Bài viết “Hoại tử xương nền sọ sau xạ trị ung thư vòm mũi họng: Tần suất gặp và các yếu tố nguy cơ” được đăng trên tạp chí International Journal of Radiation Oncology, Biology, Physics ấn bản tháng 6 năm 2018. Ung Thư Học xin được chuyển tới bạn đọc bài lược dịch những nội dung chính của nghiên cứu này:
Các tác giả:
Ping Han, Xiaolin Wang, Faya Liang, Yimin Liu, Xingsheng Qiu, Yaodong Xu, Renhui Chen, Shitong Yu, Xiaoming Huang
Department of Otolaryngology-Head and Neck Surgery, Sun Yat-sen Memorial Hospital, Sun Yat-sen University, Guangzhou, China.
Giới thiệu:
Ung thư biểu mô vòm mũi họng đã được biết đến là một bệnh lý ác tính có tỷ lệ mắc cao ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Phương pháp điều trị triệt căn hiện nay dựa trên xạ trị. Hoại tử xương nền sọ (Sau đây viết tắt là HTXNS) vẫn tồn tại như một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất có thể xảy đến sau xạ trị, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mặc dù vậy cho đến nay, lại có rất ít báo cáo ghi nhận đầy đủ về biến cố đáng ngại này. Trong nghiên cứu hồi cứu này, các tác giả báo cáo kết quả ghi nhận tần suất gặp HTXNS sau xạ trị và phân tích tìm ra các yếu tố nguy cơ có giá trị cho việc dự phòng hiệu quả biến chứng này.
Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu được tiến hành trong hơn 10 năm (Từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2012) thu thập dữ liệu từ 1349 bệnh nhân ung thư vòm mũi họng có điều trị bằng liệu trình xạ trị đầy đủ. Tất cả trường hợp tuyển chọn vào nghiên cứu đều có đầy đủ thông tin về điều trị, theo dõi sau điều trị bởi thăm khám định kỳ có nội soi vòm mũi họng và chụp cộng hưởng từ. Những trường hợp đã có tiền sử xạ trị trước đó tại vùng nền sọ, những bệnh nhân không hoàn thành liệu trình xạ trị hoặc không có đầy đủ thông tin cần thiết về quá trình theo dõi sau điều trị đều không được chọn vào nghiên cứu. Điều trị xạ trị được thực hiện bởi kỹ thuật xạ trị ngoài (ERBT) với máy gia tốc thẳng.
Các kết quả chính:
Trong tổng số 1348 bệnh nhân, nghiên cứu ghi nhận có 14 trường hợp được chẩn đoán HTXNS do xạ trị. Tần suất gặp HTXNS trong nghiên cứu này là 1,04%. Khoảng thời gian trung bình tính từ khi kết thúc xạ trị đến thời điểm chẩn đoán HTXNS là 45,57 tháng. Các yếu tố liên quan đến HTXNS được chỉ ra gồm: Mức độ xâm lấn của khối u nguyên phát (Giai đoạn T), tổng liều xạ tại vòm mũi họng, trường chiếu xạ bao trùm nền sọ và tình trạng thiếu máu.
Kết luận của các tác giả: Sự xuất hiện HTXNS liên quan đến đặc điểm xâm lấn của khối u nguyên phát (Giai đoạn T), xạ trị liều cao tại vòm mũi họng và trường chiếu bao trùm vùng nền sọ. Những yếu tố này có thể được sử dụng với giá trị dự báo nguy cơ xuất hiện biến chứng HTXNS sau xạ trị.
Chú ý: Các kết quả nghiên cứu sẽ được cập nhật chi tiết sớm nhất có thể sau khi có được bản toàn văn nghiên cứu.