Những nội dung chính

Tôn giáo và tâm linh (religion and spirituality) là một phần rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của nhiều người trên thế giới. Cuộc điều tra gần đây cho thấy 59% số người trên thế giới theo một tôn giáo nào đó[1]. Với bệnh nhân, tôn giáo/tâm linh càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư. Theo Khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia của Hoa Kỳ (National Health Interview Survey), 69% người bệnh, so với 45% người Mỹ nói chung, cầu nguyện cho sức khỏe của mình[2].
Tôn giáo/tâm linh giúp những bệnh nhân ung thư tìm thấy ý nghĩa của bệnh tật và cho họ sự an ủi khi họ phải đối mặt với những nỗi sợ hãi. Hơn nữa, bệnh nhân còn có thể nhận được sự hỗ trợ của những người trong cộng đồng cùng tôn giáo. Chính vì vậy, tôn giáo/tâm linh là một khía cạnh thực sự cần thiết tại các trung tâm chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Vậy vì lý do gì tôn giáo/tâm linh lại trở nên quan trọng với bệnh nhân ung thư và cơ sở khoa học nào cho những lợi ích mà tôn giáo/tâm linh mang lại cho bệnh nhân? Đó là vấn đề mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
1. Tôn giáo và tâm linh quan trọng với bệnh nhân ung thư
1.1. Ung thư, sự sống và cái chết
Ung thư đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, những điều gì là quan trọng, ý nghĩa đằng sau những đau khổ và đằng sau những gì chúng ta phải chịu đựng[3]. Khi biết mình bị ung thư cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng ta dễ bị tổn thương do bệnh tật, sự sống đối với ta là mong manh, ta rồi sẽ phải chết và thời gian của ta là hữu hạn. Khi chúng ta có sức khỏe tốt, chúng ta thường không nghĩ đến những điều này. Nhưng căn bệnh nan y buộc chúng ta phải đối mặt với những câu hỏi ấy. Thử thách thực sự đối với chúng ta là làm thế nào chúng ta có thể sử dụng một cách khôn ngoan nhất khoảng thời gian còn lại trong cuộc đời mình. Đó là lý do tại sao ung thư được xem như hồi chuông cảnh tỉnh, không những cho bệnh nhân mà còn cho chính những người xung quanh.

Khi biết mình bị ung thư cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng ta dễ bị tổn thương do bệnh tật, sự sống đối với ta là mong manh, ta rồi sẽ phải chết và thời gian của ta là hữu hạn.
Ảnh: Lifeintoharmony.co.uk
Thông thường, ưu tiên quan trọng nhất khi chẩn đoán ung thư là chữa khỏi bệnh. Nếu điều này thành công, cái chết có thể tạm thời lùi lại phía sau. Đôi khi bệnh tật chỉ là một vết bầm tím tạm thời trên đường đời, trái ngược với một lời nhắc nhở về sự mong manh của cuộc sống mà ung thư thường mang đến cho chúng ta. Ung thư chiếm toàn bộ tâm trí của chúng ta, khắc sâu vào suy nghĩ và khiến chúng ta nhận thức rõ hơn về những điều quan trọng, những ưu tiên cuối cùng của mình.
Mỗi bệnh nhân ung thư luôn có cho mình động lực phía sau trong cuộc chiến giành giật sự sống của chính mình. Có người sống vì gia đình, có người sống để đạt được những mục tiêu nào đó trong cuộc đời, có người sống để hoàn thiện những tiềm năng và những sự nỗ lực bên trong họ. Dù câu trả lời là gì, câu trả lời đó cũng phản ánh niềm tin tôn giáo, tâm linh và triết học của họ đối với những gì được xem là quan trọng.
Khi bệnh nhân ung thư suy nghĩ về những ưu tiên cuối cùng của mình, họ thường xác định những thay đổi mà họ muốn thực hiện, những việc mà họ muốn làm với bản thân, gia đình và với cuộc sống của mình. Điều này thường được gọi là “sự giác ngộ” hay “món quà” của ung thư. Mặc dù nhiều người nói rằng họ thấy nuối tiếc khi họ đã để cho ung thư chứ không phải điều gì khác thức tỉnh họ. Nhưng họ cũng nhận ra bệnh tật đã mang đến những thay đổi tích cực đối với bản thân họ và cuộc sống của chính họ.
