ASCO 2017: Vai trò của Bevacizumab trong điều trị bổ trợ trước mổ ung thư buồng trứng

Kết hợp Bevacizumab vào phác đồ hoá trị bổ trợ trước mổ không giúp cải thiện tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn trên đại thể (Complete macroscopic response rate) và thời gian sống thêm không tiến triển (PFS) trên những bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn tiến triển, không thể phẫu thuật tại thời điểm chẩn đoán ban đầu. Đây là nhận định dựa theo kết quả của một thử nghiệm phase II, ngẫu nhiên, đa trung tâm (thử nghiệm NOVA), vừa được công bố tại ASCO 2017.

“Mặc dù bổ sung thêm Bevacizumab vào phác đồ hóa chất bổ trợ trước cho thấy có thể tạo được thuận lợi cho phẫu thuật giảm thiểu u tối đa sau đó, tuy nhiên, tỷ lệ số ca phẫu thuật đạt được kết quả tối ưu cũng như thời gian sống thêm không tiến triển (PFS) không được cải thiện với việc thêm 3 – 4 chu kỳ có Bevacizumab trước mổ”, theo lời của TS. Yolanda Garcia, bệnh viện Parc Tauli Sabadell, Sabadell, Tây Ban Nha.

Chiến lược điều trị chuẩn cho ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn tiến triển hiện nay vẫn là phẫu thuật giảm thiểu u tối đa (Debulking surgery) dẫn đầu, theo sau đó là hóa trị bổ trợ với phác đồ Carboplatin + Paclitaxel, có hoặc không có Bevacizumab. Các nhà khoa học hy vọng Bevacizumab tiếp tục thể hiện vai trò tích cực khi kết hợp với hoá trị trong chỉ định điều trị bổ trợ trước mổ, tuy nhiên, những dữ liệu hiện tại chưa đủ sức thuyết phục.

Phương pháp nghiên cứu:

Trên cơ sở này, các tác giả đã tiến hành thử nghiệm NOVA phase II, nhãn mở trên 68 bệnh nhân được chẩn đoán mới ung thư buồng trứng, không thể phẫu thuật được, loại mô bệnh học ung thư biểu mô thanh dịch độ cao hoặc dạng nội mạc, giai đoạn FIGO III hoặc IV, chỉ số toàn trạng ECOG từ 0-2. Các bệnh nhân có biểu hiện tắc ruột hoặc có chống chỉ định với Bevacizumab bị loại khỏi nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu được phân ngẫu nhiên chia thành 2 nhóm nhận điều trị hoá chất trước mổ 4 chu kỳ phác đồ Carboplatin AUC 6 và Paclitaxel (175mg/m2) mỗi 3 tuần có (n=35) hoặc không có Bevacizumab (n=33) với liều 15mg/kg. Sau phẫu thuật, bệnh nhân của cả 2 nhóm tiếp tục nhận 3 chu kỳ hóa trị với Bevacizumab và duy trì với Bevacizumab tới 15 tháng.

Hai nhóm bệnh nhân tương đồng nhau về vị trí u, toàn trạng, giai đoạn theo FIGO, và loại mô học. 22 bệnh nhân ở nhóm hóa trị đơn thuần và 31 ở nhóm kết hợp Bevacizumab được phẫu thuật; 19 và 29 bệnh nhân theo thứ tự tương ứng được điều trị hóa trị bổ trợ với Bevacizumab.

Tiêu chí chính của nghiên cứu là tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn trên đại thể. Các tiêu chí phụ bao gồm tính an toàn, tính khả thi của phẫu thuật, tỷ lệ số ca phẫu thuật đạt kết quả tối ưu, tỷ lệ đáp ứng và PFS.

Kết quả nghiên cứu: Không có sự khác biệt về tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn trên đại thể giữa 2 nhóm đối tượng nghiên cứu, cũng không có khác biệt về tỷ lệ phẫu thuật đạt kết quả tối ưu. Tuy nhiên, đáng lưu ý về tỷ lệ phẫu thuật đạt kết quả gần tối tưu (Suboptimal surgical outcomes) cao hơn ở nhóm có điều trị Bevacizumab trước mổ (23% so với 3%, p = 0,028). Nhóm bệnh nhân này cũng có tỷ lệ phẫu thuật được (sau hoá trị trước) cao hơn (89% vo với 67%, p = 0,029).

Trung vị PFS tương đương giữa 2 nhóm: 20.1 so với 20.4 tháng.

Tuy nhiên, với những kết quả ghi nhận thuận lợi về mặt độc tính của Bevacizumab khi kết hợp cùng hoá trị, TS. Garcia nhận định: “Có thể một số bệnh nhân chọn lọc có nguy cơ cao sẽ nhận được lợi ích với việc sử dụng sớm Bevacizumab ngay trong điều trị bổ trợ trước mổ”. Các tác dụng phụ độ 3 hoặc nặng hơn gặp ít hơn ở nhóm có Bevacizumab (61% so với 29%, P = 0.008).

Về Trần Trung Bách

Bác sĩ nội trú. Bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội - Khoa xạ trị tổng hợp, Bệnh viện K Tân Triều

Xem thêm

ĐẠI CƯƠNG VỀ U HẮC TỐ HỆ TIÊU HÓA

TỔNG QUAN, ĐỊNH NGHĨA U hắc tố ác tính (Malignant melanoma) là một dạng u …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *