Phẫu thuật CME trong điều trị ung thư đại tràng

TỔNG QUAN

Thuật ngữ cắt toàn bộ mạc treo đại tràng (CME – Complete Mesocolic Excision) trong ung thư đại tràng (UTĐT) được Hohenberger, phẫu thuật viên người Đức giới thiệu vào năm 2009, nguyên tắc giống như cắt toàn bộ mạc treo trực tràng (TME – Total Mesoretal Excision) trong ung thư trực tràng. Toàn bộ mạc treo tương ứng với đoạn ruột bị cắt bỏ đựợc lấy tới sát động mạch mạc treo tràng trên (ĐMMTTT) đối với UTĐT bên phải hoặc sát động mạch mạc treo tràng dưới (ĐMMTTD) đối với UTĐT bên trái [1]. Trong phẫu thuật ung thư đại tràng phải cũng cần phẫu tích lấy được toàn bộ mạc treo đại tràng phải để đảm bảo tính triệt để lấy hết tổ chức ung thư, giảm nguy cơ tái phát sau mổ. Tuy nhiên cần phải bảo tồn các cấu trúc ở mặt sau đại tràng lên, đặc biệt là niệu quản và bó mạch sinh dục phải.

Các cấu trúc liên quan trong mặt sau đại tràng phải
Nguồn: theo Standring (2008) [4]

Trong phẫu thuật ung thư đại tràng, các tác giả Âu-Mỹ gần đây đã đưa ra thuật ngữ thắt mạch máu trung tâm (CVL – Central Vascular Ligation), nguyên tắc của phẫu thuật là thắt mạch máu ở cao sát ĐMMTTT đối với ung thư đại tràng phải. Dựa trên nguyên tắc tương tự, các tác giả Nhật bản đưa ra chủ trương nạo vét hạch D3 lấy bỏ tất cả các hạch cạnh đại tràng, hạch trung gian và các hạch chính dọc bó mạch mạc treo tràng trên. Kết quả cho thấy giảm tỷ lệ tái phát và tăng thời gian sống thêm cho bệnh nhân [1], [2]. Một nghiên cứu thuần tập trên quần thể mới đây tại Đan Mạch của Bertelsen CA và cộng sự trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet đã công bố kết quả theo dõi sau 5 năm đối với 2 nhóm bệnh nhân UTĐT phải được điều trị bằng 2 phương pháp phẫu thuật khác nhau: Phẫu thuật cắt toàn bộ mạc treo đại tràng với phẫu thuật cắt đại tràng theo quy ước (Conventional colon cancer surgery). Bài viết này xin được phép tóm tắt lại nội dung và kết quả của nghiên cứu này.

Các nhóm hạch của đại tràng
Nguồn: theo Rodriguez-Bigas (2003) [5]

PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được thực hiên dưới dạng một nghiên cứu thuần tập tiến cứu với nguồn dữ liệu bệnh nhân UTĐT phải từ 4 bệnh viện tại Đan Mạch: Một trung tâm thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ mạc treo đại tràng có thắt mạch máu trung tâm và nạo vét nhóm hạch chính D3 (CME with central lymph node dissection and vascular division), 3 trung tâm còn lại thực hiện phẫu thuật cắt đại tràng theo quy ước, không kèm theo tiêu chuẩn cụ thể bắt buộc với nạo vét hạch. Bệnh nhân được lựa chọn từ khu vực trung tâm của Đan Mạch, với chẩn đoán UTĐT phải giai đoạn bệnh I-III theo phân loại của tổ chức Liên Hiệp Quốc Tế về kiểm soát Ung thư (Union for International Cancer Control – UICC). Thời gian tiến hành phẫu thuật bắt đầu từ 01/06/2008 đến 31/12/2013; thời gian theo dõi là 5.2 năm. Chỉ tiêu lâm sàng chính là tỷ lệ tích lũy tái phát sau phẫu thuật. Chỉ tiêu lâm sàng phụ là sự giảm nguy cơ tuyệt đối trong tỷ lệ sống chung sau 5 năm, tỷ lệ tử vong trong 30 ngày; 90 ngày hậu phẫu và các biến chứng trong 60 ngày hậu phẫu., Các phân tích về rủi ro và khả năng đảo ngược bệnh được dùng để đánh giá lợi ích có thể theo nguyên nhân của phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ mạc treo đại tràng.

TÓM TẮT CÁC KẾT QUẢ MỚI CỦA NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu thực hiện trên 1063 bệnh nhân (256 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật CME và 813 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật theo quy ước). Không có dữ liệu bệnh nhân nào bị mất trong quá trình theo dõi, toàn bộ được sử dụng để phân tích và đánh giá. Tỷ lệ tái phát tích lũy trong 5.2 năm là 9.7% (Độ tin cậy 95% là 6.3-13.1) ở nhóm cắt toàn bộ mạc treo đại tràng và 17.9% (Độ tin cậy 95% là 15.3-20.5) đối với nhóm phẫu thuật theo quy ước. Như vậy, sự giảm nguy cơ tuyệt đối là 8.2% (Độ tin cậy 95% là 4.0-12.4,p=0.00015). Về tỷ lệ tử vong trong thời gian theo dõi, nhóm phẫu thuật theo quy ước có 35% (n=281) bệnh nhân tử vong, trong khi đó, kết quả này của nhóm phẫu thuật cắt toàn bộ mạc treo đại tràng là 29% (n=75). Sau đây là môt số kết quả nghiên cứu khác của nghiên cứu:

Bảng 1: Một số kết quả khác của nghiên cứu

KẾT LUẬN

Phẫu thuật cắt toàn bộ mạc treo ruột đã cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện tiên lượng sống cũng như làm giảm tỷ lệ tái phát, qua đó nâng cao kết quả muộn của việc điều trị ung thư biểu mô tuyến đại tràng phải giai đoạn I-III [3].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Hohenberger W., Weber K., Matzel K., et al. (2009).

Standardized surgery for colonic cancer: complete mesocolic excision and central ligation–technical notes and outcome. Colorectal Dis Off J Assoc Coloproctology G B Irel, 11(4), 354-364-365.

2.         Sugihara K., Kinugasa Y., and Tsukamoto S. (2014).

Radical Colonic Resection. Colorectal Cancer. John Wiley & Sons, Ltd, 85–103.

3.         Bertelsen C.A., Neuenschwander A.U., Jansen J.E., et al. (2019).

5-year outcome after complete mesocolic excision for right-sided colon cancer: a population-based cohort study. Lancet Oncol, 0(0).

4.         Standring S. and Gray H., eds. (2009),

Gray’s anatomy: the anatomical basis of clinical practice, Churchill Livingstone Elsevier, Edinburgh.

5.         Rodríguez-Bigas M.A. et al. (2003).

Adeocarcinoma of the Colon and Rectum. Cancer Medicine, 6 th edition, 1635-1660.

Về Lương Tuấn Hiệp

Thạc sỹ, Bác sỹ nội trú Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai

Xem thêm

Cập nhật các nghiên cứu mới nhất liên quan đến rò tụy sau mổ (Postoperative Pancreatic Fistula – PPPF)

Rò tụy sau mổ là một trong những biến chứng nghiêm trọng và phổ biến nhất sau các phẫu thuật tụy, đặc biệt là sau phẫu thuật cắt khối tá tụy (Whipple) và cắt thân đuôi tụy. Biến chứng này không chỉ làm kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, mà còn có thể dẫn tới nhiễm trùng, chảy máu thứ phát và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *