Cập nhật về điều trị hóa chất trong ung thư dạ dày|| Phần 2

Kết quả thử nghiệm trên lâm sàng

Đơn hóa trị liệu với S1 so sánh với một số phác đồ điều trị khác

Mitsuru Sasako đã nghiên cứu về hóa trị bổ trợ điều trị ung thư dạ dày và tổng hợp được một bảng kết quả thử nghiệm lâm sàng của một số phác đồ hóa trị liệu [8].

Một nghiên cứu tại New York, Mỹ do Mac Donald và cộng sự tiến hành để đánh giá hiệu quả của hóa xạ trị bổ trợ với liều xạ trị 45 Gy và 5 đợt hóa trị 5 FU và leucovorin [9], [10]. Hóa trị bổ trợ hậu phẫu đã mang lại thời gian sống thêm và thời gian không tái phát dài hơn một cách có ý nghĩa thống kê so với nhóm phẫu thuật đơn thuần. Cụ thể, tỷ lệ sống sau 3 năm ở nhóm hóa trị bổ trợ là 50% trong khi con số này ở nhóm phẫu thuật đơn thuần là 41% (HR 1.35, 95%, p=0.005). Mặc dù hóa chất được sử dụng là 5 FU và leucovorin là tương đối cũ nhưng độc tính thấp và khả năng tuân thủ điều trị cao có thể là nhân tố mấu chốt cho thành công của phác đồ này. Tuy nhiên, nghiên cứu này có 2 điểm yếu chính. Thứ nhất là chỉ 10% bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn (nạo vét hạch chặng 2) và như vậy, xạ trị được coi như là phương pháp điều trị bổ trợ cho những hạn chế của phẫu thuật, trong khi đó, phẫu thuật triệt căn là phương pháp điều trị được khuyến cáo trong protocol điều trị đối với các bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Thứ hai là 35% các kế hoạch xạ trị có thay đổi ít hay nhiều. Liều xạ trị này được áp dụng tại Mỹ và được coi là khá cao và cần cân nhắc khi áp dụng cho bệnh nhân ở các nước khác, kể cả Nhật Bản [10].

Một số nghiên cứu khác tại Mỹ cũng đưa ra những kết quả ban đầu rất khả quan của hóa trị bổ trợ so với nhóm phẫu thuật đơn thuần. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu chưa đạt tới cỡ mẫu đủ lớn và không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa các phác đồ điều trị.

Tại Nhật Bản, Nakajima và cộng sự đưa ra phác đồ hóa trị bổ trợ kết hợp mitomycin (MMC 1,4 mg/m2) và 5 FU (166,7 mg/m2) 2 lần / tuần, trong 3 tuần sau đó là uracil – tegafur UFT đường uống (300 mg/ ngày). Nakajima đã nghiên cứu trên 579 trường hợp ung thư dạ dày chưa xâm lấn ra thanh mạc và thấy tỷ lệ sống sau 5 năm giữa nhóm hóa trị và phẫu thuật đơn thuần tương ứng là 85.8% và 82.9% [11].

Nashimoto cũng làm một nghiên cứu tương tự với phác đồ MMC, 5 Fu và cytarabine cùng với UFT đường uống trên 252 bệnh nhân ung thư dạ dày chưa xâm lấn ra thanh mạc trong 2 năm. Kết quả là không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ sống sau 5 năm giữa nhóm hóa trị và nhóm chứng (91.2% so với 86.1%) [12, 9206–1].

Miyashiro sử dụng phác đồ hóa trị bao gồm đổ cisplatin vào ổ bụng phối hợp với 5FU, Cisplatin đường tĩnh mạch và UFT đường uống trong 12 tháng có hiệu quả khá tốt trong giai đoạn ngắn nhưng do độc tính cao nên tỷ lệ tuân thủ điều trị khá thấp là một vấn đề lớn của phác đồ này [13, 9206–2].

