Quản lý tình huống gián đoạn ngoài dự kiến liệu trình xạ trị

Theo hướng dẫn của Royal College of Radiologists (Phiên bản 4 – 2019)

A. Gián đoạn ngoài dự kiến liệu trình xạ trị triệt căn – Những nguyên nhân phổ biến?

Liệu trình xạ trị tiêu chuẩn được diễn ra theo hình thức “Trải liều”, khi đó, một tổng liều sẽ được chia nhỏ thành các phân liều, mỗi phân liều/ngày trong 5 ngày làm việc/tuần.

Những kiến thức về sinh học trong xạ trị đã cho chúng ta hiểu rõ khoảng thời gian giữa các lần chiếu xạ (Giữa các phân liều) là cần thiết cho quá trình sửa chữa (“Reparation”) các tổn thương do bức xạ ở các tế bào lành của cơ thể. Tuy nhiên, hiện tượng phục hồi “không mong muốn” cũng sẽ xảy ra ở các tế bào ung thư, và dẫn đến sự tái lập số lượng của quần thể tế bào ung thư (“Repopulation”). Để đạt được kết quả tối ưu, liệu trình xạ trị cần được hoàn thành trong thời gian dự kiến. Việc gián đoạn, kéo dài liệu trình sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị.

Theo một thống kê trên những bệnh nhân ung thư đầu cổ được thực hiện tại RCR (Royal College of Radiologist – UK), có 63% bệnh nhân có ít nhất 1 đợt gián đoạn liệu trình xạ trị. Những nguyên nhân thường gặp gồm:

  • Ngày nghỉ nhân các dịp lễ
  • Sự cố hệ thống máy xạ trị
  • Những vấn đề liên quan đến người bệnh: Yếu tố tâm lý, tác dụng phụ trong liệu trình điều trị…

B. Ảnh hưởng của thời điểm và khoảng thời gian gián đoạn đến kết cục điều trị: Có hay không? Như thế nào?

Ngày càng có nhiều hơn dữ kiện y văn đưa ra bằng chứng cho thấy việc gián đoạn ngoài dự kiến liệu trình xạ trị dẫn đến kéo dài tổng thời gian điều trị sẽ làm xấu đi kết quả kiểm soát tại chỗ và tỷ lệ điều trị khỏi với một số bệnh lý ung thư. Nhận định này đã được ghi nhận với các tình huống:

  • Xạ trị triệt căn
  • Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật triệt căn
  • Kết hợp xạ trị áp sát và xạ trị ngoài
  • Hóa xạ trị kết hợp

Những bệnh lý ung thư được báo cáo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của gián đoạn liệu trình xạ trị, gồm có:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy vùng đầu cổ (HNSCC)
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư phổi tế bào nhỏ và không tế bào nhỏ
  • Ung thư thực quản
  • U nguyên bào tủy và các khối u ngoại bì thần kinh nguyên phát (PNET)
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy của hậu môn.

Một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi trên thực hành lâm sàng rằng những khối u có độ ác tính càng cao, tốc độ phát triển càng nhanh thì ảnh hưởng của việc gián đoạn liệu trình xạ trị càng rõ rệt, mặc dù, chúng ta chưa có đầy đủ dự liệu bằng chứng đối với tất cả các thể khối u. Ngược lại, các khối u tiến triển chậm như ung thư biểu mô tuyến tiền liệt ít chịu tác động của việc kéo dài liệu trình xạ trị do những gián đoạn ngoài dự kiến.

Ngưỡng tối thiểu của khoảng thời gian gián đoạn sẽ gây ra các ảnh hưởng đáng kể trên kết quả kiểm soát tại chỗ, rất khó để xác định. Kết quả từ các nghiên cứu liệu trình xạ trị ngắt quãng (Split-Course therapy) cho thấy việc gián đoạn 14-16 tuần chắc chắn có ảnh hưởng đến kết cục điều trị. Tỷ lệ kiểm soát khối u tại chỗ giảm tương đối 3-25% (trung vị 14%) với mỗi tuần lễ kéo dài thêm liệu trình xạ trị. Dữ liệu trên những bệnh nhân HNSCC, ung thư cổ tử cung và phổi cho thấy mỗi một ngày gián đoạn ngoài dự kiến, nếu không được quản lý “bù liều”, tỷ lệ kiểm soát tại chỗ sẽ giảm tuyệt đối 1,0-1,4%.

