Nghiên cứu của Remco J. Molenaar, Surbhi Sidana và cộng sự được đăng trên tạp chí lâm sàng Ung thư học (Journal of Clinical Oncology – JCO) của ASCO cho thấy những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá được điều trị với I ốt phóng xạ (I131) phải đối mặt nguy cơ phát sinh sớm một số bệnh lý ác tính của hệ tạo máu bao gồm bệnh bạch cầu dòng tuỷ cấp và mạn.
Ung Thư Học xin được gửi đến bạn đọc bản tóm lược nghiên cứu này.
Mục đích nghiên cứu:
Đánh giá nguy cơ mắc ung thư thứ 2 tại hệ tạo máu và kết quả điều trị ở quần thể bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá (UTTG thể BH) có và không có điều trị I ốt phóng xạ.
Các tác giả: Remco J. Molenaar, Surbhi Sidana, Tomas Radivoyevitch, Anjali S. Advani, Aaron T. Gerds, Hetty E. Carraway
Phương pháp nghiên cứu:
Những bệnh nhân UTTG thể BH được xác định từ dữ liệu ghi nhận ung thư của SEER. Phân tích hồi quy nguy cơ cạnh tranh (Competing risk regression analysis) được sử dụng để tính các nguy cơ mắc ung thư thứ hai tại hệ tạo máu sau điều trị UTTG và kết quả điều trị cho người bệnh sau khi ung thư thứ hai được chẩn đoán.
Kết quả được lưu ý:
Trong dữ liệu thu nhận được từ 148215 bệnh nhân UTTG thể biệt hoá, 53% bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật đơn thuần, 47% được điều trị bổ trợ bằng I ốt phóng xạ. Tổng cộng có 783 trường hợp được phát hiện ung thư thứ 2 tại hệ huyết học sau một khoảng thời gian (trung vị) 6,5 năm từ thời điểm chẩn đoán UTTG.
Phân tích đa biến so sánh giữa nhóm được điều trị I131 và nhóm phẫu thuật đơn thuần cho thấy: Điều trị I ốt 131 đi kèm với tăng nguy cơ phát sinh sớm bệnh bạch cầu cấp dòng tuỷ (AML, HR 1,79; khoảng tin cậy 95% 1,13 – 2,87; p=0,01) và bệnh bạch cầu mạn dòng tuỷ (CML; HR 3,44; khoảng tin cậy 95% 1,87 – 6,36; p<0,001).
Sự xuất hiện các ung thư thứ 2 làm thay đổi hoàn toàn tiên lượng của bệnh nhân với trung vị thời gian sống thêm toàn bộ xấp xỉ 8 năm so với 31 năm ở quần thể ghép cặp đối chứng (p=0,001). Thêm vào đó, AML xuất hiện sau điều trị I ốt phóng xạ cho thấy tiên lượng sống thêm có xu hướng kém hơn khi so sánh ghép cặp với quần thể bệnh nhân AML tiên phát (trung vị OS 1,2 năm so với 2,9 năm, P=0,06).
Kết luận
Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá được điều trị I ốt phóng xạ có tăng nguy cơ phát sinh sớm bệnh bạch cầu cấp và mạn dòng tuỷ, không ghi nhận tăng nguy cơ với các thể ung thư huyết học khác. AML sau điều trị I131 có tiên lượng xấu.
Điều trị I ốt 131 trong ung thư tuyến giáp thể biệt hoá nên được giới hạn cho nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao, và những bệnh nhân được điều trị cần được theo dõi những ung thư hệ tạo máu, đặc biệt các bệnh lý ác tính dòng tuỷ, như một phần trong chương trình theo dõi sau điều trị UTTG.
Liên hệ bản Full-text: www.ungthuhoc.vn/yeucautailieu
Quý bạn đọc vui lòng để lại bàn luận và các câu hỏi trong phần bình luận dưới mỗi bài viết.
BSNT. Trần Trung Bách