Thử nghiệm hóa trị bổ trợ với S1 điều trị ung thư dạ dày (Adjuvant Chemotherapy of TS-1 for gastric cancer) là một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chiếu do chính phủ Nhật Bản tài trợ được thực hiện để đánh giá hiệu quả của đơn hóa trị liệu với S1 áp dụng như là phương pháp bổ trợ sau phẫu thuật ung thư dạ dày nạo vét hạch D2 [7], [14]. Các bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn II, IIIA và IIIB được lựa chọn ngẫu nhiên trong 6 tuần điều trị hậu phẫu để điều trị hóa trị bổ trợ hoặc phẫu thuật đơn thuần. Hóa chất được sử dụng bao gồm các đợt kéo dài 6 tuần với S 1 80 mg/m2 mỗi ngày trong 4 tuần, nghỉ 2 tuần. Thử nghiệm được tiến hành trên 1059 bệnh nhân trong 38 tháng. Tỷ lệ sống sau 3 năm là 80.1% cao hơn hẳn nhóm điều trị phẫu thuật đơn thuần. Ngoài ra, S1 cũng làm giảm tỷ lệ di căn hạch và phúc mạc một cách đáng kể. Đây là thử nghiệm pha III đầu tiên tại Nhật Bản cho kết quả khả quan và mở ra một trang mới trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Hiện nay, tại Nhật Bản, người ta khuyến cáo rằng tiêu chuẩn điều trị ung thư dạ dày giai đoạn II / III là phẫu thuật cắt dạ dày nạo vét hạch chặng 2 và hóa trị bổ trợ hậu phẫu với S1 trong một năm. Tuy nhiên, vấn đề tổng liều và thời gian hóa trị vẫn cần được cân nhắc. Với các trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn muộn hơn, cần xem xét khả năng xạ trị và hóa trị tiền phẫu.

Tuy nhiên, S1 không chỉ được áp dụng để điều trị đơn độc mà còn dùng phối hợp với các hóa chất khác như Taxanes, Cisplatin, Oxaliplatin, Irinotecan.

Đa hóa trị liệu với S1

S-1 phối hợp với Taxanes (Docetaxel)

Mặc dù Docetaxel và S1 có cơ chế hoạt động khác nhau nhưng có tác dụng hiệp đồng cao trong điều trị ung thư dạ dày. Tác dụng hiệp đồng này đã được chứng minh cả in vivo và in vitro là do tác dụng điều hòa sinh tổng hợp và hoạt hóa TS, DPD và OPRT của docetaxel mà các enzym này đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của 5 FU và S1. Phác đồ đa hóa trị liệu S1 – docetaxel đã được triển khai và chấp nhận ở các thử nghiệm pha I, II mặc dù liều dùng có thể thay đổi một chút. Gần đây, thử nghiệm pha III của Yasuhiro K. và cộng sự (JACCRO GC-07 trial) cho kết quả: tỷ lệ sống thêm không bệnh sau 3 năm của nhóm sử dụng phác đồ S1 – docetaxel là 65,9%, so với 49,6% của nhóm điều trị đơn thuần S1 (HR 0.632, 99% CI: 0.400~0.998, p = 0.0007) [15].

Một số nghiên cứu ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đánh giá hiệu quả đơn hóa trị của Docetaxel đối với ung thư dạ dày tiến triển. Mặc dù liều dùng có khác nhau nhưng tỷ lệ đáp ứng điều trị chỉ từ 17 – 24%. Trong khi đó, hiệu quả lâm sàng của phác đồ đa hóa trị S1 phối hợp với docetaxel đã được chấp nhận với tỷ lệ đáp ứng lên đến 45.7% – 56%. Mặc dù phần lớn các thử nghiệm mới chỉ là các thử nghiệm pha I và đánh giá hiệu quả cũng không phải mục tiêu chính nhưng tỷ lệ đáp ứng cao này cũng mở ra rất nhiều triển vọng trong hóa trị ung thư dạ dày.

Triệu chứng nhiễm độc rõ ràng thường gặp nhất của phác đồ S1 phối hợp với Taxanes là hạ bạch cầu. Tuy nhiên, các tác dụng phụ khác thường chỉ ở mức độ nhẹ tới trung bình, do đó, bệnh nhân vẫn tuân thủ được điều trị trong thời gian dài.