Ý nghĩa của thời điểm xảy ra gián đoạn trong liệu trình điều trị vẫn còn là một đề tài tranh luận. Hiện tượng tái lập quần thể tế bào u được ghi nhận thường trở nên mạnh mẽ sau 28 ngày kể từ khi bắt đầu liệu trình xạ trị, thể hiện qua hệ số k (Yếu tố xác định liều xạ trị đã “bị bỏ phí” do sự tái lập quần thể tế bào u). Giả thuyết đặt ra là khoảng gián đoạn nếu xảy ra ở một liệu trình xạ trị ngắn hoặc trước ngày thứ 28 của một liệu trình xạ trị dài ngày sẽ có những ảnh hưởng khác biệt so với khi xảy ra ở giai đoạn sau của liệu trình. Và chiến lược bù liều trong 2 trường hợp, vì thế, sẽ khác nhau. Khắc phục cho việc gián đoạn ở giai đoạn sau của liệu trình xạ trị sẽ khó khăn hơn, thường đòi hỏi một số phân liều xạ lớn hơn trong một thời gian ngắn, dẫn đến tăng nguy cơ xuất hiện của các tác dụng phụ muộn.

C. Phòng tránh tình huống gián đoạn liệu trình xạ trị ngoài dự kiến

Cơ sở xạ trị nên được xây dựng với các hệ thống máy xạ trị ghép cặp, có thể thay thế lẫn nhau khi một trong hai hệ thống gặp sự cố. Khi đó, người bệnh đang điều trị tại hệ thống máy thứ nhất, khi sự cố xảy ra, có thể được thực hiện ngay buổi chiếu xạ tại hệ thống máy thứ hai và như vậy, tránh được việc gián đoạn liệu trình xạ trị.

Người bệnh và gia đình cần được giải thích rõ tầm quan trọng của việc liệu trình xạ trị được diễn ra liên tục, chú trọng chăm sóc tâm lý, duy trì động lực, quyết tâm điều trị trong suốt liệu trình.

Có chiến lược dự phòng chủ động, chăm sóc tích cực hạn chế các tác dụng phụ cấp tính xuất hiện trong liệu trình xạ trị. Ví dụ: Kiểm tra tình trạng răng miệng vả xử trí các nguy cơ viêm nhiễm trước xạ trị vùng đầu cổ, kế hoạch chăm sóc toàn diện dự phòng các tác dụng phụ của xạ trị vùng đầu cổ: Chăm sóc vệ sinh răng miệng, mũi họng, dinh dưỡng, khắc phục thiếu hụt nước bọt…

D. Các phương pháp quản lý tình huống gián đoạn ngoài dự kiến liệu trình xạ trị triệt căn

Một số giải pháp có thể được thực hiện với hy vọng giảm thiểu những hệ quả của việc kéo dài liệu trình xạ trị trong tình huống gián đoạn ngoài dự kiến. Bác sĩ lâm sàng lựa chọn giải pháp phù hợp dựa trên từng tình huống của người bệnh cụ thể, nguyên nhân và khoảng thời gian gián đoạn, điều kiện cơ sở vật chất và quy định của mỗi cơ sở xạ trị.

1. Chuyển sang hệ thống máy xạ trị thứ hai

Ở cơ sở xạ trị có thiết kế hệ thống xạ trị theo từng cặp máy có khả năng thay thế nhau, khi xảy ra sự cố kỹ thuật tại một trong hai máy, người bệnh sẽ được chuyển sang máy thứ hai và thực hiện buổi điều trị trong cùng ngày, không để liệu trình gián đoạn. Đây là giải pháp tối ưu trong tình huống liệu trình xạ trị có nguy cơ gián đoạn do hệ thống máy điều trị gặp sự cố.

Để thực hiện được giải pháp này trên thực hành lâm sàng, cơ sở xạ trị không chỉ cần đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị mà còn cần có sẵn bộ quy tắc xử trí khi gặp gián đoạn liệu trình xạ trị ngoài dự kiến, trong đó có tình huống sự cố kỹ thuật xảy ra tại hệ thống máy điều trị, nhằm tạo thuận lợi cho việc điều phối nhân lực, sắp xếp lịch điều trị bổ sung và ê kíp thực hiện.

