ASCO 2018 | Nghiên cứu đa trung tâm xác định liều xạ tối ưu trong hoá xạ trị đồng thời triệt căn ung thư thực quản

Nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, tiến cứu nhằm xác định liều xạ trị tối ưu trong chiến lược hoá xạ trị triệt căn ung thư thực quản loại tế bào vảy không có khả năng phẫu thuật, được các tác giả đến từ Trung Quốc báo cáo tại ASCO 2018 năm nay.

Tác giả: Yanjun Xu, Weiguo Zhu, Xiao Zheng, Wanwei Wang, Jiancheng Li, Rong Huang, Han He, Jianxiang Chen, Liping Liu, Zongwen Sun, Xinmei Yang, Huijuan He, Ming Zeng, Juan Pu, Wangyuan Hu, Yong Bao, Zhigang Liu, Jun Ma, Ming Chen; Zhejiang Cancer Hospital, Hangzhou, China; Huai’an First People’s Hospital, Huai’an, China; Fujian Cancer Hospital, Fuzhou, China; Foshan First People’s Hospital, Foshan, China; Jining First People’s Hospital, Jining, China; Jiaxing First People’s Hospital, Jiaxing, China; Quzhou People’s Hospital, Quzhou, China; Sichuan Provincial People’s Hospital/Sichuan Academy of Medical Science, Chengdu, China; Lianshui People’s Hospital, Lianshui, China; Jinhua Central Hospital, Jinhua, China; Department of Radiation Oncology, Sun Yat-sen University Cancer Center, State Key Laboratory of Oncology in South China, Collaborative Innovation Center of Cancer Medicine, Guangzhou, China; Hunan Cancer Hospital, Changsha, China; Anhui Provincial Hospital, Hefei, China; Department of Radiation Oncology, Zhejiang Cancer Hospital, Hangzhou, China

Ý tưởng nghiên cứu: Các nhà nghiên cứu hy vọng với các kỹ thuật xạ trị tiến bộ hiện nay, chúng ta có thể đạt được bước tiến cụ thể trong điều trị ung thư thực quản – một trong những căn bệnh ung thư “nan giải” nhất, bằng cách có thể nâng cao liều xạ trị mà vẫn đảm bảo các độc tính nằm trong giới hạn cho phép.
Phương pháp nghiên cứu:
Những bệnh nhân ung thư thực quản loại tế bào vảy chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học, ở các giai đoạn IIA-IVA được phân nhóm ngẫu nhiên nhận liều xạ trị 60Gy và 50Gy. Tổng liều xạ trị được thực hiện với phân liều 2Gy, 5 phân liều mỗi tuần, bằng kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT). Phác đồ hoá trị được lựa chọn để kết hợp đồng thời cùng xạ trị trong nghiên cứu là Docetaxel (25mg/m2) + Cisplatin (25mg/m2) hàng tuần. Tất cả bệnh nhân được nhận thêm 2 chu kỳ hoá trị củng cố sau khi kết thúc liệu trình xạ với Docetaxel (70mg/m2) + Cisplatin (25mg/m2) ngày 1 đến ngày 3.
Tiêu chí đánh giá chính: thời gian sống thêm không tiến triển (tại chỗ/tại vùng) – LRPFS
Kết quả:
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 4/2013 đến tháng 5/2017 trên tổng số 305 bệnh nhân, trong đó nhóm xạ trị 60 Gy gồm 152 bệnh nhân, nhóm 50Gy có 153 bệnh nhân.
Đối tượng bệnh nhân ở 2 nhóm nghiên cứu tương đồng về các đặc điểm giới, độ tuổi, chỉ số toàn trạng, giai đoạn lâm sàng, vị trí u, chiều dài u nguyên phát.
Tỷ lệ số bệnh nhân hoàn thành đầy đủ liệu trình xạ trị đúng như kế hoạch là: 87,5% ở nhóm 60Gy và 95,4% ở nhóm 50Gy, sự khác biệt có ý nghĩa với p=0,002.
Tỷ lệ số bệnh nhân nhận được 5, 4 và ít hơn 3 đợt hoá trị đồng thời tương ứng là: 61,2% (nhóm 60Gy so với 66,7% (nhóm 50Gy); 21,1% (nhóm 60Gy) so với 20,9% (nhóm 50Gy); 17,8% (nhóm 60Gy) so với 12,4% (nhóm 50Gy), sự khác biệt giữa 2 nhóm đối tượng không có ý nghĩa thống kê (p=0,406).
Sau thời gian theo dõi trung vị 14,4 tháng (1,3 đến 51,4 tháng), tỷ lệ số ca ghi nhận bệnh tiến triển là 15,8% và 15,7% tương ứng lần lượt với nhóm 60Gy và 50Gy. Tỷ lệ LRPFS tại thời điểm 1 năm và 2 năm lần lượt tương ứng 85,8% và 74,4% (nhóm 60Gy) so với 85,1% và 78,4% (nhóm 50Gy) (p=0,676). Các phân tích về PFS và OS sau đó cũng không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm bệnh nhân.
Về mặt độc tính, các ghi nhận độc tính mức độ 3 trở lên về huyết học, viêm thực quản và viêm phổi do xạ trị cho thấy tương đồng nhau giữa 2 nhóm bệnh nhân nghiên cứu.
Kết luận:
Nghiên cứu không chỉ ra được những lợi ích khi nâng liều xạ lên 60Gy bằng kỹ thuật IMRT với ung thư thực quản loại tế bào vảy trên các tiêu chí thời gian sống thêm không tiến triển tại chỗ-tại vùng (LRPFS), thời gian sống thêm không tiến triển (PFS) và OS. Tổng liều 50Gy tiếp tục là khuyến cáo chuẩn cho chiến lược hoá xạ trị đồng thời triệt căn trong ung thư thực quản.
Xem thêm thông tin về nghiên cứu tại: NCT01937208


BSNT. Trần Trung Bách

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

Cập nhật các nghiên cứu mới nhất liên quan đến rò tụy sau mổ (Postoperative Pancreatic Fistula – PPPF)

Rò tụy sau mổ là một trong những biến chứng nghiêm trọng và phổ biến nhất sau các phẫu thuật tụy, đặc biệt là sau phẫu thuật cắt khối tá tụy (Whipple) và cắt thân đuôi tụy. Biến chứng này không chỉ làm kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, mà còn có thể dẫn tới nhiễm trùng, chảy máu thứ phát và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *