Cho đến nay, hầu hết các hướng dẫn thực hành lâm sàng đều khuyến cáo thăm khám lâm sàng kết hợp Xquang ngực (6 tháng/lần trong 2 năm đầu tiên, sau đó hàng năm) trong theo dõi sau điều trị các trường hợp UTPKTBN được phẫu thuật. Tuy nhiên, phải chờ đến ESMO 2017, chúng ta mới có được cơ sở thuyết phục từ 1 thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng cho những khuyến cáo này.
TS Virgine Westeel, thay mặt các tác giả đến từ Nhóm hợp tác Ung thư lồng ngực Pháp, báo cáo kết quả thử nghiệm IFCT 0302 so sánh 2 chiến lược theo dõi “TỐI THIỂU” và “TỐI ĐA” UTPKTBN sau mổ:
Tổng số 1775 bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn I, II và IIIA sau phẫu thuật, tham gia vào nghiên cứu, được phân ngẫu nhiên thành 2 nhóm tương ứng với 2 chiến lược theo dõi sau điều trị. Sau thời gian theo dõi trung vị 8,7 năm, kết quả sống thêm ghi nhận được cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về tiêu chí chính của nghiên cứu (OS) giữa 2 nhánh dù có xu hướng cao hơn ở nhóm được theo dõi “TỐI ĐA”: 123,6 tháng so với 99,7 tháng (HR=0,94 [0, 81-1,08], p=0,37).
Nhận thấy 2 đường cong sống thêm bắt đầu có chênh lệch rõ tử thời điểm 8 năm, nhóm nghiên cứu quyết định tiến hành 1 phân tích bổ sung sau khi kéo dài thời gian theo dõi thêm 2 năm.
Kết quả cho thấy: Với những bệnh nhân xuất hiện tái phát trong vòng 24 tháng sau điều trị, OS không khác biệt giữa 2 chiến lược theo dõi. Tuy nhiên, với nhóm bệnh nhân không tái phát sau 24 tháng đầu tiên này, OS dài hơn có ý nghĩa ở nhánh được theo dõi “TỐI ĐA” với p=0,04.
TS. Westeel đưa ra lý giải: “Những bệnh nhân không tái phát sớm có tỷ lệ cao xuất hiện ung thư nguyên phát thứ 2 và sẽ được phát hiện sớm nhờ CLVT trong quá trình theo dõi, chính điều này sẽ mang lại lợi ích về sống thêm cho người bệnh”.
Phát hiện này hé mở 1 chiến lược theo dõi tối ưu cho UTPKTBN sau mổ: TỐI THIỂU trong 2 năm đầu tiên và TỐI ĐA (CLVT hàng năm) cho những năm tiếp theo.
Biên soạn: BS Trần Trung Bách