2. Tăng tốc liệu trình điều trị

Khi liệu trình điều trị chỉ bị gián đoạn trong một vài ngày, tổng thời gian của liệu trình xạ trị có thể được bảo toàn với chiến lược tăng tốc, bằng cách thực hiện các buổi xạ trị vào thứ 7 và chủ nhật hoặc xạ trị hai phân liều/ngày trong một số ngày điều trị còn lại. Giải pháp này có thể không khả thi với chính sách hoạt động của phần lớn cơ sở xạ trị tại nước ta.

Khi thực hiện hai phân liều/ngày, khoảng cách giữa hai lần chiếu xạ tối thiểu là 6 giờ. Bên cạnh đó, chiến lược này không được khuyến cáo cho phân liều lớn hơn 2,3 Gy.

3. Giải pháp bù liều dựa trên sinh học bức xạ

Nếu gián đoạn xảy ra ở giai đoạn sau của liệu trình xạ trị, phương án tăng tốc như trên khó có thể thực hiện, trong trường hợp này, giải pháp tăng tổng liều xạ và/hoặc kích thước phân liều được đặt ra dựa trên các tính toán dựa trên sinh học bức xạ.

Dale và cộng sự (2002) đưa ra bảng tóm tắt các phương án quản lý tình huống gián đoạn ngoài dự kiến liệu trình xạ trị cùng các lợi ích và khó khăn tiềm tàng:

Tiến trình tính toán

Một số điểm lưu ý:

– Những tính toán sau đây dựa trên một mô hình kinh điển trong sinh học bức xạ: Mô hình bình phương tuyến tính (Linear-quadratic model) trong dự đoán đáp ứng của các tế bào u và mô lành với liệu trình xạ trị.

– Dữ liệu đầu vào bao gồm những tham số thay đổi giữa các khối u, mô lành và khoảng thời gian gián đoạn, được bác sĩ lâm sàng cân nhắc lựa chọn, sẽ phản ánh các kết quả tính toán khác nhau. Điều này nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của bác sĩ lâm sàng xạ trị.

Khi một gián đoạn ngoài dự kiến xảy ra:

– Bước 1:

Xác định thời gian còn lại của liệu trình dự kiến và số phân liều tương ứng.

– Bước 2:

Tính liều hiệu ứng sinh học (Biologically Effective Dose – BED) cho mô lành trong liệu trình xạ trị dự kiến, sử dụng công thức Eq(A). Chú ý, cần sử dụng liều thực tế trên mô lành trong kế hoạch xạ trị ban đầu nếu giá trị khác với liều chỉ định trên khối u.

– Bước 3:

Xác định mức BED mô lành đã nhận cho đến trước thời điểm gián đoạn, tiếp tục sử dụng công thức Eq(A).

– Bước 4:

Chênh lệch giữa kết quả giá trị BED từ bước 2 và bước 3 giúp xác định mức BED mà mô lành sẽ có thể “tiếp tục nhận” trong khoảng liệu trình sau gián đoạn.

– Bước 5:

Xem xét các lựa chọn phương án khả thi để thực hiện liệu trình xạ sau gián đoạn và chọn ra phương án tối ưu với khoảng thời gian kéo dài liệu trình tối thiểu và biến đổi phân liều có thể chấp nhận được. Với phương án được lựa chọn, tính toán giá trị BED khối u nhận được tương ứng, sử dụng Eq(B).

Đánh giá lại kết quả BED trên khối u và mô lành, so sánh với giá trị BED trên khối u trong kế hoạch xạ trị ban đầu, quyết định cuối cùng phương án được lựa chọn có phù hợp hay không dựa trên xem xét tổng thể về tình trạng lâm sàng của người bệnh, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của nỗ lực phục hồi hiệu quả của liệu trình xạ trị sau thời gian gián đoạn. Thông thường, chúng ta sẽ cần chấp nhận một sự thiếu hụt có thể chấp nhận được của giá trị BED trên khối u sau tính toán “bù liều” so với giá trị BED trong kế hoạch ban đầu để đảm bảo giới hạn BED an toàn cho các cơ quan nguy cấp quan trọng.

Một số ví dụ:

Các ví dụ 1-3 minh họa cách tiếp cận quản lý khoảng gián đoạn 5 ngày trong liệu trình xạ trị một bệnh nhân khối u đầu cổ với tổng liều 70 Gy / 35 phân liều dự kiến kéo dài 46 ngày (Bắt đầu vào thứ 2 tuần đầu tiên, 5 ngày mỗi tuần trong 7 tuần, kết thúc vào thứ 6 tuần cuối cùng, không điều trị trong những ngày nghỉ cuối tuần). Những phác đồ xạ trị khác, phổ biến kéo dài trong 5-6 tuần, cũng có thể được quản lý với cách tiếp cận tương tự.