Ý nghĩa của sự sống và cái chết, mục đích hay hướng đi của con người và cuộc đấu tranh với nỗi thống khổ và đau đớn từ lâu cũng đã là những chủ đề trọng tâm của tôn giáo. Một số người cho rằng, Đức Chúa Trời đã tạo ra một thế giới không hoàn hảo, nhiệm vụ và trách nhiệm của chúng ta với tư cách của một con người là làm việc để sửa chữa hoặc hoàn thiện thế giới. Điều này có nghĩa chúng ta có nghĩa vụ phải giúp đỡ nhau đối mặt với những khó khăn phát sinh trong quá trình tồn tại của con người, bao gồm cả bệnh tật và cái chết. Một số khác cho rằng, khi chúng ta đau khổ, Đức Chúa Trời sẽ ở bên cạnh chúng ta. Niềm tin rằng Chúa có thể cảm nhận nỗi đau của chúng ta và biết những gì chúng ta phải trải qua mang lại cho chúng ta sự an ủi.
2.2. Ung thư và câu hỏi “Tại sao lại là tôi?”
Bệnh ung thư khiến chúng ta phải đối mặt với câu hỏi tại sao ta – chỉ là một trong rất nhiều người – lại mắc căn bệnh này. Nhiều bệnh nhân, trong sự đau khổ tột cùng, đôi khi là trong sự bất bình, đã hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”. Tất nhiên, không có một câu trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng vấn đề này thường để lại một cảm xúc sâu sắc đối với bệnh nhân mà không dễ dàng để quên đi.

Nhiều bệnh nhân, trong sự đau khổ tột cùng, đôi khi là trong sự bất bình, đã hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”
Ảnh: Thirdhour.org
Một số người tin vào Chúa/Phật đã không thể hiểu tại sao một vị Chúa/Phật đầy lòng yêu thương lại có thể để cho ung thư xảy ra với những người tốt. Cũng không có gì lạ khi nhiều bệnh nhân tự hỏi liệu bệnh tật có phải là sự trả giá cho một số sai lầm hoặc tội lỗi của mình trong quá khứ hay không. Kinh thánh dạy rằng bệnh tật và cái chết là kết quả của tội lỗi. Do vậy, những người theo tôn giáo luôn tin rằng bệnh tật liên quan đến lỗi lầm mà chính họ đã gây ra. Một số người lại có quan điểm khác, họ cho rằng ung thư là sự hiện diện của cái ác trên thế giới. Chính tôn giáo cho chúng ta cơ hội để giúp đỡ người khác và nhờ đó vượt qua cái ác hoặc sự không hoàn hảo của thế giới bằng những điều thiện. Một số người khác không tin rằng họ đang bị trừng phạt, mà họ cảm thấy bệnh tật của họ là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Chúa, và họ đấu tranh và cầu nguyện cho những mục đích cao cả của mình. Ngay cả những người không theo tôn giáo cụ thể nào họ cũng có thể cảm thấy tự trách bản thân. Nhiều bệnh nhân cho rằng, khi họ sửa chữa những sai lầm của bản thân, hoặc có thái độ và hành vi đúng đắn thì ung thư sẽ chấm dứt. Người ta lập luận rằng khi chữa lành tâm hồn thì thể chất sẽ được chữa lành sau đó.
Câu hỏi “Tại sao lại là tôi?” thực sự không phải là một câu hỏi luôn cần câu trả lời. Thay vì cố gắng giải thích câu hỏi này bằng những điều ít mang lại lợi ích, chúng ta nên hướng đến sự an ủi, trấn an và các quan điểm cao cả hơn trong các giáo lý tôn giáo.
2.3. Ung thư và sự đau khổ
Có rất nhiều khía cạnh mà bệnh nhân ung thư phải chịu đựng, như về thể chất, tinh thần, tình cảm và tâm linh. Những điều này có thể bao hàm tất cả các mặt trong cuộc sống của một con người, như các mối quan hệ, vai trò, danh dự, hy vọng, dự định và ý nghĩa của cuộc sống.
Mỗi bệnh nhân ung thư phải đối phó với đau khổ theo một cách nào đó. Hầu hết bệnh nhân đều cố gắng giảm bớt đau khổ của mình càng nhiều càng tốt. Một số bệnh nhân cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài chịu đựng nó. Những người khác tìm cách phủ nhận hoặc hạ thấp sự đau khổ, trong khi một số khác cố gắng vượt qua nó. Một số người xem đau khổ như là cơ hội hoặc thử thách để thể hiện những đức tin của họ. Một số bệnh nhân chống lại sự đau khổ trong sự tức giận. Một số người khác tìm thấy trong nỗi đau những thay đổi của bản thân mà họ cảm thấy là quan trọng (như sự chấp nhận hoặc khiêm tốn).