S1 phối hợp với Cisplatin

Sự phối hợp của S1 với Cisplatin dựa trên tác dụng ức chế tổng hợp methionine trong tế bào u của cisplatin làm tăng cường khả năng diệt tế bào của 5 FU. Từ khi được thử nghiệm pha I lần đầu năm 1997 tại Nhật Bản, rất nhiều thử nghiệm pha I / II đã được tiến hành và mang lại nhiều kết quả khả quan. Koizumi và cộng sự đã thử nghiệm phác đồ sử dụng S1 kết hợp với Cisplatin để so sánh về hiệu quả điều trị với phác đồ sử dụng S1 đơn thuần [16]. Ở nhóm thứ nhất, S1 được dùng với liều 80 mg/m2 hàng ngày trong 3 tuần, nghỉ 2 tuần (chu kỳ 5 tuần), kết hợp với Cisplatin truyền tĩnh mạch vào ngày thứ 8 và đạt tỷ lệ đáp ứng điều trị là 74%. Ở nhóm thứ hai, S1 được dùng 2 lần / ngày trong 4 tuần liên tiếp và nghỉ trong 2 tuần tiếp theo (chu kỳ 6 tuần) và tỷ lệ đáp ứng điều trị là 53.6%. Như vậy, tỷ lệ đáp ứng điều trị ở nhóm 1 cao hơn hẳn so với nhóm 2. Bên cạnh đó, thời gian sống thêm trung bình của nhóm S1 kết hợp CDDP cao hơn hẳn so với S1 đơn thuần (13 tháng so với 11 tháng).  Một số nghiên cứu khác với liều S1 tương tự cũng cho kết quả đáp ứng điều trị từ 53 – 73% Tỷ lệ nhiễm độc độ 3 hoặc 4 như hạ bạch cầu, thiếu máu, nôn và chán ăn cao hơn ở nhóm đa hóa trị liệu nhưng các tác dụng phụ này đều giảm khi điều trị nội khoa phối hợp. Do đó, Koizumi và cộng sự đã đưa ra kết luận rằng S1 phối hợp với CDDP có thể được coi là phác đồ điều trị hàng đầu đối với ung thư dạ dày tiến triển ở Nhật Bản [16].

Trái ngược với các nghiên cứu tại Nhật và Hàn Quốc ở trên, liều S1 80 mg/m2 không thể sử dụng ở các nước phương Tây do tác dụng phụ gây ỉa chảy cấp nặng. Nghiên cứu dược động học của S1 trên các bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển đã kết luận liều dùng an toàn của S1 ở các nước này là 50 mg / m2. Trong khi đó, liều dùng khuyến cao của Cisplatin là 75 mg/ m2 vào ngày thứ 1 của chu kỳ 4 tuần. Một thử nghiệm pha II đa trung tâm tại Mỹ và Châu Âu đã đưa ra kết quả rất khả quan với tỷ lệ đáp ứng chung với phác đồ nói trên là 51% với mức độ nhiễm độc chấp nhận được.

Một nhóm nghiên cứu khác đã so sánh hiệu quả của 2 phác độ 4 / 2 và 2 / 1 và đưa ra kết luận rằng phác đồ 2 / 1 có tác dụng phụ ít hơn và do đó, tỷ lệ tuân thủ điều trị cao hơn [17].

Bên cạnh Cisplatin, gần đây, các nhà khoa học đã phát triển một dạng platinum thế hệ 3 với cơ chế tác dụng khác với Cisplatin với tác dụng điều trị tương tự nhưng độc tính thấp hơn so với Cisplatin. Đó là Oxaliplatin. Trước đây, Oxaliplatin đã được sử dụng rộng rãi để điều trị ung thư đại tràng tuy nhiên, khi được sử dụng để điều trị ung thư dạ dày tiến triển thì tỷ lệ đáp ứng lên tới 38 – 66.7%. Độ an toàn của phác độ 5FU / Oxaliplatin cũng cao hơn với Cisplatin với  tỷ lệ nhiễm độc độ III, độ IV thấp hơn [18].

Như vậy là nhiều nghiên cứu đa trung tâm tại Nhật Bản và trên thế giới đã thử nghiệm nhiều phác đồ điều trị so sánh 5 FU đơn thuần, S1 đơn thuần, S1 kết hợp với irinotecan và cisplatin và đã đưa ra kết luận rằng S1, một hóa chất đường uống, có kết quả không thua kém và độc tính thấp hơn, do đó, hoàn toàn có thể thay thế 5 FU truyền tĩnh mạch.

