trong đó có gen HLA-C*0802. Các Protein được tổng hợp từ gen này là các kháng nguyên trên màng tế bào và được trình diện cho hệ miễn dịch cơ thể. Hệ miễn dịch nhận diện các kháng nguyên này như là các thành phần ngoại lai với cơ thể, và sẽ có các đáp ứng miễn dịch chống lại các tế bào bộc lộ kháng nguyên này trên bề mặt. Trong trường hợp bệnh nhân này, do đột biến mất đoạn ở nhiễm sắc thể số 6, nên hệ miễn dịch không nhận diện được các tế bào ung thư, các tế bào ung thư tiếp tục phát triển nhân lên. Sau khi được phẫu thuật, thời gian bệnh không tiến triển kéo dài thêm 8 tháng.
Tiến sĩ Rossenberg phát biểu đầy phấn khởi: “Nghiên cứu này đã chứng minh hiệu quả của liệu pháp miễn dịch truyền TIL cho bệnh nhân ung thư có đột biến gen KRAS G12D. Chúng tôi đã xác định được các receptor của tế bào lympho T gắn với sản phẩm của gen KRAS, từ đó mở ra một liệu pháp miễn dịch mới có thể điều trị cho nhiều loại ung thư có đột biến gen hay gặp này”
Nguồn:
Tran E, Rosenberg SA, et al. T-cell transfer therapy targeting mutant KRAS in cancer. December 8, 2016. NEJM. DOI:NEJMoa1609279.
https://www.cancer.gov/news-events/press-releases/2016/immunotherapy-targets-kras