Bạn đang được bác sĩ lên kế hoạch để tiếp nhận xạ trị, phương pháp điều trị bệnh ung thư sử dụng các loại tia bức xạ. Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn tham gia tích cực vào quá trình điều trị của mình.
Điều gì sẽ xảy ra trong quá trình điều trị
Những thay đổi tạm thời tại vùng da khu vực chiếu xạ
Những thay đổi tạm thời thường gặp như đỏ da, khô da, tạo vảy hay ngứa có thể xảy ra tại da vùng điều trị.
Những thay đổi này có thể xuất hiện khoảng 1 đến 2 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị và có thể kéo dài thêm 1 đến 2 tuần sau khi kết thúc điều trị.
Trong thời gian này:
- Nam giới vẫn có thể cạo râu nhưng chỉ nên cạo với máy cạo râu điện. Không nên sử dụng các sản phẩm làm mềm da trước cạo (pre-shave) cũng như các sản phẩm dưỡng da sau cạo (post-shave).
- Nữ giới không nên trang điểm ở vùng da điều trị.
- Có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm (Được chấp thuật của bác sĩ điều trị) tại da vùng xạ khi cần thiết. Không sử dụng kem dưỡng ẩm trong vòng 2h ngay trước khi điều trị xạ trị.
- Mặc các loại áo sơ mi có chất liệu mềm, rộng rãi với cổ áo hở để tránh kích ứng da.
Những thay đổi lâu dài tại da
Những thay đổi ngoài da về lâu dài có thể bao gồm tình trạng da tăng nhạy cảm với nhiệt độ vào mùa hè và mùa đông. Vì thế, vào mùa hè và mùa đông, thường xuyên bôi các loại kem chống nắng không chứa PABA ở vùng da được chiếu xạ bất kì khi nào bạn phải ở ngoài trời với thời gian lâu 10 phút. Sử dụng các loại kem chống nắng có chỉ số SPF (chỉ số đo lường khả năng chống lại tia UV của mặt trời – sun protection factor) tối thiểu là 30.
Chăm sóc miệng
Tình trạng sức khoẻ răng miệng cần được chú ý chăm sóc đặc biệt ngay từ trước khi bắt đầu, trong suốt liệu trình xạ trị và cả thời gian sau điều trị:
- Nha sỹ sẽ kiểm tra tình trạng răng miệng của bạn trước khi bắt đầu xạ trị. Những trị liệu, can thiệp cần thiết tại vùng răng miệng (Nhổ răng, lấy cao răng, điều trị bệnh nha chu…) cần được thực hiện trước khi liệu trình xạ trị có thể bắt đầu. Khi đó, hãy thông báo cho bác sĩ xạ trị được biết và có những trao đổi cần thiết với nha sỹ của bạn.
- Sử dụng các loại bàn chải đánh răng có lông thật mềm mịn. Nếu viêm niêm mạc miệng do tia xạ xuất hiện với triệu chứng đau khiến việc sử dụng bàn chải trở nên khó khăn, bạn có thể làm sạch răng và miệng của mình với gạc hoặc bông mềm. Đừng ngần ngại hỏi điều dưỡng hay bác sĩ của bạn các sản phẩm phù hợp để sử dụng.
- Làm sạch kẽ răng nhẹ nhàng hằng ngày bằng chỉ tơ nha khoa.
- Nếu sử dụng răng giả (một phần hay toàn bộ), bạn chỉ nên đeo chúng khi thật sự cần thiết.
- Kiểm tra miệng và lợi mỗi ngày. Thông báo cho điều dưỡng biết nếu bạn thấy bất kỳ đốm màu đỏ hoặc trắng nào ở vùng miệng hoặc khi miệng của bạn bị đau.
- Pha 1/2 thìa muối với khoảng 240ml nước hoặc 1/2 thìa natri bicarbonat (bột baking soda) và khoảng 240ml nước, thực hiện súc miệng bằng hỗn hợp trên ít nhất sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Tránh các loại nước súc miệng chứa cồn có thể gây khô, kích ứng niêm mạc miệng.
