Kể cả khi PET âm tính sau hóa trị, bệnh nhân u lympho Hodgkin vẫn nhận được lợi ích của xạ trị.
Trong một báo cáo tại hội nghị thường niên của Hội xạ trị ung thư Hoa Kỳ (ASTRO) năm 2019 (Chicago, Illinois), hạn chế chỉ định xạ trị sau 2 chu kỳ hóa trị ABVD ảnh hưởng tiêu cực đến kết cục của bệnh nhân u lympho Hodgkin, ngay cả với các trường hợp giai đoạn sớm, bệnh đáp ứng thuận lợi với FDG-PET âm tính.
Những kết quả này trái ngược với một xu hướng hiện nay cho rằng đánh giá đáp ứng của khối u về mặt chuyển hóa nhờ PET với chất chỉ thị 18FDG, sau 2 chu kỳ hóa trị cho phép dự báo kết cục (Outcome) của bệnh nhân u lympho Hodgkin và bỏ qua vai trò của xạ trị với các trường hợp có PET âm tính.
Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2009 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu Hodgkin của Đức (German Hodgkin Study Group) tiến hành tuyển chọn 1150 bệnh nhân trong độ tuổi từ 18 đến 75, mới được chẩn đoán u lympho Hodgkin giai đoạn sớm tại các trung tâm y khoa của Đức, Áo, Thụy Sỹ và Hà Lan. Các bệnh nhân này được phân ngẫu nhiên nhận phác đồ điều trị chuẩn với 2 chu kỳ hóa trị ABVD và xạ trị 20 Gy lại các vùng hạch tổn thương (Involved Field Radiation Therapy – IFRT) hoặc một phác đồ được điều chỉnh bởi kết quả PET, IFRT chỉ dành cho các bệnh nhân còn tổn thương PET dương tính sau hóa trị . 628 bệnh nhân có kết quả FDG-PET âm tính, phù hợp với phân tích không kém hơn (Non-inferiority analysis) giữa nhóm được điều trị kết hợp (Hóa trị + Xạ trị) (n=328) với nhóm ABVD đơn thuần (n=300). FDG-PET âm tính được định nghĩa bởi điểm Dauville 1 hoặc 2.
628 bệnh nhân có PET âm tính được theo dõi trong thời gian trung vị 47 tháng, kết quả ước tính PFS sau 5 năm cho nhóm điều trị kết hợp và nhóm hóa trị đơn thuần tương ứng là 93.4% và 85,1%, có ý nghĩa. Sự khác biệt về PFS đến từ nguyên nhân chính: Tỷ lệ bệnh tái phát tại chỗ – tại vùng vượt trội rõ nét ở nhóm hóa trị đơn thuần (8,7%) so với nhóm có xạ trị (2,1%), p = 0,0003. Trong khi đó, tỷ lệ tái phát tại vị trí ngoài vùng hạch tổn thương ban đầu không khác biệt giữa 2 nhóm (3,7% so với 4,7%, p = 0,55). Tỷ lệ sống thêm toàn bộ 5 năm là 98,1% ở nhóm điều trị kết hợp và 98,4% ở nhóm hóa trị đơn thuần.
Trong số 693 bệnh nhân được điều trị kết hợp và đánh giá bởi FDG-PET, 353 bệnh nhân có PET âm tính và 340 bệnh nhân có PET dương tính. Sau thời gian theo dõi trung vị 46 tháng, PFS ước tính sau 5 năm lần lượt là 93,2% (Các bệnh nhân có PET âm tính) và 88,1% (Nhóm PET dương tính), p = 0,035. Sự khác biệt càng lớn hơn khi định nghĩa tiêu chuẩn PET “dương tính” với ngưỡng Deauville 4, khi đó, PFS 5 năm lần lượt là 93,1% và 80,1% ở nhóm PET dương tính và âm tính, p = 0,0004.
“Kết quả kiểm soát khối u cao hơn rõ rệt với việc bổ sung xạ trị”, đại diện nhóm tác giả trình bày nghiên cứu tại ASTRO, TS. Eich nhận định. “Khi bệnh tái phát, bệnh nhân phải sử dụng các phác đồ hóa trị mạnh, với nhiều tác dụng phụ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có ý nghĩa rất quan trọng, xạ trị tại vùng hạch tổn thương là một phương án hiệu quả và rất ít tác dụng phụ cấp tính cho người bệnh.”
BSNT. Trần Trung Bách – Bộ môn Ung thư – Đại học Y Hà Nội http://www.slideshare.net/trungbach12hoa