Các tôn giáo trên thế giới bằng cách này hay cách khác đều chứa đựng một triết lý hoặc quan điểm về ý nghĩa của đau khổ. Theo đó, đau khổ giúp con người giác ngộ về mặt tâm linh. Niềm tin tôn giáo có thể mang lại niềm an ủi và sức mạnh cho những bệnh nhân ung thư.
Đối mặt với một căn bệnh hiểm nghèo, chúng ta sẽ bị thử thách bởi một loạt các phản ứng cảm xúc dữ dội hơn bất cứ cảm xúc gì mà chúng ta đã từng trải qua. Chúng ta cảm thấy bản thân dễ bị tổn thương và cần một chỗ dựa vững chắc. Cảm xúc mãnh liệt ấy kết nối chúng ta với thế giới, nơi mà có sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Đức tin và tâm linh của một người là phương tiện để họ đối phó với bệnh tật. Ý nghĩa của đức tin và tâm linh có thể liên quan với sự tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi, hoặc tìm kiếm sự an ủi cho những nỗi sợ hãi và đau đớn mà bệnh tật mang lại, và chỉ cho chúng ta cách để vượt qua đau khổ. Giáo lý tôn giáo có thể chỉ ra con đường để chữa bệnh, bằng phương pháp có thể rất khác so với việc chữa bệnh thông thường. Y học hiện đại không phải lúc nào cũng có thể chữa khỏi bệnh. Đôi khi việc điều trị là vô ích. Trong khi đó, việc chữa lành tâm hồn hoặc tinh thần có thể mang lại sự thanh thản sâu sắc và lâu dài. Tôn giáo từ lâu đã tập trung vào điều này như mục đích trung tâm của nó.
Một khó khăn khác mà bệnh nhân ung thư phải đối mặt là họ có thể làm được gì, khi mà để sống một cuộc sống bình thường của họ như trước khi bị bệnh là không hề dễ dàng. Vào lúc này, tôn giáo một lần nữa chỉ cho chúng ta những cách thức khác nhau để ta có thể đạt được những gì chúng ta xem là quan trọng. Tu hành khổ hạnh – đơn giản hóa cuộc sống của chính mình và sống vì người khác – là một trong những cách mà nhiều bệnh nhân ung thư có thể làm được. Tôn giáo dạy chúng ta rằng chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng và phương hướng bằng cách nuôi dưỡng sức khỏe và năng lượng tinh thần của chính mình.
Các phương pháp chữa bệnh kết hợp tôn giáo với bệnh ung thư và các bệnh khác ngày nay đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Mặc dù một số hoạt động này do những nhóm người nhằm tìm kiếm lợi ích trong nỗi sợ hãi của con người, nhưng tôn giáo chính thống cũng công nhận lợi ích của các nghi lễ cầu nguyện trong chữa bệnh. Nhiều người đã tìm thấy sự chữa lành và an ủi tinh thần thông qua tôn giáo truyền thống và thực hành.
2. Cơ sở khoa học
2.1. Tôn giáo/tâm linh và sức khỏe thể chất của bệnh nhân ung thư
Trước đây, các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của tôn giáo và tâm linh lên sức khỏe thể chất của bệnh nhân ung thư cho các kết quả trái ngược nhau. Điều này xảy ra có thể vì tôn giáo chỉ là một phần nhỏ trong nghiên cứu và các tiêu chí không thống nhất khi đánh giá về tôn giáo, tâm linh và sức khỏe thể chất của bệnh nhân[4]. Những định nghĩa khác nhau về tôn giáo và tâm linh cũng góp phần vào kết quả khác biệt trong các nghiên cứu, đôi khi là trái ngược nhau[5].
Để chấm dứt tranh cãi, Jim và cộng sự thực hiện một nghiên cứu gộp để đánh giá mối liên quan giữa tôn giáo/tâm linh và bệnh nhân ung thư[6]. Nghiên cứu tập trung vào sức khỏe thể chất của bệnh nhân bao gồm: khỏe mạnh thể chất (physical well-being), khỏe mạnh chức năng (functional well-being) cùng các triệu chứng thực thể (physical symptoms).
Tôn giáo/tâm linh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất bằng hai cách: tự điều chỉnh thói quen và tự điều chỉnh cảm xúc[7]. Đối với tự điều chỉnh các thói quen, các tôn giáo thường khuyên các tín đồ có những thói quen sống lành mạnh như tránh rượu, thuốc lá, lạm dụng tình dục. Mặt khác, các cộng đồng tôn giáo có thể mang đến những sự giúp đỡ khác nhau như: đưa người bệnh đến bệnh viện, cung cấp các bữa ăn và hỗ trợ các chăm sóc cơ bản khác. Đối với tự điều chỉnh cảm xúc, các tôn giáo có thể thúc đẩy các cảm xúc tích cực thông qua các hoạt động xã hội. Trong khi đó, đức tin cho họ hy vọng, không bao giờ bỏ cuộc, niềm an ủi, tình yêu thường và những cảm xúc tích cực khác.
Chính vì vậy, với nghiên cứu này Jim và cộng sự hy vọng sẽ tìm thấy mối liên quan giữa tôn giáo/tâm linh và lợi ích sức khỏe thể chất của bệnh nhân ung thư.
Các khái niệm trong nghiên cứu:
- “Cảm tình” (affective dimension): Là những cảm xúc được trải nghiệm chủ quan liên quan đến tôn giáo/tâm linh. Chẳng hạn như chính bản thân họ cảm thấy những hiện tượng siêu nhiên, những điều đầy ý nghĩa và mục đích mà họ đã từng trải qua. Đồng thời họ thấy có sự kết nối với những nguồn sức mạnh lớn hơn bên trong chính mình cũng như có sự kết nối với Chúa/Phật.
- “Hành vi” (behavioral dimension): Là những thực hành hoặc những hành vi tôn giáo/tâm linh để chế ngự căng thẳng hoặc những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống liên quan đến bệnh ung thư hoặc quá trình điều trị. Ví dụ: thiền; cầu nguyện; tham gia các hoạt động tôn giáo; kết nối với những người cùng tôn giáo với các hoạt động hoặc các nhóm.
- “Nhận thức” (cognitive dimension): Là niềm tin của một cá nhân cho rằng tôn giáo/tâm linh là có thật. Chẳng hạn tin vào nhân quả, linh hồn, định mệnh và những niềm tin tôn giáo/tâm linh sẵn có.
- “Khác” (other): Là những trường hợp không được xếp vào 1 trong 3 khía cạnh trên hoặc bao hàm nhiều khía cạnh.
- “Sức khỏe thể chất” (physical health): Bao gồm khỏe mạnh thể chất (physical well-being – có khả năng thực hiện các hoạt động trong đời sống hàng ngày, từ việc tự chăm sóc bản thân cho đến các hoạt động thể chất nặng), khỏe mạnh chức năng (functional well-being – nhận thức được những khó khăn để hoàn thành các công việc ở nhà, cơ quan và trong cộng đồng phụ thuộc sức khỏe thể chất) và những triệu chứng thể chất tự báo cáo (self-reported physical symptoms – như sự mệt mỏi, đau, buồn ngủ, sự hiểu biết và các triệu chứng thể chất khác).
Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp phân tích gộp trên 32.000 bệnh nhân trong 101 mẫu nghiên cứu trước đó.
Tuổi trung bình của bệnh nhân là 57,4 tuổi. Trong 101 mẫu nghiên cứu: 26% mẫu nghiên cứu tập trung vào giai đoạn chẩn đoán và điều trị ung thư; 23% mẫu nghiên cứu tập trung vào giai đoạn theo dõi sau điều trị; 13% nghiên cứu tập trung vào giai đoạn chăm sóc cuối đời; 39% nghiên cứu còn lại có nhiều giai đoạn. Về loại ung thư mắc: 22% nghiên cứu về ung thư vú; 22% nghiên cứu về một loại ung thư khác (như ung thư đại trực tràng, trung thất); và 56% nghiên cứu về nhiều loại ung thư. Về giai đoạn bệnh khi được chẩn đoán: 8% mẫu nghiên cứu tập trung vào những bệnh nhân giai đoạn sớm (giai đoạn vi ung thư hoặc ung thư tại chỗ), 17% giai đoạn tiến triển (xâm lấn xung quanh hoặc di căn xa); 42% nhiều giai đoạn và 34% không đề cập đến giai đoạn bệnh.