Phối hợp S1 và Irinotecan (CPT – 11)

S1 và Irinotecan đều là các hóa chất điều trị ung thư dạ dày đã được sử dụng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tiền lâm sàng gần đây đã đưa ra khả năng phối hợp 2 hóa chất này để tăng cường hiệu quả điều trị. Dựa vào phát hiện này, một số thử nghiệm lâm sàng pha I / II đã được tiến hành ở những người tình nguyện và cho tỷ lệ đáp ứng lên tới hơn 50% và thời gian sống trung bình là hơn 1 năm. Độc tính thấp và độ an toàn cao cũng đã được ghi nhận như là một ưu điểm của phác đồ này [19].

Immamura một lần nữa khẳng định lại hiệu quả của phác đồ này thông qua báo cáo tại Hội nghị chuyên đề Ung thư tiêu hóa năm 2008 với thời gian theo dõi trong 1.5 năm. So sánh nhóm phối hợp S1 và CPT và nhóm điều trị S 1 đơn thuần cho thấy tỷ lệ đáp ứng điều trị (41,5% so với 26.9%), tỷ lệ sống thêm 1 năm (52% so với 44.9%), thời gian sống trung bình (389 ngàyso với 318 ngày) đều tốt hơn. Tác dụng phụ thường gặp nhất là hạ bạch cầu, iả chảy, chán ăn, buồn nôn và nôn với tỷ lệ gặp nhiều hơn ở nhóm S1 + CPT nhưng mức độ nhiễm độc vẫn ở mức chấp nhận được.

Sử dụng S1 trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật hoặc ung thư dạ dày tái phát

Từ cuối thập niên 1980 tới đầu thập niên 1990, Tổ chức nghiên cứu ung thư tiêu hóa Nhật Bản đã tiến hành một số thử nghiệm pha II để đánh giá hiệu quả của fluoropyrimidines được uống và các hóa chất khác trên các bệnh nhân Nhật Bản. Sau đó, trong một thử nghiệm pha III, khi so sánh hiệu quả điều trị ung thư dạ dày tiến triển với 5 FU đơn thuần, tất cả cả phác đồ 5 FU kết hợp Cisplatin, Uracil và tegafur kết hợp với mitomycin đều không đạt được hiệu quả vượt trội. Trong khi đó, Irinotecan (CPT) và S1 có hiệu quả rất tốt nhưng lại không sử dụng được ở các bệnh nhân đã có rối loạn tiêu hóa nặng nề hoặc tắc ruột do di căn phúc mạc. Do vậy, tổ chức này đưa ra chiến lược điều trị dựa vào điểm mấu chốt là đã di căn phúc mạc hay chưa.

Một nghiên cứu pha III khác được tiến hành tại Nhật Bản, so sánh 5 FU, CPT kết hợp CDDP và S1 đã cho thấy S1 không thua kém gì về hiệu quả điều trị so với 5 FU truyền tĩnh mạch và độc tính thì thấp hơn nhiều, do đó, S1 có thể được coi là hóa chất đầu tay trong điều trị ung thư dạ dày chưa di căn phúc mạc.

Phúc mạc cùng với gan và hệ thống hạch là các vị trí di căn ưa thích của ung thư dạ dày. Tỷ lệ di căn phúc mạc ở các bệnh nhân ung thư dạ dày không còn chỉ định phẫu thuật hoặc tái phát lên tới hơn 50%. Tiên lượng của các bệnh nhân này là khá tồi do những biến chứng như cổ chướng, tắc ruột và phù làm cho toàn trạng bệnh nhân suy sụp nhanh chóng. Do đó, phần lớn các bệnh nhân này không được đưa vào các thử nghiệm lâm sàng. Hơn nữa, các hóa chất thế hệ mới như CPT và S1 đều không áp dụng được do rối loạn hấp thu qua đường tiêu hóa. Do vậy, hiện nay vẫn chưa có phác đồ hóa trị chuẩn với nhóm bệnh nhân này, tuy nhiên, phác đồ 5 FU kết hợp với methotrexate đã và đang được nghiên cứu và bước đầu đạt kết quả tốt.