Ví dụ 1: Nghỉ toàn bộ 5 buổi của tuần điều trị thứ 3 (5 phân liều) trong phác đồ 70 Gy/35 phân liều/46 ngày

Giả sử liệu trình điều trị được bắt đầu vào thứ 2 tuần thứ 1, liệu trình dự kiến kéo dài 46 ngày. Sau gián đoạn, người bệnh trở lại điều trị vào thứ 2 tuần thứ 4. 10 phân liều đã được thực hiện và còn lại 25 phân liều và 26 ngày tính đến thời điểm hoàn thành liệu trình dự kiến.

Phương án 1: Thực hiện xạ trị 20 phân liều trong các ngày thứ 2 đến thứ 6 của 4 tuần lễ còn lại và 5 phân liều vào 6 ngày cuối tuần, liệu trình điều trị sẽ kết thúc tại thời điểm dự kiến ban đầu. Phương án này sẽ không thay đổi kích thước phân liều và tổng thời gian điều trị, vì vậy, có thể được xem là phương án tối ưu cho trường hợp này.

Phương án 2: Nếu việc điều trị vào ngày cuối tuần là không khả thi, một phương án tốt khác có thể lựa chọn, đó là thực hiện 2 phân liều/ngày vào 5 trong số 20 ngày điều trị còn lại. Khoảng cách giữa 2 phân liều trong cùng một ngày cần được đảm bảo tối thiểu là 6 giờ. Các ngày xạ trị 2 phân liều cũng được khuyến cáo không liên tiếp và nên chọn thứ 6 để khoảng nghỉ cuối tuần sau đó là cơ hội tốt cho quá trình hồi phục của mô lành trước đi đến với tuần điều trị tiếp theo.

Trong những phác đồ phân liều lớn hơn 2 Gy, chiến lược quản lý gián đoạn với xạ trị 2 phân liều/ngày cần được xem xét rất thận trọng.

Ví dụ 2: Nghỉ toàn bộ 5 buổi điều trị của tuần thứ 6 trong phác đồ 70 Gy/35 phân liều/46 ngày

Sau gián đoạn, điều trị trở lại vào ngày thứ 2 của tuần thứ 7. 25 buổi xạ trị đã được thực hiện, còn lại 10 phân liều và 5 ngày điều trị theo liệu trình dự kiến.

Phương án 1: 10 phân liều sẽ được thực hiện trong 5 ngày điều trị còn lại để liệu trình xạ trị không bị kéo dài. Người bệnh được chiếu xạ 2 phân liều mỗi ngày, mỗi lần chiếu cách nhau tối thiểu 6 giờ, trong tuần điều trị cuối cùng. Phương án này sẽ không thay đổi kích thước mỗi phân liều và tổng thời gian của liệu trình điều trị.

Phương án 2: Một giải pháp được xem là tốt hơn với việc sử dụng cả 2 ngày cuối tuần giữa tuần thứ 6 và tuần thứ 7. Thứ 2-4-6, xạ trị 2 phân liều/ngày, và mỗi ngày 1 phân liều được thực hiện cho 4 ngày còn lại của tuần cuối cùng. Lựa chọn này cho phép giãn cách tối ưu các ngày xạ trị 2 phân liều, hạn chế tổn thương quá mức mô lành và có thêm thời gian để phục hồi.

Ví dụ 3: Nghỉ toàn bộ tuần điều trị thứ 7 (5 phân liều) trong phác đồ 70 Gy/35 phân liều/46 ngày

Trong tình huống này, liệu trình điều trị chắc chắn phải kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu. Tiến trình tính toán được thực hiện:

– BED trên mô lành trong kế hoạch dự kiến (Công thức Eq(A)):

35 x 2 x [1+2/3] = 116,7 Gy3

– BED3 đã nhận trước thời điểm gián đoạn (Sau 30 phân liều):

30 x 2 x [1+2/3] = 100 Gy3

– BED3 còn có thể nhận được sau thời gian gián đoạn, nếu không muốn tăng nguy cơ tác dụng phụ:

116,7 – 100 = 16,7 Gy3

– BED trên khối u trong kế hoạch dự kiến, sử dụng công thức Eq(B), K = 0,9 và Tdelay = 28 ngày:

35 x 2 x [1+2/10] – (46 – 28) x 0,9 = 67,8 Gy10

Giả sử, người bệnh được xạ trị 5 phân liều còn lại trong tuần thứ 8 với kích thước phân liều không đổi (2 Gy). Khi đó, liệu trình điều trị sẽ kéo dài hơn dự kiến 7 ngày, với hệ số K = 0,9 Gy/ngày, BED10 tại khối u sẽ thấp hơn mục tiêu ban đầu 7 x 0,9 = 6,3 Gy10, tương ứng trên 9%. BED3 trên mô lành đáp ứng muộn giữ nguyên giá trị ban đầu.