Kết quả nghiên cứu
– Tôn giáo/tâm linh có sự liên quan rõ ràng với sức khỏe thể chất (p<0,001). Khi phân tích các khía cạnh, tác giả nhận thấy “cảm tình”, “nhận thức” và “khác” có liên quan với sức khỏe thể chất (p<0,05), trong khi “hành vi” không có sự liên quan (p=0,57).
– “Cảm tình” tôn giáo/tâm linh có liên quan với cả 3 khía cạnh của sức khỏe thể chất (khỏe mạnh thể chất; khỏe mạnh chức năng và các triệu chứng thể chất). “Nhận thức” tôn giáo/tâm linh có liên quan với khỏe mạnh thể chất và khỏe mạnh chức năng. Trong khi nhóm “khác” liên quan đến khỏe mạnh chức năng (p<0,05).
Kết luận
Tôn giáo/tâm linh giúp sức khỏe thể chất của bệnh nhân ung thư tốt hơn. Chính vì vậy, dành thời gian và những sự hỗ trợ về tôn giáo/tâm linh cho những bệnh nhân ung thư ở tất cả các giai đoạn, từ khi chẩn đoán đến chăm sóc cuối đời, là thực sự cần thiết.
2.2. Tôn giáo/tâm linh và sức khỏe xã hội của bệnh nhân ung thư
Sức khỏe xã hội (social health) có liên quan đến tôn giáo/tâm linh nói chung và từng khía cạnh riêng của tôn giáo/tâm linh (như “cảm tình”, “nhận thức”, “hành vi” và nhóm “khác” với p<0,05). Đây là kết quả nghiên cứu của Sherman và cộng sự khi tiến hành một phân tích gộp dựa trên 78 mẫu nghiên cứu độc lập với 14.277 bệnh nhân[8]. Mối quan hệ này rất có ý nghĩa trong các trung tâm chăm sóc bệnh nhân ung thư và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân về phương diện xã hội. Trên cơ sở này, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến giải quyết nhu cầu tôn giáo/tâm linh cho bệnh nhân ung thư cũng như cung cấp những hướng dẫn thực hành cho họ.
Tóm lại, tôn giáo và tâm linh là một phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều người trên thế giới và nó càng quan trọng hơn đối với bệnh nhân ung thư. Trong sự đau đớn cả về thể xác và tinh thần do bệnh tật gây ra, bệnh nhân ung thư thường tìm đến tôn giáo/tâm linh không chỉ để trả lời cho những câu hỏi của chính mình mà còn nhằm tìm cho mình một cách thức chữa bệnh khác với Y học hiện đại, cũng như tìm một con đường thực sự ý nghĩa trong thời gian hữu hạn còn lại của cuộc đời. Những bằng chứng khoa học cũng cho thấy tôn giáo/tâm linh ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe xã hội. Đó là những cơ sở để chúng ta chú trọng hơn đến khía cạnh tôn giáo/tâm linh trong các trung tâm chăm sóc bệnh nhân ung thư ở tất cả các giai đoạn, từ khi chẩn đoán bệnh cho đến giai đoạn cuối đời.
BS. Lê Văn Thành – Bệnh viện K
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- (2012), WIN-Gallup Global Index of Religiousity and Atheism, .
- Ross L.E., Hall I.J., Fairley T.L., et al. (2008). Prayer and Self-Reported Health Among Cancer Survivors in the United States, National Health Interview Survey, 2002. The Journal of Alternative and Complementary Medicine, 14(8), 931–938.
- Andrew W. Kneier Cancer: Religion and Spirituality. Stanford Medicine.
- Puchalski C.M. (2012). Spirituality in the cancer trajectory. Annals of Oncology, 23, iii49–iii55.
- Stefanek M., McDonald P.G., and Hess S.A. (2005). Religion, spirituality and cancer: Current status and methodological challenges. Psycho-Oncology, 14(6), 450–463.
- Jim H.S.L., Pustejovsky J.E., Park C.L., et al. (2015). Religion, spirituality, and physical health in cancer patients: A meta-analysis: Religion/Spirituality and Physical Health. Cancer, 121(21), 3760–3768.
- Aldwin C.M., Park C.L., Jeong Y.-J., et al. (2014). Differing pathways between religiousness, spirituality, and health: A self-regulation perspective. Psychology of Religion and Spirituality, 6(1), 9–21.
- Sherman A.C., Merluzzi T.V., Pustejovsky J.E., et al. (2015). A meta-analytic review of religious or spiritual involvement and social health among cancer patients: Religion/Spirituality and Social Health. Cancer, 121(21), 3779–3788.