Tác dụng phụ

Các thử nghiệm đơn hóa trị liệu S1 pha I ở một số nước trên thế giới với liều dùng thay đổi từ 50 mg/m2/ngày đến 80 mg/m2/ngày, 1 – 2 lần/ ngày trong 2 – 4 tuần, cho thấy một số tác dụng phụ thường gặp là ỉa chảy, mệt mỏi, tăng billirubin máu, hạ bạch cầu trung tính, chán ăn.

Dựa vào những dữ liệu nghiên cứu ở pha I, các thử nghiệm pha II tại Nhật Bản thường sử dụng liều 75 mg 2 lần/ ngày. Tuy nhiên, do tác dụng phụ gây mẩn ngứa và ỉa chảy nên liều dùng được giảm xuống 50 mg 2 lần / ngày và sau này được hiệu chỉnh tới 80 mg / m2 ( 80 mg nếu diện tích da (BSA) < 1.25 m2; 100 mg nếu BSA 1.25 – 1.50 m2; 120 mg nếu BSA > 1.50 m2). Dựa vào các tiêu chuẩn đánh giá đáp ứng của Nhật bản, tỷ lệ đáp ứng điều trị của các bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển với S 1 lên tới 45 – 54%. Trong các thử nghiệm pha II này, mặc dù tỷ lệ nhiễm độc cao tới 83% nhưng mức độ tương đối nhẹ, chỉ dưới 10% nhiễm độc độ III hoặc IV. Nguyên nhân bỏ điều trị ở đợt thứ nhất hoặc thứ hai là bệnh tiến triển (43%) hoặc nhiễm độ (33%). Tác dụng phụ chủ yếu xuất hiện 2 – 3 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Không giống với các nghiên cứu tại Nhật Bản, thử nghiệm pha II tại Hoa Kỳ khuyến cáo dùng liều 60 mg/m2/ ngày do tác dụng phụ ỉa chảy và tăng billirubin máu. Tại Châu Âu, tác dụng phụ thường gặp nhất cũng là ỉa chảy với liều dùng 70 mg/m2/ngày. Theo một nghiên cứu khác tại Hàn Quốc, độ an toàn của thuốc lại tương đối cao và liều dùng được tăng từ 70 lên thành 80 mg/m2/ngày do không ghi nhận trường hợp nào nhiễm độc độ III hoặc IV khi dùng liều 70 mg/m2/ ngày. Hơn nữa, trong thử nghiệm này, tác dụng phụ thường gặp nhất lại là thiếu máu. Thiếu máu liên quan đến S1 thường xuất hiện khá sớm trong quá trình điều trị. 13% bệnh nhân có thiếu máu độ III ít nhất một lần và 42% có thiếu máu độ II hoặc III trong đợt điều trị đầu tiên.

Các thử nghiệm đơn hóa trị liệu S1 pha II được tiến hành với liều dùng trung bình là 80 mg/m2, 2 lần / ngày trong 4 tuần và nghỉ 2 tuần (1 tuần với thử nghiệm tại châu Âu). Triệu chứng nhiễm độc chính theo các nghiên cứu tại châu á là thiếu máu và hạ bạch cầu, viêm niêm mạc trong khi ở Châu Âu, triệu chứng chủ yếu là ỉa chảy. chán ăn và tăng billirubin máu.

Trong một nghiên cứu hồi cứu nhỏ tại Nhật Bản so sánh 2 phác đồ điều trị 4 / 2 (điều trị 4 tuần nghỉ 2 tuần ) và 2/1 (điều trị 2 tuần nghỉ 1 tuần) với đơn hóa trị liệu S1, tỷ lệ nhiễm độc của phác đồ 4/2 thấp cao hơn hẳn (93% so với 77%), trong khi tỷ lệ đáp ứng là tương đương nhau (21% so với 23 %). Trong đó, triệu chứng thường gặp nhất chính là thiếu máu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu này chủ yếu gồm những bệnh nhân có thể trạng yếu nên tỷ lệ nhiễm độc độ III – IV cao hơn so với một số thử nghiệm trước đó cùng với phác đồ 4/2.