Nếu liệu trình xạ trị tiếp tục ngày tại thứ 7 và chủ nhật của tuần thứ 7 và hoàn thành sau 3 ngày điều trị trong tuần thứ 8, liệu trình điều trị sẽ chỉ kéo dài thêm 5 ngày, tương ứng, BED10 giảm 5 x 0,9 = 4,5 Gy10 (6,6%). Nếu thực hiện 2 phân liều/ngày vào thứ 7 và thứ 2, 1 phân liều còn lại vào chủ nhật, thời gian điều trị kéo dài còn 3 ngày, BED10  giảm 3 x 0,9 = 2,7 Gy (4%).

Trong những cách tiếp cận trên, liều BED3 được giữ nguyên so với kế hoạch dự kiến ban đầu và BED đến khối u sẽ sụt giảm một phần nhất định “chấp nhận được”.

Khi chúng ta ưu tiên việc bảo toàn giá trị BED đến khối u, tổng liều xạ trị sẽ được tăng thêm, cùng với nó là giá trị BED3 trên các mô lành. Nhóm các mô lành đáp ứng muộn nhạy cảm với sự thay đổi kích thước phân liều. Vì vậy, tăng kích thước phân liều giúp “bù đắp” ảnh hưởng của việc kéo dài liệu trình điều trị, nhưng cũng sẽ dẫn đến tăng BED3 tại mô lành với một tỷ lệ ưu thế hơn so với trên khối u.

Giả định phương án xạ trị 5 buổi còn lại bắt đầu ngay từ thứ 7 của tuần thứ 7 được lựa chọn, khi đó liệu trình xạ trị trải qua tổng cộng 46 + 5 = 51 ngày.

Mục tiêu bảo toàn giá trị BED10 (67,8 Gy) được đặt ra, do đó:

BED10(trước gián đoạn) + BED10(sau gián đoạn) – Yếu tố tái phục hồi quẩn thể tế bào u = BED10(Chỉ định)

Hay:

30 x 2 x [1 + 2/10] + 5 x d x [1 + d/10] – (51 – 28) x 0,9 = 67,8 Gy10

Trong đó, d là giá trị phân liều sẽ được sử dụng trong 5 buổi xạ còn lại. Kết quả d = 2,62 Gy để có thể bảo toàn giá trị BED10 như chỉ định ban đầu.

Đối với tổ chức mô lành, việc bù liều đến khối u dẫn đến tăng BED3:

BED3(trước gián đoạn) + BED3(sau gián đoạn)

= 100 + 5 x 2,62 x [1 + 2,62/3] = 124,5 Gy3

So với dự kiến trong kế hoạch ban đầu (116,7 Gy3), việc phải bù liều do gián đoạn dẫn đến gia tăng 6,7% giá trị BED3 đối với tổ chức mô lành của liệu trình xạ trị. Có thể quy đổi thành liệu trình xạ trị với phân liều 2 Gy có hiệu quả sinh học tương đương:

Tổng liều xạ với phân liều 2 Gy x [1 + 2/3] = 124,5

Tổng liều xạ với phân liều 2 Gy sẽ là 74,7 Gy. Như vậy, với phương án bù liều này, tổ chức mô lành nhận mức liều BED3 tương đương với khi trải qua liệu trình xạ trị gồm 37 phân liều 2 Gy.

Nếu giá trị này của BED3 vượt quá giới hạn có thể chấp nhận của tổ chức mô lành, mục tiêu bảo toàn BED10 là không khả thi. Khi đó, mục tiêu phù hợp là giảm thiểu tối đa sự thiếu hụt BED10 đến khối u bên cạnh chỉ đòi hỏi gia tăng BED3 trong giới hạn dung nạp của mô lành.

