11 ung thư bạn có thể mắc nếu bị béo phì hoặc lười vận động

Theo các bằng chứng khoa học thì hoạt động thể lực sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư và béo phì sẽ thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh ác tính ở một số cơ quan một cách nhanh chóng. Trong bài này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự kết hợp giữa hoạt động thể lực và béo phì đối với nguy cơ ung thư ở một số cơ quan.

Hoạt động thể lực được hiểu là sự di chuyển các bộ phận của cơ thể kèm theo sự tiêu hao năng lượng, ví dụ như các bài tập thể dục, chạy bộ, chơi tennis… Các hoạt động thể lực liên quan đến nghề nghiệp ngày càng giảm dần với sự phát triển của khoa học công nghệ nên tỉ trọng của nó trong toàn bộ hoạt động sức lực của con người ngày càng ít.

Béo phì là tình trạng quá cân nặng bình thường trên một cơ thể. Trong thống kê dịch tễ học, người ta thường sử dụng chỉ số BMI (bằng số kg cân nặng chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét) mặc dù nó không biểu thị được khối lượng mỡ thừa trong cơ thể. Béo phì được cho là khi BMI của một người từ 30 kg/m2, theo thống kế của Hoa Kì thì tỉ lệ béo phì ở nam và nữ trong năm 2009-2010 lần lượt là 33,5% và 35,8%. Ít hoạt động thể lực cũng được cho là nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ béo phì trên thế giới. Một nghiên cứu cắt ngang cho thấy chỉ có 5% số người trưởng thành dành 30 phút mỗi ngày dành cho việc tập luyện thể lực, và số nam nhiều hơn nữ.

Các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra ít hoạt động thể lực và béo phì có liên quan đến nguy cơ ung thư của các cơ quan bộ phận:

  • Ung thư vú

Ít hoạt động thể lực gây nguy cơ mắc ung thư vú với đa phần người đã mãn kinh. Nguy cơ sẽ giảm từ 20%-40% nếu thay đổi lối sống. Còn béo phì lại có một quan hệ trái ngược, nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh với người đã mãn kinh, ngược lại là có tác dụng bảo vệ với người chưa mãn kinh.

  • Ung thư đại trực tràng

Hoạt động thể lực có thể làm giảm đến 25% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng khi so sánh giữa nhóm người hoạt động nhiều và người ít hoạt động.

  • Ung thư nội mạc

Chưa thực sự có một bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ giữa bệnh này và hoạt động thể lực cũng như béo phì. Tuy nhiên người ta vẫn nhận thấy sự tăng cao số người mắc ung thư nội mạc trong số những người có lối sống tĩnh tại, thừa cân. Có lẽ sự ảnh hưởng đến các hocmon của tập luyện và béo phì đã ảnh hưởng đến sự xuất hiện bệnh.

  • Ung thư thực quản

Nghiên cứu cho kết quả có sự liên quan giữa hoạt động thể lực ít với ung thư biểu mô tuyến thực quản. Còn béo phì được cho rằng làm tăng nguy cơ trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản dẫn đến các tổn thương ở vùng đoạn nối ở tâm vị, lâu dần có thể phát triển thành ác tính.

  • Ung thư thận

Bản thân ít hoạt động và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, điều này là các yếu tố nguy cơ cho ung thư tế bào thận (RCC). Béo phì còn liên quan đến sự thay đổi trong loại tế bào ung thư như tế bào sáng, ung thư tế bào ưa bạc, nhưng hiếm khi ung thư tế bào dạng nhú.

  • Ung thư tụy

Là bệnh thường được phát hiện muộn và tiên lượng rất tồi. Các nghiên cứu lớn trên thế giới đã chỉ ra một cách chắc chắn rằng ít vận động và béo phì liên quan đến việc xuất hiện ung thư tụy.

  • Ung thư túi mật

Ung thư túi mật thường gặp ở nữ, có tiền sử sỏi mật, sử dụng estrogen ngoại sinh. Hoạt động thể lực chưa thấy có sự ảnh hưởng đến bệnh sinh ung thư túi mật, nhưng béo phì thì hoàn toàn được xác định là một nguyên nhân quan trọng gây bệnh.

  • U lympho Non-Hodgkin (NHL)

Phân tích các dữ liệu nghiên cứu trong về bệnh NHL cho thấy, trọng lượng cơ thể ở giai đoạn mới trưởng thành có nhiều giá trị dự đoán cho nguy cơ mắc bệnh sau này.

  • Ung thư tuyến tiền liệt

Có hơn 20 nghiên cứu tiến hành để xem xét mối quan hệ giữa tập luyện thể lực và ung thư tuyến tiền liệt. Mặc dù cách bắt đầu, cỡ mẫu khác nhau nhưng đều gợi ý răng tăng hoạt động thể lực sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Béo phì cũng được cho là yếu tố quan trọng trong bệnh sinh khi mà nó có tác động lên các hocmon như testosteron, yếu tố tăng trưởng tế bào.

  • Ung thư phổi

Hoạt động thể lực làm giảm được từ 30% đến 40% nguy cơ mắc ung thư phổi, kèm theo có sự kết hợp giữa chỉ số BMI và bệnh.

  • Ung thư buồng trứng

Bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa ung thư buồng trứng với tập luyện thể lực và béo phì là rất yếu với số ít nghiên cứu đưa ra chỉ số có ý nghĩa thống kê.

Nếu bạn tự thấy mình có chỉ số BMI cao, có ít hơn 30 phút vận động mỗi ngày thì hãy thay đổi cách sống trước khi các bệnh ác tính xuất hiện!

Về Phan Quang Đạt

Bác sỹ nội trú Trường ĐH Y Hà Nội chuyên ngành Ung thư

Xem thêm

Phối hợp đa mô thức và phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch theo hai đường trong điều trị bệnh lý ung thư đầu tụy tiến triển

Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của …