Một số hướng mới trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển

Một số nghiên cứu ngẫu nhiên ở Nhật Bản đã chứng minh được S1 có thể thay thế 5 FU truyền tĩnh mạch và phác đồ S1 kết hợp với Cisplatin mang lại hiệu quả điều trị cao hơn hẳn đơn hóa trị với S1. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa thống nhất được về một phương pháp tiêu chuẩn và cần tiến hành  thêm những nghiên cứu đa trung tâm trên nhiều nước. Hiện nay, có 2 hướng điều trị ung thư dạ dày tiến triển đang được triển khai. Thứ nhất là tăng cường hiệu quả và giảm độc tính của các hóa chất gây độc tế bào. Thứ hai là kết hợp các nhân tố mới, đặc biệt là hóa chất tác động chọn lọc ở mức độ phân tử.

 Tại Nhật Bản, hai thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được tiến hành gần đây là thử nghiệm của Tổ chức ung bướu lâm sàng Nhật Bản (Japan Clinical Oncology Group – JCOG) và thử nghiệm của SPIRIT đã cho thấy S1 hay cụ thể hơn là phác đồ đa hóa trị liệu S1 và Cipslatin mang lại thời gian sống thêm trung bình (MST) từ 10 đến 13 tháng, cao hơn có ý nghĩa thống kê so với các phác đồ trước đây. Do đó, người ta cho rằng S1 kết hợp với Cisplatin có thể coi là phác đồ hóa trị đầu tay thích hợp nhất trong điều trị ung thư dạ dày tiến triển. Tuy nhiên, tới 70% các bệnh nhân trong hai thử nghiệm này cần hóa trị bổ trợ trong khi con số này ở thử nghiệm V325 (phác đồ docetaxel, cisplatin và 5FU – DCF) là 30%. Phác đồ hóa trị bổ trợ chủ yếu sau khi S1 thất bại thường là irinotecan hoặc taxane. Mặc dù những nghiên cứu đa trung tâm so sánh các phác đồ điều trị đã và đang được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới tuy nhiên trong thời đại toàn cầu hóa và sự phát triển của rất nhiều hóa chât mới ra đời, khó lòng có được sự thống nhất về một phác đồ chung, tiêu chuẩn. Cho tới nay, phác đồ hóa trị phối hợp FUs và các hợp chất platinum tạm được coi là phác đồ chuẩn trong điều trị ung thư dạ dày tiến triển và là nền tảng cho các thử nghiệm các hóa chất mới trong tương lai.

Trong một vài thập kỷ gần đây, sự phát triển của ngành ung bướu và tế bào học đã giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cơ chế bệnh sinh của ung thư dạ dày và đã đưa ra nhiều hóa chất điều trị đích tác động trực tiếp vào từng giai đoạn của quá trình bệnh sinh. Một số chất thường dùng: chất ức chế thụ thể phát triển biểu mô ở người (Human epidermal growth factor receptor – HER), chất ức chế yếu tố phát triển nội mạc (Vascular Endothelial Growth Factor – VEGF) mà đại diện là Bevacizumab (Avastin) và một số chất khác như MK 2461 (tác động đích vào c-Met), NF –  kB.

Kết luận

S1 là chất chống ung thư có bản chất giống 5FU nhưng được bổ xung CDHP và Oxo làm tăng hiệu quả diệt tế bào u đồng thời làm giảm độc tính của thuốc. Hiện nay, S1  đang dần được coi là hóa chất có hiệu quả điều trị cao và độc tính thấp trong điều trị ung thư dạ dày. S1 có thể được dùng đơn lẻ hoặc có thể dùng kết hợp với các hóa chất khác như Cisplatin, Irinotecan, Taxanes để làm tăng hiệu quả điều trị. Tuy vậy, cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được về liều dùng cũng như phác đồ sử dụng S1 và cần tiến hành thêm các nghiên cứu đa trung tâm quốc tế đế đánh giá chính xác hơn và tìm ra liều điều trị thích hợp cho từng nhóm bệnh nhân ung thư dạ dày.

Tài liệu tham khảo

1.         Sitarz R., Skierucha M., Mielko J., et al. (2018). Gastric cancer: epidemiology, prevention, classification, and treatment. Cancer Manag Res, 10, 239–248.

2.         Park S.C. and Chun H.J. (2013). Chemotherapy for Advanced Gastric Cancer: Review and Update of Current Practices. Gut Liver, 7(4), 385–393.

3.         Smyth E.C., Verheij M., Allum W., et al. (2016). Gastric cancer: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up†. Ann Oncol, 27, v38–v49.

