Các triệu chứng lâm sàng
Mỗi tình huống lâm sàng sau đều có thể gặp ở mọi thể mô bệnh học của u nội sọ.
1. Hội chứng tăng áp lực nội sọ (TALNS)
– TALNS thường có xu hướng tiến triển nặng dần, đôi khi có diễn biến đột ngột do khối u chảy máu hoặc gây phù não diện rộng, với các triệu chứng:
+ Đau đầu: khởi phát với tính chất chu kỳ, xuất hiện trong khoảng thời gian đêm về sáng hàng ngày, sau đó giảm dần vào ban ngày.
+ Buồn nôn: kèm theo triệu chứng đau đầu, không kèm theo các triệu chứng khác liên quan đến hệ tiêu hoá.
+ Nôn: đặc trưng bởi biểu hiện nôn vọt (không kèm theo buồn nôn trước đó), đau đầu cải thiện sau nôn. Đôi khi, triệu chứng nôn vọt xuất hiện đơn lẻ, không kèm theo đau đầu và buồn nôn, dễ gây đánh lạc hướng chẩn đoán của bác sĩ lâm sàng.
+ Thay đổi khả năng nhận thức: giảm trí nhớ, lú lẫn, phản ứng chậm chạp, diễn biến nặng dần đến hôn mê.
+ Liệt dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI) dẫn đến triệu chứng nhìn đôi, lưu ý, không có giá trị khu trú vị trí tổn thương.
– Triệu chứng của thoát vị não:
+ Thoát vị thuỳ thái dương: xảy ra với những khối u trên lều tiểu não, biểu hiện chèn ép thân não, liệt nửa người, dấu hiệu tổn thương bó tháp, liệt dây III (thần kinh vận nhãn) dẫn đến nhìn đôi, giãn đồng tử một bên mất phản xạ ánh sáng, sụp mi.
+ Thoát vị hạnh nhân tiểu não: xảy ra với những khối u hố sau với biểu hiện cứng gáy, vẹo cổ, diễn biến nặng khi xuất hiện rối loạn nhịp thở, nhịp tim, huyết áp và dẫn đến tử vong.
2. Động kinh
– Động kinh cục bộ, có thể có giá trị định hướng vị trí tổn thương, không kèm theo mất ý thức:
+ Động kinh vận động (cơn Bravais-Jackson): dễ nhận dạng với những cơn co giật khởi phát từ các đầu chi.
+ Động kinh phức tạp với các triệu chứng liên quan đến các chức năng thần kinh tinh tế: các triệu chứng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác; các biểu hiện bất thường về phát âm hay nuốt, các rối loạn về thần kinh thực vật, trí nhớ… Các cơn động kinh phức tạp (Ví dụ: động kinh thuỳ thái dương) có thể gây khó khăn cho các bác sĩ lâm sàng trong việc nhận dạng và định hướng chẩn đoán.
– Động kinh cần được nghĩ đến khi đứng trước các triệu chứng thần kinh xuất hiện với tính chất từng cơn, tự kết thúc và đơn điệu.
– Cơn động kinh toàn thể có thể xuất hiện từ đầu hoặc là diễn biến tăng dần từ những cơn động kinh cục bộ trước đó.
– Chỉ định chụp MRI não và điện não đồ là những thăm dò đầu tay bắt buộc cho mọi trường hợp động kinh.
3. Triệu chứng thần kinh
– Các triệu chứng thần kinh khu trú, xuất hiện tuần tự theo thời gian, tương ứng với sự phát triển của khối u nội sọ, thường được liên hệ với hình ảnh “vết dầu loang”.
– Triệu chứng vận động: liệt một chi, liệt nửa người, kèm theo hội chứng bó tháp (dấu hiệu Babinski) với những khối u thuỳ trán.
– Triệu chứng cảm giác: giảm cảm giác hoặc loạn cảm với những khối u thuỳ đỉnh.
– Thất ngôn với những khối u thuỳ thái dương ưu thế (bên thuận).
– Triệu chứng thị giác: giảm hoặc mất thị lực một bên hoặc cả hai bên, bán manh với những khối u phần trong thuỳ dương và/hoặc thuỳ chẩm.
4. Các rối loạn về nhận thức và hành vi
– Hội chứng trầm cảm, lú lẫn, sa sút trí tuệ tiến triển nhanh chóng, hội chứng thuỳ trán đều có thể gây ra bởi các khối u nội sọ. Do đó, một thăm dò hình ảnh với cộng hưởng từ não là bắt buộc trước khi có thể hướng đến các bệnh lý tâm thần hay lão hoá.
5. Các dấu hiệu gợi ý vị trí và/hoặc loại khối u
– Rối loạn thăng bằng, chóng mặt, thất điều và/hoặc hội chứng tiểu não gợi ý các khối u hố sau.
– Triệu chứng do tổn thương thần kinh sọ theo từng cặp điển hình trong những khối u thân não hoặc màng não.
– Triệu chứng về thính giác xuất hiện một bên giúp định hướng đến u dây thần kinh số VIII.
– U tuyến yên có thể gây ra biểu hiện thay đổi thị trường do chèn ép vào giao thoa thị giác hoặc các hội chứng về nội tiết do tăng tiết các hormon (prolactin, corticoid trong hội chứng Cushing, hormon phát triển GH trong hội chứng to đầu chi).
– Đa hồng cầu có thể là dấu hiệu gợi ý chẩn đoán u nguyên bào mạch máu thường gặp ở tiểu não (Hemangioblastoma trong hội chứng Von Hippel Lindau).
6. U nội sọ được phát hiện tình cờ
– Các khối u nội sọ có thể được phát hiện trong những bệnh cảnh cấp cứu về thần kinh liên quan đến chảy máu bên trong khối u hoặc chảy máu màng não hay trong não thất và/hoặc cơn tăng áp lực nội sọ đột ngột.
– Các khối u phát triển chậm như u màng não, glioma độ mô học thấp có thể được phát hiện tình cờ qua các thăm dò chẩn đoán khi người bệnh đến khám với các triệu chứng không điển hình (đau đầu mãn tính, chóng mặt…), hoặc sau chấn thương vùng đầu.
Xem thêm: Video hướng dẫn khám 12 dây thần kinh sọ – Đại học Y Hà Nội
Bài viết được biên soạn dựa trên Cẩm nang lâm sàng Ung thư học UICC 2015 và ECN Cancerologie.
Mọi ý kiến đóng góp, quý độc giả vui lòng để lại lời bình trong phần bàn luận dưới mỗi bài viết.