Khô miệng và họng
Miệng và họng của bạn sẽ cảm thấy khô, nước bọt có thể đặc hơn. Điều này thường xảy ra từ 1 đến 2 tuần sau khi bạn bắt đầu xạ trị và có thể kéo dài vài tháng sau khi quá trình xạ trị kết thúc.
- Ăn và uống thường xuyên để duy trì độ ẩm trong miệng. Bạn có thể sử dụng nước bọt nhân tạo. Liên hệ điều dưỡng để biết thêm thông tin về những sản phẩm này.
- Mang theo một chai nước hoặc cốc du lịch để có thể sử dụng được trong cả ngày.
- Nhai kẹo cao su không đường, ngậm kẹo không đường vị chanh hoặc chua để kích thích tăng tiết nước bọt.
- Thêm nước sốt và nước hầm vào thức ăn để dễ nuốt hơn.
- Không hút hoặc nhai thuốc lá.
- Không sử dụng các loại đồ uống có cồn.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí tại nhà. Vệ sinh máy làm ẩm và thay nước hàng ngày.
Đau miệng và họng
Đau miệng và họng có thể xảy ra khoảng 2 tuần sau khi bắt đầu xạ trị và thường kéo dài thêm 2-4 tuần sau khi kết thúc điều trị. Kích ứng niêm mạc miệng và họng có thể gây khó nuốt, dẫn đến khó đảm bảo dinh dưỡng. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần sự hỗ trợ của một ống thông được đặt vào dạ dày để đảm bảo dinh dưỡng.
- Sử dụng viên ngậm, thuốc xịt hoặc các loại thuốc khác trước các bữa ăn và trước khi đi ngủ có tác dụng giúp làm tê miệng và họng của bạn. Hỏi bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin các sản phẩm này.
- Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau khi cần thiết.
- Ăn thức ăn mềm, dễ nhai và nuốt.
- Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng đường uống như sữa, bột ngũ cốc, bột dinh dưỡng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu.
- Không ăn các loại thức ăn và đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh. Nên sử dụng các loại thức ăn mát hay có nhiệt độ phòng.
- Không ăn các quả họ cam quýt, thức ăn cay, mặn, thô ráp và khô.
- Các chuyên gia dinh dưỡng có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích. Thông báo cho điều dưỡng biết nếu bạn cần sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng.
- Nếu sụt cân quá nhiều và không thể duy trì dinh dưỡng qua đường miệng, bạn có thể cần được đặt ống thông vào dạ dày để bổ sung thêm đường ăn.
Bạn cần hỏi bác sĩ hay điều dưỡng chăm sóc những thông tin gì
Hỏi điều dưỡng hoặc bác sĩ khi bạn có bất kỳ câu hỏi về những điều sau đây:
- Các sản phẩm dưỡng ẩm cho da
- Những băn khoăn về phương pháp và quy trình điều trị
- Các cách giữ ẩm cho miệng
- Các cách tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi cần
Những vấn đề cần báo lại với điều dưỡng hoặc bác sĩ của bạn
Thông báo cho điều dưỡng hoặc bác sĩ của bạn khi bạn có bất kỳ trong những triệu chứng sau đây:
- Không ăn được khẩu phần ăn thường ngày
- Đau ở miệng hoặc môi
- Đỏ, sưng hoặc tăng nhạy cảm đau trên da
- Bất kỳ một triệu chứng nào mới xuất hiện hoặc bất thường.
Những vấn đề cần báo lại ngay lập tức
Thông báo ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ trong các triệu chứng sau:
- Chảy máu bất thường
- Khó thở
- Sốt từ 38 độ C trở lên
- Ớn lạnh
Biên dịch:
BS. Nguyễn Minh Nhật
BS. Trần Trung Bách