Thử lựa chọn phân liều 2,3 Gy cho 5 buổi xạ trị còn lại, BED đến khối u và tổ chức mô lành lúc này:

BED10 =  30 x 2 x [1 + 2/10] + 5 x 2,3 x [1 + 2,3/10] – (51 – 28) x 0,9 = 65,4 Gy10

BED3 = 30 x 2 x [1 + 2/3] + 5 x 2,3 x [1 + 2,3/3] = 120,3 Gy3

Như vậy, với phân liều 2,3 Gy, giá trị BED10 giảm 3,5% và BED3 tăng 3,1% so với liệu trình không gián đoạn dự kiến ban đầu. Các kích thước phân liều khác cũng có thể được đánh giá với cách làm tương tự cho đến khi đạt được kết quả BED10 và BED3 mong muốn.

Ví dụ 4: Nghỉ toàn bộ tuần điều trị thứ 6 và 7 (10 phân liều) trong phác đồ 70 Gy/35 phân liều/46 ngày

Như trong ví dụ 3, ở tình huống này, khi gián đoạn xảy ra vào giai đoạn sau của liệu trình xạ trị, việc kéo dài tổng thời gian điều trị là khó tránh khỏi.

Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của việc liệu trình điều trị kéo dài ngoài dự kiến, phân liều với kích thước lớn hơn sẽ phải được lựa chọn nếu phương án tăng số phân liều/ngày không thể thực hiện.

Đầu tiên, chúng ta hãy thử hoàn thành liệu trình điều trị trong 5 buổi xạ trị vào tuần thứ 8. Khi đó, liệu trình điều trị tổng cộng sẽ là 53 ngày (Kéo dài thêm 7 ngày). Mục tiêu đặt ra trước tiên là bảo toàn giá trị BED3 đến mô lành (116,7 Gy3), phân liều d sẽ được xác định qua công thức:

BED3(trước gián đoạn) + BED3(Sau gián đoạn) = Giá trị BED3 cần đạt được

25 x 2 x [1 + 2/3] + 5 x d x [1 + d/3] = 116,7 Gy3

d = 3,22 Gy

Lúc này:

BED10 = 25 x 2 x [1 + 2/10] + 5 x 3,22 x [1 + 3,22/10] – (53 – 28) x 0,9 = 58,8 Gy10

Như vậy, mặc dù đã sử dụng phân liều lớn trong 5 buổi điều trị còn lại, BED10 đến khối u vẫn giảm đi 13,2% so với kế hoạch dự kiến.

Nếu hai ngày nghỉ cuối tuần thứ 7 được sử dụng, khi đó, còn có thể thực hiện thêm 7 phân liều 2,57 Gy và BED10 sẽ đạt 60,1 Gy10.

Nếu trong 7 ngày điều trị còn lại, 4 ngày xạ trị 2 phân liều xen kẽ với 3 ngày 1 phân liều, tổng cộng 11 phân liều 1,87 Gy sẽ được thực hiện, BED10 đạt 61,9 Gy10, vẫn thấp hơn 8,7% so với kế hoạch dự kiến (67,8 Gy10).

Trong trường hợp xạ trị ngày nghỉ cuối tuần hay 2 phân liều/ngày không thể thực hiện, liệu trình điều trị có thể phải kéo dài thêm 2 tuần, tổng cộng 46 + 14 = 60 ngày. Kích thước phân liều d sẽ được lựa chọn lại để bảo toàn giá trị BED10:

BED10(trước gián đoạn) + BED10(sau gián đoạn) – yếu tố tái phục hồi quần thể tế bào u

25 x 2 x [1 + 2/10] + 10 x d x [1 + d/10] – (60 – 28) x 0,9 = 67,8 Gy10

d = 2,85 Gy

Lúc này:

BED3 = 25 x 2 x [1 + 2/3] + 10 x 2,85 x [1+2,85/3] = 138,9 Gy3, cao hơn 19% so với kế hoạch ban đầu.

Kết quả này minh họa cho một vấn đề căn bản luôn đặt ra trong tình huống gián đoạn xảy ra và liệu trình điều trị bắt buộc kéo dài hơn ngoài dự kiến: Rất khó khăn để có thể “bảo toàn” hiệu quả sinh học của liệu trình xạ trị (BED10), người bệnh phải đối mặt nguy cơ độc tính tại mô lành cao hơn (Gia tăng BED3 đến mô lành trong giới hạn cho phép), để đạt được hiệu quả kiểm soát khối u “tối ưu nhất có thể” (Giá trị BED10 sụt giảm tối thiểu so với kế hoạch ban đầu).

—Hết—

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *