Những nội dung chính
Sự hiện diện của DNA virus Epstein-Barr (EBV) trong mẫu huyết thanh giúp dự báo sớm ung thư biểu mô vòm mũi họng đối với quần thể có nguy cơ cao.
Đây là kết luận từ 1 nghiên cứu từ Hồng Kông được đăng trên tạp chí uy tín The New England Journal of Medecine tháng 8 năm 2017 vừa qua.
Sinh thiết dịch thể (Liquid biopsies) ngày càng được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng ung thư với mục đích dự báo khả năng tái phát, nhưng chưa được sử dụng như một công cụ trong sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư. EBV đã được chứng minh mối liên hệ chặt chẽ với UTBM vòm mũi họng trong cơ chế bệnh sinh và vai trò tiên lượng, theo dõi đáp ứng và tái phát sau điều trị.
Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu tiến cứu NCT02063399 này, các tác giả tiến hành phân tích mẫu huyết thanh xác định tình trạng nhiễm EBV dựa trên kỹ thuật PCR với đoạn mồi là mảnh BamH1-W từ bộ gen của EBV. Đối tượng nghiên cứu được tuyển chọn từ những người tình nguyện là người Trung Quốc bản xứ trong độ tuổi từ 40 đến 62 tuổi (tỷ lệ mắc UTVMH được ghi nhận cao nhất ở lứa tuổi này). Những trường hợp có tiền sử bệnh hoặc đang mắc bệnh phải điều trị bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch (hoá chất điều trị ung thư, corticoid toàn thân…) bị loại khỏi nghiên cứu để giảm thiểu nguy cơ dương tính giả do tình trạng tăng hoạt động nhân bản của EBV DNA trên cơ địa suy giảm miễn dịch.
Những người có kết quả “Dương tính” với EBV DNA sẽ được lấy máu xét nghiệm lần 2 sau 4 tuần, nếu kết quả tiếp tục “Dương tính” sẽ được xem là test sàng lọc “Dương tính” và được thực hiện các thăm dò xác định chẩn đoán gồm nội soi tai mũi họng sinh thiết tổn thương nghi ngờ và cộng hưởng từ vùng vòm mũi họng. Những kết quả ghi nhận ban đầu sẽ xác định độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm EBV DNA huyết thanh trong sàng lọc UTVMH.
Những trường hợp được chẩn đoán xác định UTVMH tiếp tục được đánh giá giai đoạn, điều trị và theo dõi sau điều trị. Các nhà nghiên cứu sử dụng thuật toán Kaplan Meier để so sánh kết quả sống thêm giữa nhóm bệnh nhân được phát hiện qua sàng lọc và nhóm bệnh nhân thông thường.
Những kết quả “ấn tượng”
Chỉ có 1 trong số 19.865 trường hợp “âm tính” với xét nghiệm EBV DNA huyết thanh được chẩn đoán ung thư vòm mũi họng sau đó. Độ nhạy và độ đặc hiệu của chiến dịch sàng lọc này lên tới 97,1% và 99,995%.
Những phân tích sau đó còn cho thấy những bệnh nhân UTVMH phát hiện qua sàng lọc được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn so với những trường hợp thông thường. Tỷ lệ phát hiện ở giai đoạn I là 47% so với 5-7 %.
Kết quả điều trị của những bệnh nhân được phát hiện qua chương trình sàng lọc cũng tốt hơn, với thời gian sống thêm PFS tại thời điểm 3 năm là 97% so với 70% ở quần thể BN thông thường, HR 0,1 (CI95% 0,05 – 0,18).
Các tác giả đưa đến kết luận “Xét nghiệm EBV DNA trong huyết thanh có thể sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng, THẬM CHÍ những khối u nhỏ cũng có thể giải phóng 1 lượng EBV DNA vào hệ tuần hoàn đủ để có thể phát hiện được.”
Tuy nhiên, để hiểu rõ giá trị của nghiên cứu ẤN TƯỢNG trên và có thể áp dụng với điều kiện thực tế tại Việt Nam, cần cân nhắc đến một số ĐIỂM LƯU Ý quan trọng:
- Nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc, khu vực có tỷ lệ mắc mới chuẩn theo tuổi UTVMH theo GLOBOCAN 2012 lên đến xấp xỉ 35/100.000 dân. Nước ta cũng nằm trong vùng dịch tễ của bệnh nhưng tỷ lệ mắc mới hàng năm ít hơn, khoảng 5/100.000 dân. [1], [2]
- Chi phí xét nghiệm EBV DNA bằng kỹ thuật pCR trong nghiên cứu khoảng 30 USD (tương đương hơn 600.000 đồng)/lần xét nghiệm.
- Cơ sở để lựa chọn đối tượng có nguy cơ cao để tiến hành sàng lọc với các dữ liệu hiện có về dịch tễ bệnh ung thư vòm mũi họng tại Việt Nam.
Toàn văn bài báo: https://goo.gl/KVrw9S
Trích dẫn tài liệu tham khảo:
- Tang LL, Chen WQ, Xue WQ, et al. Global trends in incidence and mortality of nasopharyngeal carcinoma. Cancer Lett 2016; 374: 22-30.
- Li K, Lin GZ, Shen JC, Zhou Q. Time trends of nasopharyngeal carcinoma in urban Guangzhou over a 12-year period (2000-2011): declines in both incidence and mortality. Asian Pac J Cancer Prev 2014; 15: 9899-903.
Edited by: DR. BTT