4.         Wagner A.D., Syn N.L., Moehler M., et al. (2017). Chemotherapy for advanced gastric cancer. Cochrane Database Syst Rev, (8).

5.         Chhetri P., Giri A., Shakya S., et al. (2016). Current Development of Anti-Cancer Drug S-1. J Clin Diagn Res JCDR, 10(11), XE01–XE05.

6.         Miura K., Kinouchi M., Ishida K., et al. (2010). 5-FU Metabolism in Cancer and Orally-Administrable 5-FU Drugs. Cancers, 2(3), 1717–1730.

7.         Sakuramoto S., Sasako M., Yamaguchi T., et al. (2007). Adjuvant Chemotherapy for Gastric Cancer with S-1, an Oral Fluoropyrimidine. N Engl J Med, 357(18), 1810–1820.

8.         Sasako M. (2020). Progress in the treatment of gastric cancer in Japan over the last 50 years. Ann Gastroenterol Surg, 4(1), 21–29.

9.         Kundel Y., Purim O., Idelevich E., et al. (2011). Postoperative chemoradiation for resected gastric cancer – is the Macdonald Regimen Tolerable? a retrospective multi-institutional study. Radiat Oncol Lond Engl, 6, 127.

10.       Macdonald J.S., Smalley S.R., Benedetti J., et al. (2001). Chemoradiotherapy after Surgery Compared with Surgery Alone for Adenocarcinoma of the Stomach or Gastroesophageal Junction. N Engl J Med, 345(10), 725–730.

11.       Nakajima T., Nashimoto A., Kitamura M., et al. (1999). Adjuvant mitomycin and fluorouracil followed by oral uracil plus tegafur in serosa-negative gastric cancer: a randomised trial. The Lancet, 354(9175), 273–277.

12.       Nashimoto A., Nakajima T., Furukawa H., et al. (2003). Randomized Trial of Adjuvant Chemotherapy With Mitomycin, Fluorouracil, and Cytosine Arabinoside Followed by Oral Fluorouracil in Serosa-Negative Gastric Cancer: Japan Clinical Oncology Group 9206–1. J Clin Oncol, 21(12), 2282–2287.

13.       Miyashiro I., Furukawa H., Sasako M., et al. (2011). Randomized clinical trial of adjuvant chemotherapy with intraperitoneal and intravenous cisplatin followed by oral fluorouracil (UFT) in serosa-positive gastric cancer versus curative resection alone: final results of the Japan Clinical Oncology Group trial JCOG9206-2. Gastric Cancer, 14(3), 212–218.

14.       Sasako M., Sakuramoto S., Katai H., et al. (2011). Five-year outcomes of a randomized phase III trial comparing adjuvant chemotherapy with S-1 versus surgery alone in stage II or III gastric cancer. J Clin Oncol Off J Am Soc Clin Oncol, 29(33), 4387–4393.

15.       Kodera Y., Yoshida K., Kochi M., et al. (2018). A randomized phase III study comparing S-1 plus docetaxel with S-1 alone as a postoperative adjuvant chemotherapy for curatively resected stage III gastric cancer (JACCRO GC-07 trial). J Clin Oncol, 36(15_suppl), 4007–4007.

16.       Koizumi W., Narahara H., Hara T., et al. (2008). S-1 plus cisplatin versus S-1 alone for first-line treatment of advanced gastric cancer (SPIRITS trial): a phase III trial. Lancet Oncol, 9(3), 215–221.

17.       Ryu M.-H., Baba E., Lee K.H., et al. (2015). Comparison of two different S-1 plus cisplatin dosing schedules as first-line chemotherapy for metastatic and/or recurrent gastric cancer: a multicenter, randomized phase III trial (SOS). Ann Oncol, 26(10), 2097–2101.

18.       Ren D.-F., Zheng F.-C., Zhao J.-H., et al. (2018). Adjuvant chemotherapy with S-1 plus oxaliplatin improves survival of patients with gastric cancer after D2 gastrectomy: A multicenter propensity score-matched study. World J Clin Cases, 6(10), 373–383.

19.       Eto K., Ida S., Watanabe M., et al. (2018). Treatment strategy for metastatic gastric cancer in Japan. J Cancer Metastasis Treat, 4.

Về Lương Tuấn Hiệp

Thạc sỹ, Bác sỹ nội trú Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *