Tại sao không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi?
Hàng năm có tới 20% số bệnh nhân tử vong do ung thư phổi tại Mỹ không hút thuốc, tức là có khoảng 16000-24000 người. Nếu tách riêng ung thư phổi ở người không hút thuốc lá thành một nhóm, thì nó nằm trong top 10 ung thư gây tử vong hàng đầu tại Mỹ.
Không hút thuốc lá vẫn là biện pháp phòng ngừa ung thư phổi quan trọng nhất. Nhưng vẫn có những yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi khác. Các nhà nghiên cứu mất rất nhiều công sức để tìm ra nguyên nhân gây ung thư phổi ở người không hút thuốc lá:
- Khí Radon. Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở người không hút thuốc là tiếp xúc với khí Radon, theo EPA (Environmental Protection Agency). Khí Radon ở ngoài trời có số lượng rất ít, không gây hại. Nhưng ở trong nhà, khí Radon có thể tích tụ lại cùng với khí uranium tự nhiên. Các nghiên cứu đã chỉ ra: nhóm người sống trong những căn nhà có khí Radon một thời gian dài có nguy cơ ung thư phổi cao hơn. Nguy hiểm hơn, khí Radon không màu, không mùi, không vị nên rất khó có thể phát hiện.
- Hút thuốc thụ động. Mỗi năm có khoảng 7330 người trưởng thành chết vì ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động. Nhiều luật lệ cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã được ban hành. ACS CAN (American Cancer Society Cancer Action Network) (một tổ chức phi lợi nhuận – phi chính phủ ở Mỹ) đang nỗ lực để mở rộng phạm vi áp dụng những điều luật này. Mục đích cuối cùng là giảm thiểu mối nguy hại từ hút thuốc lá thụ động cho người dân.
- Các chất gây ung thư tại nơi làm việc. Một số công nhân phải làm việc ở những nơi tiếp xúc trực tiếp với chất gây ung thư như amiang, xăng dầu. Tại Mỹ, trong những năm gần đây, chính phủ đang quyết tâm giảm thiểu những nơi có điều kiện làm việc độc hại. Đối với những công nhân vẫn phải làm việc ở môi trường độc hại, việc quan trọng nhất là áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động, giảm thấp nhất việc tiếp xúc với các chất gây ung thư.
- Ô nhiễm không khí. Chúng ta đã biết từ rất lâu rằng ô nhiễm không khí có thể gây ung thư phổi. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí là một tác nhân gây ung thư (carcinogen).
- Đột biến gen. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu “điều gì đã biến một tế bào bình thường thành tế bào ung thư?” và “sự khác nhau giữa các tế bào ung thư ở nhóm có hút thuốc và không hút thuốc là gì?”. Một bài báo đăng trên Clinical Cancer Research đã chứng tỏ rằng đột biến gen ở những người mắc ung thư phổi không hút thuốc nhiều hơn người bị ung thư phổi mà có hút thuốc. Những đột biến này làm tế bào tăng phân bào không kiểm soát, khối u phát triển nhanh chóng. Hiểu biết về đột biến gen còn được ứng dụng trong điều trị ung thư, đó là “điều trị nhắm trúng đích”, đem lại nhiều hiệu quả cho người bệnh.
Một lối sống khỏe mạnh làm giảm nguy cơ ung thư phổi
Chỉ cần không hút thuốc đã giảm được nguy cơ lớn đối với ung thư phổi. Nghiên cứu đã chứng minh nam giới hút thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi gấp 15 lần so với phụ nữ có hút thuốc, và gấp 26 lần những người không hút thuốc. Tuy nhiên những người không hút thuốc cũng cần phải có một lối sống khỏe mạnh để phòng ung thư phổi. Chế độ ăn với nhiều rau quả làm giảm nguy cơ ung thư phổi cho cả những người có hút thuốc và không hút thuốc Tuy nhiên hiệu quả của chế độ ăn nhiều rau quả trong việc làm giảm nguy cơ ung thư phổi nhỏ hơn rất nhiều so với sự tăng nguy cơ ung thư phổi từ việc hút thuốc lá. Do đó kết hợp nhiều biện pháp để có thể phòng ngừa ung thư phổi.
Nguồn: http://www.cancer.org/cancer/news/features/why-lung-cancer-strikes-nonsmokers